Hơn 23.000 người đi xuất khẩu lao động trong 2 tháng đầu năm
Trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đưa được 23.195 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 18,56% kế hoạch năm...
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) vừa có thông tin về tình hình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024.
Trong tháng 2/2024, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 10.553 lao động, trong đó có 2.789 lao động nữ.
Thị trường Nhật Bản có số lao động đi làm việc nhiều nhất, với 8.212 lao động (2.217 lao động nữ), Đài Loan 1.443 lao động (514 lao động nữ), Hàn Quốc 253 lao động, Thái Lan 109 lao động, Trung Quốc 100 lao động, Singapore 80 lao động, Hungary 70 lao động (8 lao động nữ) và các thị trường khác.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 23.195 lao động (7.272 lao động nữ), đạt 18,56% kế hoạch năm 2024.
Năm 2024, kế hoạch được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt ra là đưa từ 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2 tháng đầu năm nay, Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu trong số các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, với 17.067 lao động (5.714 lao động nữ). Theo sau là Đài Loan với 4.294 lao động (1.407 lao động nữ), Hàn Quốc 419 lao động.
Ba thị trường trên đều là các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, trọng điểm, chiếm trên 90% số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm.
Bên cạnh đó, một số thị trường tiếp nhận lao động đi làm việc khác cũng tăng là Trung Quốc với 229 lao động, Singapore 154 lao động nam, Hungary 93 lao động (15 lao động nữ), Romani 165 lao động (2 lao động nữ) và các thị trường khác.
Cả nước hiện có hơn 500 doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 2010 đến nay đã đưa trên 1,4 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn.
Bình quân mỗi năm có khoảng 120.000 - 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Lượng kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về đạt 3,5-4 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2024, nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với ổn định, duy trì các thị trường hiện có, Bộ sẽ phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn lao động, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Bộ cũng sẽ theo dõi, nắm bắt thông tin về lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp; tăng cường hỗ trợ người lao động về nước đúng hạn hòa nhập thị trường lao động trong nước.