Hồi là cắt lỗ, thị trường lại đỏ
Dòng tiền đã không được hút vào thị trường, đây được xem là tín hiệu kém tích cực và nhà đầu tư tranh thủ cắt lỗ khi có giá tốt. Lực bán gia tăng rõ hơn cuối phiên sáng, tiếp tục ép cổ phiếu sụt giảm nhiều hơn, kể cả những mã khỏe nhất...
Dòng tiền đã không được hút vào thị trường, đây được xem là tín hiệu kém tích cực và nhà đầu tư tranh thủ cắt lỗ khi có giá tốt. Lực bán gia tăng rõ hơn cuối phiên sáng, tiếp tục ép cổ phiếu sụt giảm nhiều hơn, kể cả những mã khỏe nhất.
VN-Index rơi xuống vùng đỏ chỉ sau 30 phút khi thị trường mở cửa trở lại phiên chiều. Sau vài nhịp giằng co quanh tham chiếu, 30 phút cuối thị trường lao dốc thẳng, VN-Index kết phiên ở mức thấp nhất ngày, giảm 10,81 điểm tương đương 0,91%.
Không chỉ VN-Index, tất cả các chỉ số nhóm vốn hóa còn lại cũng giảm: VN30-Index giảm 0,71%, Midcap giảm 1,26%, Smallcap giảm 0,85%.
Mặc dù các chỉ số giảm nhưng thị trường cũng không phải quá tệ. Khả năng nâng đỡ giá khác nhau đã khiến độ rộng phân hóa. VN-Index kết phiên với 232 mã tăng/224 mã giảm. Ngay nhóm VN30 cũng có 16 mã tăng/11 mã giảm.
Độ rộng thị trường cho thấy đang có tác động vốn hóa lên chỉ số ở mức độ nhất định. Loạt cổ phiếu lớn bị đánh sập về cuối đã khiến chỉ số mất điểm nhanh hơn. Đó là VHM giảm 3,24%, GAS giảm 5%, MSN giảm 6,91%, BCM giảm 6,96%, TCB giảm 3,55%...
Hầu hết các blue-chips đều suy yếu nhiều trong phiên chiều. Thống kê tới 28/30 mã của rổ VN30 có giá đóng cửa thấp hơn giá chốt cuối phiên sáng. Dù mức tụt giá khá lớn, nhưng cũng không nhiều mã bị đánh qua ngưỡng tham chiếu, nên độ rộng của rổ này còn duy trì được thế phân hóa. Tuy vậy cũng có nhiều cổ phiếu biến động rất mạnh, chẳng hạn MSN cuối phiên sáng mới giảm 0,1%, đến chiều bị đánh thẳng về mức sàn. TCB, MWG, GAS bị đánh tụt trên 4% và đều kết phiên ở giá đỏ.
5 cổ phiếu có ảnh hưởng nhất tới VN-Index kết trên khiến chỉ số mất khoảng 9,5 điểm trong tổng giảm 10,81 điểm. Điều này thể hiện sức ép từ trụ đóng vai trò rất lớn. Đây có thể là tín hiệu tích cực.
Việc VN-Index giảm thủng ngưỡng 1200 điểm mang tính tâm lý là chính, vì đỉnh 1200 điểm trong quá khứ không giống 1200 điểm hiện tại, từ yếu tố doanh nghiệp tới vĩ mô. Do đó sức hấp dẫn ở cổ phiếu không liên quan nhiều đến chỉ số. Lực cầu bắt đáy sẽ xuất hiện ở các mã được quan tâm và tạo sự phân hóa về giá.
Những cổ phiếu duy trì được lực đỡ với thanh khoản khá phiên này là một biểu hiện tốt, khi có dòng tiền quan tâm trước các mã khác. Nhóm chứng khoán có thể xem là các mã tín hiệu, vì nếu thị trường thật sự tạo đáy, mảng đầu tư của các công ty sẽ có cơ hội lớn khi giá nhiều cổ phiếu chiết khấu rất sâu. Ngay cả nhóm này phiên chiều cũng chịu sức ép rất mạnh, nhưng phần lớn còn tăng cao như SSI tăng 5,81%, HCM kịch trần, VND tăng 3,19%, VCI tăng 3,33%... Nhóm ngân hàng cũng còn nhiều mã trụ giá thành công như TPB, CTG, MBB, HDB, BID...
Ngược lại, các cổ phiếu bị xả mạnh là những mã còn chịu sức ép, thậm chí là giải chấp. HoSE kết phiên hôm nay với 42 mã giảm sàn, blue-chips có MSN, STB, Midcap có 19 mã, Smallcap có 17 mã. Đáng chú ý là các cổ phiếu quay đầu giảm sàn phiên này không chỉ là hàng đầu cơ, mà có nhiều cổ phiếu cơ bản khác. Điều này cho thấy sức ép vẫn “ẩn” đâu đó, dù không đến mức tạo sự hoảng loạn trên diện rộng.
Chiều nay lực bán cũng không quá mạnh, hai sàn giao dịch giảm 19% so với phiên sáng. Giao dịch yếu cả ngày khiến tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết lại tụt về mức thấp với 15.221 tỷ đồng. Dòng tiền chưa thể hiện sức mạnh trên diện rộng là một tín hiệu khiến nhà đầu tư rất thận trọng. Khi giá cổ phiếu được đẩy tăng mà không đi cùng thanh khoản, nhà đầu tư sẽ tiết giảm giao dịch đua giá. Trong khi đó nhu cầu cắt lỗ vẫn còn.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay giao dịch cũng phân hóa. Tổng thể vị thế trên HoSE là mua ròng với cổ phiếu, khoảng 258 tỷ đồng. Tuy vậy SSI bị xả rất mạnh 65 tỷ, STB khoảng 33,6 tỷ và VHM -25,8 tỷ, GAS -20,7 tỷ. Ngược lại CTG, HPG, VCI lại được mua ròng khá tốt.