Hát dân ca tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Để chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện đến gần và hấp dẫn hơn với người dân, nhiều địa phương đã có các mô hình, cách làm tuyên truyền sáng tạo. Một trong số đó là tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội thông qua hát dân ca “bài chòi” tại tỉnh Quảng Nam…
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, các địa phương đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình, giải pháp hay, đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội.
LÀM “VƯỜN AN SINH”, “NUÔI HEO ĐẤT” ĐỂ CÓ LƯƠNG HƯU
Một trong những mô hình đem lại hiệu quả cao, thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là mô hình “vườn rau an sinh”, “tiết kiệm an sinh” của Bảo hiểm xã hội huyện Thạch Hà (Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh).
Để triển khai mô hình, Bảo hiểm xã hội huyện đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện thành lập câu lạc bộ, tập hợp những người làm vườn có thu nhập từ nguồn bán rau để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Hiện số lượng hội viên của câu lạc bộ ngày càng tăng. Hầu hết hội viên tham gia bảo hiểm xã hội liên tục, bền vững để mong tuổi già được an nhàn nhờ có lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe.
Mô hình “vườn rau an sinh”, “tiết kiệm an sinh” được đánh giá là một trong những hình thức đổi mới công tác tuyên truyền, đóng góp tích cực cho công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn.
Nhờ đó, năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của huyện Thạch Hà tăng 3.597 người so với năm 2020, đưa tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của huyện đạt 9,1%.
Tỷ lệ này đưa Thạch Hà trở thành huyện có số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, với gần 7.000 người tham gia (chiếm 13% tổng số người tham gia toàn tỉnh).
Còn tại huyện Châu Thành, Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An triển khai mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình” được người dân tích cực tham gia, hưởng ứng.
Cùng với Bảo hiểm xã hội huyện, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi… đã phối hợp thành lập các tổ tại các xã và tặng heo đất, phát động mỗi hội viên tiết kiệm tiền chợ ít nhất 10.000 đồng/ngày để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 3.000 đồng/ngày để tham gia bảo hiểm y tế.
Tính đến tháng 5/2023, mô hình này đã được nhân rộng tại 13/13 xã, thị trấn với 1.352 thành viên, trong đó 548 thành viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và 794 thành viên tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Tổng số tiền hội viên tiết kiệm được để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế là hơn 1 tỷ đồng.
Thông qua việc tổ chức mô hình này, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được lan tỏa tới các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Qua đó, làm thay đổi nhận thức, hành động và thói quen của người dân, chủ động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình để đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống.
Tính đến ngày 31/5/2023, số người tham gia bảo hiểm y tế của huyện Châu Thành đạt tỉ lệ bao phủ 96,5% dân số toàn huyện; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1.958 người, đạt 87,1% chỉ tiêu được giao năm 2023.
ĐA DẠNG GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGƯỜI THAM GIA
Ngoài các tập thể điển hình tiên tiến, nhiều cá nhân trở thành tấm gương sáng về sự sáng tạo, nhiệt huyết vì sự nghiệp đảm bảo an sinh xã hội.
Một trong số đó là chị Đinh Thúy Ngà, Bảo hiểm xã hội huyện Lộc Bình, thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lạng Sơn. Bằng việc thực hiện các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, năm 2021, chị Ngà đã phát triển được 104/341 người tham gia tăng mới của toàn huyện (chiếm 30% tổng toàn huyện); năm 2022, phát triển được 126/475 người tham gia tăng mới (chiếm 26,5% tổng toàn huyện).
Để chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến gần và hấp dẫn hơn với người dân, chị Đỗ Thị Bích Hoa (Phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam) đã tham mưu đổi mới tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua nghệ thuật sân khấu dân gian “bài chòi”, một loại hình nghệ thuật dân ca đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể.
Mỗi buổi tuyên truyền đã thu hút khoảng 300 đến 500 người xem, thậm chí có buổi gần cả nghìn người. Đến nay, đã có khoảng hơn 8.000 người được tuyên truyền, hiểu sâu hơn về chính sách bảo hiểm xã hội thông qua hình thức truyền thông mới này.
Năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã phát triển gần 7.000 người tăng mới, giúp Bảo hiểm xã hội tỉnh hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, anh Nguyễn Quang Thuận (Phòng Công nghệ thông tin, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình) có 2 sáng kiến cấp Ngành được đánh giá hiệu quả, áp dụng trong toàn Ngành.
Với các sáng kiến này, đã giúp cho người dân khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh có thể sử dụng mạng không dây có kết nối internet được trang bị, cấp miễn phí tại các cơ sở y tế để đăng nhập ứng dụng VssID và xuất trình thẻ bảo hiểm y tế điện tử trên ứng dụng này, từ đó giúp việc đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được nhanh, gọn, tiện lợi.
Đến tháng 5/2023, tỉnh Quảng Bình đã có 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp. Số lượt tra cứu thành công là 219.443 lượt, đứng thứ 4 toàn quốc về tỷ lệ tra cứu thành công.
Với kết quả này, Quảng Bình là tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai mô hình "Đón tiếp người bệnh đăng ký vào khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc" tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi đi khám chữa ệnh bảo hiểm y tế; góp phần hạn chế ngăn chặn việc trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.