H&M lại bị tố đạo nhái thiết kế
Sự giống nhau trong thời trang vốn không phải là chuyện hiếm thấy. Tuy nhiên, giữa trùng lặp ý tưởng và giống nhau gần như tuyệt đối là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt…
Không giống các ngành công nghiệp khác, việc làm giả các sản phẩm thời trang dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu may mắn và các thiết kế được thay đổi nhiều so với bản gốc, việc đạo nhái có thể khó bị phát hiện. Trong trường hợp bị mang ra so sánh, cả phía thương hiệu và người đạo nhái đều không có lợi. Tờ báo The Fashion Law cho rằng vấn đề nằm ở việc chưa có luật cụ thể, nghiêm khắc đối với tình trạng này.
Mới đây nhất, bộ sưu tập “Conscious” của H&M đã gây xôn xao giới thời trang. Theo báo cáo của Diet Prada, dòng sản phẩm này có các thiết kế tương tự từ danh mục sản phẩm của Comme Des Garçons và Balenciaga, cũng như các sản phẩm nhái trực tiếp thiết kế dệt kim của nhà thiết kế mới nổi Chet Lo.
Tài năng người Mỹ gốc Á có trụ sở tại London đã lên Instagram Stories để giải quyết vấn đề. “Là một thương hiệu nhỏ và là nhà thiết kế độc lập, tôi đã làm việc cực kỳ chăm chỉ để làm ra các sản phẩm dựa trên di sản của mình và tạo nên tiếng nói trong ngành,” anh nói. “Các công ty thời trang nhanh liên tục sao chép các tác phẩm của các nhà thiết kế nhỏ hơn, nhưng cuối cùng, tính chân thực, độc đáo và sáng tạo không bao giờ có thể được tái tạo”.
Nhà thiết kế Chet Lo ra mắt nhãn hiệu cùng tên của mình vào năm 2020 đã tạo dựng được tên tuổi trong thế giới thời trang khi mới 25 tuổi. Các thiết kế của anh đã được các ngôi sao như Kylie Jenner, Willow Smith và Dua Lipa yêu thích. Một số thiết kế của Chet Lo cũng xuất hiện trong video âm nhạc “Kiss Me More” của Doja Cat và SZA. Thiết kế của thương hiệu tuân theo một chủ đề nhất quán: bề mặt có gai và dệt kim.
Theo Diet Prada, H&M đã tung ra những mẫu quần áo mới, trong đó có một chiếc áo croptop màu cam và một chiếc váy màu hồng loang với bề mặt có gai. Sự giống nhau giữa chiếc áo và váy của H&M và thiết kế của Chet Los hiện đã trở thành tâm điểm bàn tán trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của nhà thiết kế Harris Reed thảo luận trên Instagram của Diet Prada, cùng những người khác.
Nhà thiết kế Harris Reed là một trong số những người đầu tiên đưa ra những tuyên ngôn gay gắt. “Sao chép một nhà thiết kế trẻ tuổi, người làm việc chăm chỉ hơn bất kỳ ai mà tôi biết, là điều thực sự kinh tởm,” Reed nói trên Instagram. Ban đầu, Chet Lo có ý định phớt lờ tình huống này vì anh không muốn mọi người cho rằng mình được biết đến nhiều hơn nhờ mẫu thiết kế mới của H&M, cho đến khi anh nhớ ra có bao nhiêu nhà thiết kế nhỏ khác bị ảnh hưởng bởi việc sao chép.
Mặc dù những sản phẩm được đề cập của H&M có thể gợi nhớ đến những chiếc “áo bỏng ngô” thời Y2K, nhưng sự đổi mới của Chet Lo nằm ở kỹ thuật: một sản phẩm hoàn toàn thủ công, không giống như những chiếc áo nguyên bản được tạo hình bằng nhiệt. Phiên bản của H&M dường như mô phỏng lại kiểu dệt đan này với kỹ thuật sản xuất hàng loạt. Hay nói theo cách của Chet Lo: “họ tiếp thu những ý tưởng đó để kiếm lời, theo cách rỗng tuếch và kém hiệu quả”.
Ở chiều ngược lại, H&M cho biết họ hoàn toàn không sao chép thiết kế của Chet Lo, thay vào đó họ đã lấy cảm hứng từ các xu hướng thời trang thập niên 90 cho sản phẩm của mình. Trong một email gửi tới Expressen, bộ phận truyền thông của công ty viết rằng các xu hướng là toàn cầu và có thể xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau cùng lúc, vì nhiều nhà thiết kế lấy cảm hứng từ những thứ giống nhau.
“Tại H&M, chúng tôi không sao chép, chúng tôi có đội ngũ nội bộ sáng tạo thiết kế tất cả các bộ sưu tập của chúng tôi. Bộ sưu tập mới có nhiều tài liệu tham khảo từ những năm 90 và 2000 và trong thời gian đó, các sản phẩm dệt kim được tạo gai trên bề mặt khá phổ biến," bộ phận truyền thông của thương hiệu viết. “Trong trường hợp cụ thể này, nguồn cảm hứng của chúng tôi cho bộ sưu tập đến từ những năm 90 cũng như từ các thiết kế nội thất khác nhau”.
Các cuộc thảo luận trên mạng xã hội hiện nay khá đa chiều, với nhiều fan hâm mộ của H&M cho rằng thiết kế không có gì mới. “Những chiếc áo len như thế này đã có từ nhiều năm rồi, tôi đã có một chiếc áo tương tự từ năm 2000,” một người bình luận dưới bài viết của Diet Panda. Nhiều người nhận xét “đó là một thiết kế rất phổ biến ở các khu vực châu Á, như Nhật Bản, trước đây. Chứ không phải là những thiết kế độc nhất như Chet Lo khẳng định”.⠀⠀⠀⠀
Đây không phải là lần đầu tiên H&M bị tố đạo nhái thiết kế. Năm 2018, H&M bị các thương hiệu cao cấp đồng loạt chỉ trích vì điểm giống nhau đến ngỡ ngàng giữa 2 thiết kế bare midriff với đường cut-out táo bạo của H&M và Balenciaga. Trong khi thiết kế của Balenciaga có giá 1.535 USD thì sản phẩm của H&M chỉ vỏn vẹn… 19.95 USD. Cùng chung cảnh ngộ là thương hiệu Celine với chiếc đầm cổ V pha ren lưới khá lạ mắt hay là chiếc sweatshirt mặt hổ nổi tiếng của Kenzo đã được H&M đã vô cùng nhạy bén sản xuất những sản phẩm tương tự, với mức giá rẻ chỉ bằng 1/10.
Ngày nay, gần như ở bất cứ thị trường quốc gia nào, người tiêu dùng thời trang cũng có thể "cập nhật" phong cách của các nhà mốt danh giá hàng đầu thế giới với chi phí "vừa túi tiền". Điều này khiến cho việc copy các sản phẩm thời trang trở nên phổ biến. Đến mức, các cuộc kiện cáo vi phạm luật sở hữu trí tuệ trong ngành công nghiệp thời trang đôi khi còn bị nhầm tưởng là một chiến dịch marketing.