Huawei đầu tư mạnh vào sản xuất chip để vượt lệnh trừng phạt của Mỹ
Huawei đang đẩy mạnh đầu tư vào các công ty sản xuất chip trong nước để bù đắp cho sự mất mát nguồn cung
Huawei đang đẩy mạnh đầu tư vào các công ty sản xuất chip trong nước để bù đắp cho sự mất mát nguồn cung do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc này.
Theo tờ Nikkei, Huawei - nhà nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn thứ nhì thế giới - đang đàm phán với một số công ty chip Trung Quốc nhằm đi đến thỏa thuận rót vốn vào các đối tác này. Bên cạnh đó, Huawei cũng thúc đẩy mảng thiết kế con chip của riêng mình - nguồn thạo tin tiết lộ với Nikkei.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp các hạn chế thương mại đối với Huawei, khiến công ty này bị cắt nguồn cung công nghệ và linh kiện từ các công ty Mỹ, thậm chí cả từ nhiều công ty không phải của Mỹ.
Dữ liệu của Nikkei cho thấy trong vòng 1 năm rưỡi qua, Huawei đã thâu tóm cổ phần trong 20 công ty liên quan đến lĩnh vực con chip. Một nửa số vụ đầu tư này diễn ra trong vòng 5 tháng gần đây. Ngoài ra, những công ty mà Huawei rót vốn đều nằm trong những lĩnh vực chip hiện đang được thống trị bởi các công ty Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan - chẳng hạn công cụ thiết kế chip, vật liệu bán dẫn, hợp chất bán dẫn, thiết bị sản xuất và kiểm thử con chip.
Việc Huawei đẩy mạnh đầu tư vào nhưng công ty này cho thấy quyết tâm tự giải phóng khỏi những biện pháp hạn chế của Mỹ và duy trì phát triển công nghệ. Nguồn thạo tin cũng nói Huawei - đại diện cho sức mạnh công nghệ đang lên của Trung Quốc - đang âm thầm xây dựng một dây chuyền sản xuất chip quy mô nhỏ cho mục đích nghiên cứu ở Thẩm Quyến, nơi công ty đặt trụ sở.
"Dây chuyền sản xuất dùng cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Huawei ở Thẩm Quyến là nhằm giúp đẩy mạnh việc phát triển con chip và để đảm bảo rằng tất cả mọi thiết kế chip của công ty đều có thể được đưa vào sản xuất một các suôn sẻ", một nguồn tin nói. Cũng theo nguồn tin, việc xây dựng dây chuyền sản xuất này bắt đầu vào nửa sau của năm 2020.
Trên "mặt trận" đầu tư, Huawei đang cố gắng lấp đầy những chỗ trống trong chuỗi cung ứng và nhận được sự hỗ trợ của nhà nước để làm việc này.
"Chính quyền địa phương đang giúp Huawei tìm kiếm các mục tiêu để đầu tư", một nguồn tin nói. "Công ty muốn rót vốn vào những mảng mà họ còn thiếu trong phát triển chip, từ sản xuất chip, vật liệu chip, cho tới thiết bị và phần mềm thiết kế".
Theo dữ liệu của Nikei, cổ phần mà Huawei thâu tóm trong các công ty Trung Quốc dao động từ 3% đến 15%. Vụ đầu tư gần đây nhất diễn ra vào cuối tháng 12, khi Huawei mua cổ phần 15% trong NineCube, một công ty sản xuất công cụ thiết kế chip thành lập năm 2011 ở Vũ Hán.
Công ty thiết kế chip của Huawei, có tên HiSilicon Technologies, là công ty phát triển con chip lớn nhất Trung Quốc. Công ty này đã thiết kế ra con chip Kirin dùng cho các sản phẩm smartphone cao cấp của Huawei, cũng như bộ xử lý kết nối mạng và máy chủ dùng cho các trạm gốc. Ngoài ra, HiSilicon còn là nhà cung cấp con chip dùng cho camera giám sát lớn nhất thế giới và nhà phát triển con chip TV hàng đầu.
Dù vậy, hầu hết con chip mà HiSilicon phát triển đều không thể được sản xuất vì lệnh cấm vận của Mỹ yêu cầu tất cả các đối tác sản xuất chip của Huawei nếu dùng công nghệ Mỹ - trong đó có công ty gia công con chip lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing - không được cung cấp cho Huawei nếu không được sự cho phép của Washington.
Ông Richard Yu, Tổng giám đốc (CEO) phụ trách mảng thiết bị tiêu dùng của Huawei, nói rằng loạt chip Kirin có thể sẽ "tuyệt chủng" vì lệnh cấm của Mỹ. Hiện nay, Huawei đang dựa vào nguồn chip cao cấp dự trữ mà công ty đã gom mua được trong 2 năm qua.
Nỗ lực phát triển cuỗi cung ứng con chip của Huawei phù hợp với mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc về đảm bảo tự cung tự cấp được con chip để không còn phải phụ thuộc vào Mỹ. Theo Nikkei, hãng gia công chip lớn nhất của Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International Corp. và hãng chip nhớ Yangtze Memory đều đang đẩy mạnh nỗ lực loại bỏ thiết bị Mỹ khỏi dây chuyền sản xuất của mình.