Hãng xe buýt điện Mỹ đệ đơn phá sản, tín hiệu “không dễ ăn” cho các công ty khởi nghiệp EV?

Bảo Bình
Chia sẻ

Các nhà phân tích cho rằng thị trường xe điện Mỹ sẽ có nhiều vụ phá sản nữa - bao gồm một số công ty đại chúng. Vấn đề chỉ là thời gian ...

Hãng sản xuất xe buýt điện Proterra của Mỹ đã được sự hỗ trợ của chính Tổng thống Joe Biden, ký hợp đồng với 135 cơ quan vận chuyển và doanh thu 309 triệu USD. Nhưng bất chấp điều đó, Proterra không thể tạo ra lợi nhuận sau gần 20 năm và đã nộp đơn xin phá sản vào tuần trước. Theo hãng tin Bloomberg, sự kiện phá sản của Proterra cho thấy dù thị trường EV đang phát triển rất mạnh mẽ và ngay cả khi nhận được sự hỗ trợ với hàng triệu USD khoản vay từ chính phủ, vẫn không đủ để hãng xe điện này tồn tại.

CỔ PHIẾU PROTERRA GIẢM MẠNH 90% KỂ TỪ KHI CÓ THÔNG BÁO PHÁ SẢN

Pavel Molchanov, nhà phân tích nghiên cứu vốn chủ sở hữu tại công ty quản lý tài sản Raymond James & Associates, cho biết “sẽ có nhiều vụ phá sản nữa - bao gồm một số công ty đại chúng - trong ngành xe điện. Vấn đề chỉ là thời gian thôi”.

Proterra là nhà sản xuất xe buýt không khí thải có trụ sở tại Bay Area. Công ty trích dẫn “những cơn gió ngược về thị trường và kinh tế vĩ mô” là chất xúc tác khiến Proterra phải nộp đơn phá sản.

Shane Levy, phát ngôn viên của công ty cho biết: “Nhiều yếu tố cộng lại đã đẩy chúng tôi đến thời điểm này. Một số vấn đề liên quan đến ngành vận tải công cộng đã ảnh hưởng đến khả năng mở rộng quy mô lợi nhuận cho từng ngành nghề kinh doanh của chúng tôi”.

Ngành công nghiệp ô tô đã đầu tư hàng tỷ USD để sản xuất EV, trong bối cảnh chính phủ trên toàn cầu đặt ra các giới hạn phát thải ngày càng nghiêm ngặt và bắt buộc phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang EV. Tuy nhiên, việc sản xuất xe điện thương mại mang lại lợi nhuận vẫn là một thách thức lớn đối với các nhà sản xuất ô tô lâu đời cũng như các công ty trẻ hơn.

David Tuttle, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Năng lượng của Đại học Texas tại Austin, cho rằng các phương tiện điện khí hóa có thể giúp các hãng xe tuân thủ nguyên tắc giảm khí thải, tuy nhiên các công ty phải tìm ra được công thức kinh doanh phù hợp, và cuối cùng là có được dòng tiền vì đây là loại thị trường có cường độ cao, vốn đầu tư cao mới có thể chế tạo những phương tiện lớn.

Proterra ra mắt vào năm 2004 với tư cách là nhà sản xuất xe buýt điện trước khi mở rộng sang sản xuất hệ thống pin và hệ thống truyền động, cũng như cơ sở hạ tầng sạc. Người sáng lập Ryan Popple, từng là giám đốc điều hành từ năm 2014 đến năm 2020, được ca ngợi là ngôi sao đang lên trong ngành xe điện trước khi rời công ty. (Ông mất năm 2021.)

Công ty đã niêm yết cổ phiếu vào tháng 6 năm 2021 sau khi hợp nhất với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt. Giá trị của Proterra đứng ở mức 1,6 tỷ USD khi thỏa thuận kết thúc.

Proterra đã giao hơn 1.000 xe buýt điện cho các cơ quan vận chuyển công cộng ở những nơi như Los Angeles và San Francisco kể từ năm 2010. Vào năm 2022, Proterra đã tạo ra doanh thu 309,4 triệu USD, tăng 24% so với năm trước, theo hồ sơ của công ty. Công ty cũng nhận được trao khoản vay 10 triệu USD từ Chương trình bảo vệ tiền lương vào năm 2020, khoản vay này đã được xóa vào tháng 5/2022.

Tổng thống Joe Biden đã tham dự chuyến tham quan ảo đến cơ sở của công ty vào năm 2021, ca ngợi Proterra là công ty đi đầu trong lĩnh vực xe điện trong bối cảnh có kế hoạch điện khí hóa đội xe buýt trường học và phương tiện công cộng của Hoa Kỳ.

Nhưng Proterra lại chưa bao giờ thu được lợi nhuận. Trong nửa đầu năm 2023, Proterra đã tạo ra khoảng 165 triệu USD doanh thu và có 180 triệu USD nợ chưa thanh toán, theo báo cáo thu nhập hàng quý gần đây nhất của công ty. Tính đến tháng 6, thâm hụt lũy kế của công ty là 1,4 tỷ USD. Đệ đơn phá sản sẽ bảo vệ Proterra khỏi các chủ nợ trong khi lên kế hoạch trả nợ.

Cổ phiếu của công ty đã giảm mạnh 90% kể từ khi có thông báo phá sản, và cổ phiếu của công ty đã giảm từ hơn 15 USD xuống chưa đến 2 USD kể từ khi IPO. 

NHIỀU CÔNG TY KHỞI NGHIỆP EV PHẢI VẬT LỘN VỚI TÌNH TRẠNG THIẾU DÒNG TIỀN 

Mặc dù nhu cầu thị trường EV tăng lên và chính phủ hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang EV, nhưng việc bán xe buýt cho các cơ quan vận chuyển rất tốn kém và có thể mất nhiều năm mới hoàn thành các hợp đồng. Đó là bởi vì các cơ quan vận chuyển khác nhau lại có nhu cầu tùy chỉnh xe buýt khác nhau. Thêm vào đó, các thành phố tự trị có xu hướng mua xe buýt theo lô khi có kinh phí, khiến các doanh nghiệp khó dự đoán và lên chiến lược, việc quản lý dòng tiền ổn định trở nên khó khăn hơn, theo Nikolas Soulopoulos, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vận tải thương mại tại BloombergNEF.

Những thách thức đó, cùng với lạm phát gia tăng và những hạn chế trong chuỗi cung ứng, có thể khiến thời gian hoàn thành hợp đồng bị kéo dài và tăng giá sản xuất. Soulopoulos cho biết thêm, 5 trong số 6 quý trước đó, Proterra có lợi nhuận gộp âm, nghĩa là họ phải bán xe buýt điện của mình với giá thấp hơn chi phí sản xuất.

Các nhà sản xuất ô tô truyền thống có hầu bao rủng rỉnh hơn, bao gồm Daimler, Volvo và Ford, có thể đủ khả năng đầu tư vào phát triển xe điện vì họ kiếm được phần lớn doanh thu từ việc bán các loại xe chạy bằng dầu diesel và khí đốt. Nhưng nhiều công ty khởi nghiệp EV và các công ty giai đoạn đầu như Proterra đang phải vật lộn với tình trạng thiếu dòng tiền trong bối cảnh hạn hán về tài chính.

Soulopoulos cho biết: “Proterra đã đốt tiền hàng quý, cả với tư cách là công ty tư nhân và công ty đại chúng. Sẽ đến lúc hết tiền mặt, vì vậy công ty sẽ đối mặt với câu hỏi huy động thêm vốn hay cần tái cấu trúc doanh nghiệp?”.

Các nhà phân tích cho rằng tình hình tài chính của Proterra phản ánh phần lớn những gì đang diễn ra trên thị trường xe điện. Các công ty khởi nghiệp EV bao gồm Nikola, Arrival và Workhorse cũng đã báo cáo các quý liên tiếp bị đốt tiền mặt dữ dội, trong khi nhà sản xuất EV Lordstown Motors đã phá sản vào tháng 6. Volvo cũng đã ngừng bán Nova Bus tại thị trường Mỹ vào tháng 6 do “thua lỗ tài chính liên tục trong những năm qua”.

Chuyên gia lưu ý rằng việc nhân rộng thành công xe điện ở Bắc Mỹ là một thách thức đặc biệt đối với các nhà sản xuất vì nhu cầu tăng trưởng kém hơn so với ở Trung Quốc hoặc Châu Âu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc chiếm hơn 60% doanh số bán xe điện của thế giới.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con