Hỗ trợ kinh tế tư nhân phục hồi sau đại dịch Covid-19

Đặng Đức Thành (*)
Chia sẻ

Sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục đối mặt với loạt thách thức mới từ cơn bão suy thoái toàn cầu do đứt gãy chuỗi cung ứng, do cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, biến đổi khí hậu… Thực tế này đặt ra yêu cầu về việc cần có những giải pháp mới để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân vượt qua thách thức mới...

Khu vực kinh tế tư nhân chưa gượng dậy sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, lại đang phải chịu tác động của cơn bão suy thoái toàn cầu do đứt gãy chuỗi cung ứng.
Khu vực kinh tế tư nhân chưa gượng dậy sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, lại đang phải chịu tác động của cơn bão suy thoái toàn cầu do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Cùng với các doanh nghiệp nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức, quản trị nhằm duy trì sản xuất kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới“ để đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, thực hiện hiệu quả việc phòng và chống dịch; chăm lo cuộc sống của người lao động.

Vì vậy, khi nhận định về sự vực dậy nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, đã đánh giá rằng “Khu vực tư nhân mới nổi và năng động của Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng chống chịu trong đại dịch Covid-19, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia đạt tăng trưởng dương trong năm 2020”.

ĐỨNG TRƯỚC NGUY CƠ SUY THOÁI KINH TẾ TOÀN CẦU

Tuy vậy, doanh nghiệp nói chung, khu vực kinh tế tư nhân nói riêng chưa gượng dậy sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, lại đang phải chịu tác động của cơn bão suy thoái toàn cầu do đứt gãy chuỗi cung ứng, do cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, biến đổi khí hậu… Những thách thức đặt ra đó là:

Thứ nhất, chi phí đầu vào tăng vọt. Giá nhiên liệu tăng cao do xung đột Nga-Ukraine dẫn đến chi phí đi vay cao hơn, hoạt động thương mại bị gián đoạn, lạm phát lên cao, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Lạm phát gia tăng đã thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất khiến chi phí đi vay của doanh nghiệp cao hơn. Sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực đã gây ra tình trạng thiếu hụt đầu vào và tăng giá hàng hóa.

Chi phí logistics tăng bởi giá xăng dầu tăng mạnh, dự kiến chi phí vận chuyển đường biển tăng khoảng 10-30% tùy từng tuyến đường. Ngoài ra, chi phí vận chuyển trong nước cũng được dự báo tăng khoảng 10%, cộng thêm hiện tượng ùn nghẽn tại các cảng biển gia tăng do thiếu năng lực khai thác và nhu cầu vận chuyển tăng cao sau giai đoạn dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến tài chính của doanh nghiệp.

Thống kê cho thấy, hơn 2/3 doanh nghiệp đang chịu áp lực do lạm phát có xu hướng gia tăng và bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới. Đây là những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang phải đối mặt; tiếp theo là gián đoạn do “di chứng” của Đại dịch Covid-19 gây ra (61,5%); đứt gãy chuỗi cung ứng (53,9%); sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp (48,1%) và khó khăn về thiếu nhân lực sản xuất (40,4%).

Ủy viên BCH Liên Đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam ( VCCI), Chủ tịch Tập đoàn Green +.
Ủy viên BCH Liên Đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam ( VCCI), Chủ tịch Tập đoàn Green +.

Áp lực tăng giá của đầu vào sản xuất đang đặt ra các nguy cơ, thách thức mới cho doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế Việt Nam trong việc thúc đẩy sự gia tăng sản lượng ở cấp độ vi mô, cũng như việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dưới góc độ vĩ mô. Theo khảo sát của Vietnam Report, có đến 96,1% doanh nghiệp đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất. Đặc biệt, cường độ áp lực tại 1/3 số doanh nghiệp này đang ở mức rất cao.

Thứ hai, thiếu vốn và giá vay vốn tăng. Trong tổng số trên 850 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, có tới 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với nguồn vốn duy nhất đến từ hệ thống ngân hàng và từ việc phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán. Tín dụng chủ yếu được tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên hậu Covid-19, dòng vốn từ ngân hàng vẫn là điểm tựa tiếp sức thêm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng sản xuất, tận dụng cơ hội cao điểm để phát triển thành các doanh nghiệp quy mô trong tương lai.

Thứ ba, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thông thoáng, hệ thống pháp luật còn bất cập. Sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật khiến các cơ quan thực thi chính sách trở nên lúng túng, bị động khi giải quyết công việc cho doanh nghiệp; đồng thời, tạo tâm lý sợ rủi ro, sợ sai rất phổ biến trong bộ máy nhà nước.

Nhiều địa phương và thậm chí ở các bộ, ngành hiện nay không dám giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khiến hoạt động đầu tư, kinh doanh bị đình trệ, chậm tiến độ, dẫn đến tình trạng là nhiều việc phải đẩy lên đến cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua là một ví dụ điển hình.

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH MỚI

Trong các năm 2020, 2021 và 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết, nghị định và quyết định để thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó, năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 116/2020/QH14, ngày 19/6/2020 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15, ngày 30/10/2021 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Năm 2022, đại dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, thì xung đột Nga-Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động thương mại, đầu tư, đẩy lạm phát lên cao và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Lạm phát gia tăng đã thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất khiến chi phí đi vay của doanh nghiệp cao hơn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có nhiều chính sách ứng phó với những tác động của đại dịch, trong đó, chính sách tài khóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Cụ thể, ngày 11/01/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn.

Ngày 30/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15. Trong đó, về chính sách tài khóa để hỗ trợ Chương trình, gồm bốn nhóm chính sách.

Nhóm thứ nhất, các chính sách miễn, giảm thuế: (i) giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (xuống còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; (ii) cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm.

Nhóm thứ hai, để triển khai Nghị quyết, ngày 28/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và ngày 28/5/2022, ban hành Nghị định số 34/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022.

Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng Covid-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Aus4Reform thực hiện.
Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng Covid-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Aus4Reform thực hiện.

Nhóm thứ ba, chính sách đầu tư phát triển: tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong hai năm 2022 và 2023, bao gồm các lĩnh vực: y tế; an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; và việc lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình phải bảo đảm giải ngân vốn trong 2 năm 2022 và 2023.

Nhóm thứ tư, chính sách tài khóa khác: hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho ngân hàng chính sách xã hội.

CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH KINH TẾ TƯ NHÂN

Về phía Nhà nước, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân đến năm 2025 tầm nhìn đến 2030 đã đề ra 6 nhóm giải pháp. Trong bối cảnh thực hiện phục hồi nền kinh tế và doanh nghiệp sau đại dịch, bên cạnh việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cần chú trọng thực hiện một số giải pháp có tính chất đột phá.

Một là, thúc đẩy, đề cao tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp trong toàn xã hội, trước hết trong lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên. Mục tiêu hướng tới xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp với nhiều địa phương, thành phố khởi nghiệp, đại học khởi nghiệp...

Hai là, doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo ra các sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới. Ngoài nỗ lực chính của các doanh nghiệp, doanh nhân, Chính phủ cần xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện đổi mới sáng tạo; ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ mới.

Ba là, để phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, liên kết các doanh nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về Hội, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp. Trước mắt, cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Bốn là, tập trung tháo gỡ các “nút thắt” hiện nay về thị trường vốn, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ… để doanh nghiệp tư nhân vượt qua khó khăn, chủ động nắm bắt thời cơ, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn hậu đại dịch.

Năm là, rà soát và chỉnh sửa bổ sung hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh sản xuất sao cho theo kịp và phù hợp với tình hình chuyển động của kinh tế thế giới và điều kiện Việt Nam.

Sáu là, tạo môi trường, cộng đồng sinh thái khởi nghiệp, thu hút nguồn sinh lực mới từ những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trẻ có nhiều ý tưởng, nhiều năng lượng, sáng tạo và cách làm táo bạo trong sản xuất kinh doanh ở giai đoạn nhạy cảm và dễ tổn thương như vừa qua và trong tương lai.

Về phía doanh nghiệp, thách thức và nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thị trường hàng hóa ngưng trệ, không bán được hàng, không có doanh thu, không trả nợ được ngân hàng, buộc phải cho lao động nghỉ việc, thậm chí phá sản. Để có thể trụ vững, vượt qua thách thức và phát triển, đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ chính các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước và toàn xã hội.

Theo đó, cần tập trung vào một số giải pháp dài hạn và ngắn hạn:

Một là, thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp. Đây là biện pháp dài hạn và thực hiện thường xuyên, tuy nhiên khi xảy ra dịch bệnh thì yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp trở nên cấp bách, đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc nhanh hơn, quyết liệt hơn, trong đó, tập trung vào tái cấu trúc chiến lược kinh doanh và tái cấu trúc vốn và nguồn vốn. Tuy nhiên, thực hiện tái cấu trúc như thế nào tùy thuộc vào quy mô, phạm vi, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Hai là, thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Thực hiện chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Việt Nam còn khá chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp Việt Nam đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh theo phương thức truyền thống, hạn chế nguồn lực và kênh phân phối, nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp chưa cao.

Ba là, sử dụng các công cụ quản lý doanh nghiệp hiện đại. Có rất nhiều công cụ đã được doanh nghiệp trên thế giới sử dụng hiệu quả để các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng trong việc quản lý doanh nghiệp, quản lý kinh doanh như Strategic Planning, Customer Relationship Management, Benchmarking, Balanced Scorecard,… Chẳng hạn, để quản trị mục tiêu chiến lược và hiệu quả công việc doanh nghiệp có thể sử dụng bộ đôi công cụ BSC và KPI.

Thẻ điểm cân bằng (Balance Scoredcard - BSC) là một hệ thống quản lý chiến lược qua 4 khía cạnh tài chính, khách hàng, hoạt động nội bộ và hoạt động nghiên cứu phát triển. BSC cho biết để có thể đạt được các mục tiêu chiến lược, doanh nghiệp cần ưu tiên phát triển những nguồn lực nào để tạo ra sự khác biệt, doanh nghiệp cần có năng lực cốt lõi gì, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Chỉ số đánh giá thực hiện công việc (Key Performance Indicator - KPI) là công cụ đo lường hiệu suất làm việc, giúp doanh nghiệp có thể tính toán trước được kết quả và từ đó theo dõi quá trình tăng trưởng so với mục tiêu đã đề ra.

Bốn là, tìm hướng đi mới, thay đổi cách thức marketing và bán hàng. Khi xảy ra dịch bệnh, khách hàng sẽ không đi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, lúc này doanh nghiệp cần thay đổi phương thức kinh doanh chuyển từ phục vụ tại cửa hàng sang phục vụ tại nhà, chuyển từ bán hàng trực tiếp sang bán hàng online. Đối với các startup đang hoạt động mà thị trường bão hòa thì đây cũng là thời điểm để tập trung vào các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), hoạt động cốt lõi để tìm ra những hướng đi mới hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hiệu quả tổ chức.

Năm là, chú trọng khai thác thị trường nội địa. Tác động của việc “đứt gãy” nguồn cung ứng nguyên phụ liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm là rất lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần chủ động khai thác thị trường nội địa, kể cả ở khía cạnh tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu thay thế và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Khai thác thị trường nội địa Việt Nam với quy mô trên 90 triệu dân và là thị trường nhập khẩu hàng tiêu dùng lớn trong bối cảnh các nước ngừng hoặc giãn tiến độ nhập khẩu hàng hóa Việt Nam có thể coi là biện pháp “cứu cánh” của các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký với các nước, nhất là các Hiệp định tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn cung ứng thay thế.

Sáu là, thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí. Đây là biện pháp rất “cổ điển” nhưng rất hữu ích và bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện khi đối mặt với khó khăn về nguồn cung và thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Doanh nghiệp cần rà soát lại toàn bộ các chi phí và thực hiện giảm, cắt giảm các chi phí đến mức tối đa như chi phí thuê văn phòng, chí phí hành chính, chi phí quảng cáo…

Tuy nhiên, nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động, nhất là lao động chất lượng cao sau khi hết dịch là vấn đề cần quan tâm. Đặc biệt, trong các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày rất khó tuyển dụng lao động thì việc lựa chọn cách thức cắt giảm chi phí lao động cần được tính toán kỹ lưỡng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các chính sách về lao động việc làm của Chính phủ như trợ cấp thất nghiệp hoặc trực tiếp trợ cấp cho người lao động trong điều kiện ngân sách cho phép để giữ chân người lao động.

Bảy , đào tạo và đào tạo lại nhân viên. Ngoài việc thực hiện các chính sách về lao động như trên, các doanh nghiệp thực hiện việc đào tạo và đào tạo lại lao động để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai.

-------

(*) Ủy viên BCH Liên Đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Tập đoàn Green +

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47 phát hành ngày 21-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hỗ trợ kinh tế tư nhân phục hồi sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con