Huy động 500.000 bộ đội ứng phó với cơn bão số 5

Chu Khôi
Chia sẻ

Bộ tư lệnh Biên phòng và Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chuẩn bị, tập trung tới 500.000 bộ đội để sẵn sàng ứng phó bão lũ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cơn bão Conson...

Cuộc họp Phòng chống bão số 5, sáng 9/9.
Cuộc họp Phòng chống bão số 5, sáng 9/9.

Cuộc họp trực tuyến triển khai công tác ứng phó với bão Conson, sáng 9/9/2021, có sự tham dự của đại diện một số Bộ, ngành, điểm cầu 14 tỉnh, thành phố ở miền Bắc và một số cơ quan báo chí.

DI CHUYỂN TÀU THUYỀN THOÁT KHỎI KHU VỰC NGUY HIỂM

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vào tối qua, bão Conson đã đi vào Biển đông thành bão số 5 năm 2021.

Đến 7 giờ sáng nay, vị trí bão Conson ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 118,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 670km về phía đông đông nam. Cường độ bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão. Ngoài bão Conson, đồng thời phía ngoài cũng đang có bão Chanthu hoạt động, cường độ cấp 12-13, là cơn bão mạnh.

Dự báo những ngày tới, bão số 5 đi theo hướng tây tây bắc, sau đó chuyển hướng tây và tiếp tục mạnh lên. Tuy nhiên, do tương tác với cơn bão Chanthu đang hoạt động ở ngoài khơi Philippines, bão số 5 sẽ di chuyển ngày càng chậm.

Hiện, các mô hình dự báo cho bão còn phân tán rất mạnh. Một số cơ quan khí tượng nước ngoài cho rằng bão sẽ đi lên phía đảo Hải Nam (Trung Quốc), có mô hình dự báo bão vào Thanh Hóa hoặc di chuyển vào khu vực Hà Tĩnh - Quảng Bình.

 
"Các dự báo hiện nay cho thấy những ngày tới, bão tương tác nhiều với cơn bão bên ngoài nên đường đi và cường độ còn rất phức tạp, chưa thể nhận định được chính xác mức độ ảnh hưởng của bão tới đất liền".
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia.

Theo Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn Bộ đội Biên phòng, đến sáng 9/9, các đơn vị Bộ đội Biên Phòng đã phối hợp với chính quyền các địa phương, gia đình chủ tàu thuyền thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 71.500 tàu/thuyền và 349.088 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động tránh, trú.

Trong đó, có 497 tàu và 4.104 người hoạt động ở khu vực Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; 13.834 tàu và 67.801 người hoạt động ở khu vực khác,  51.169 tàu và 227.183 người neo đậu tại bến.

Đại tá Hưng cho biết số phương tiện hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa chủ yếu là của các tỉnh Bình Định, Quảng Trị và Quảng Ngãi hiện đang di chuyển thoát khỏi hướng di chuyển của bão. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng sẽ kiên quyết kêu gọi và tiếp tục yêu cầu các phương tiện di chuyển thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Đồng thời, tiếp tục đôn đốc các đơn vị khẩn trương thông báo, vận động số bà con hoạt động ven bờ vào bờ, không cho phương tiện ra khơi hoạt động ở vùng ảnh hưởng của bão Conson. Các trường hợp không di chuyển kịp thì phải tìm cách neo đậu tại các đảo nhỏ ở khu vực Hoàng Sa. 

“Bộ đội Biên phòng sẽ tổ chức bắn pháo hiệu báo bão và duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý khi có tình huống. Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng đã chuẩn bị, tập trung tới 500.000 bộ đội Biên phòng để sẵn sàng ứng phó bão lũ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cơn bão Conson”, đại tá Hưng thông tin.

SẴN SÀNG PHƯƠNG ÁN SƠ TÁN DÂN THUỘC “VÙNG ĐỎ”

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, cho biết diễn biến bão số 5 hiện rất phức tạp. Cơn bão này quét qua Philippines đã khiến 19 người mất tích, 19.343 hộ/79.062 người bị ảnh hưởng, 10.063 người phải sơ tán. Chính vì vậy, công tác sơ tán dân, bảo đảm an toàn là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra.

Số lượng tàu thuyền đang tập trung ở khu vực nguy hiểm là khá lớn, ông Hoài đề nghị lực lượng biên phòng cùng các địa phương cần nắm chi tiết đến từng tàu, không nắm chung chung và phải chủ động liên lạc để thông báo cho các tàu, không để lặp lại tình trạng như năm 2020, có 2 tàu với 23 ngư dân mất tích do chủ quan với bão, di chuyển chậm khi trú tránh. 

 
Cùng với tuyến biển, hiện nay công tác ứng phó với bão, mưa lũ trên đất liền cũng yêu cầu vào cuộc sớm, không thể chủ quan do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho hoạt động sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tổng cục Phòng chống thiên tai tổng hợp số liệu đến sáng nay (9/9), các địa phương ở miền núi phía Bắc có kế hoạch sơ tán 154.396 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời sơ tán 143.392 dân ở khu vực ven sông và ngoài đê (nhiều nhất là Phú Thọ, Tuyên Quang).

Tại khu vực ven biển và đồng bằng, có thể sơ tán 231.096 dân khu vực ven biển (tập trung tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Nam Định), sơ tán 237.393 dân khu vực ven sông và ngoài đê (Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An nhiều nhất).

Mặc dù vậy, theo ông Hoài, phương án sơ tán dân đối với các khu vực đang cách ly, người dân thực hiện biện pháp “ai ở đâu, ở yên đó” thì chưa thực sự rõ ràng.

Số ca bệnh Covid-19 tại các địa phương đến sáng nay như sau: Thái Bình 1 ca (Thái Thụy); Nam Định 14 ca (Hải Hậu), Ninh Bình 1 ca (Kim Sơn); Thanh Hóa 33 ca (Nga Sơn); Nghệ An khoảng 200 ca (Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Cửa Lò, Nghi Lộc).

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công văn hỏa tốc số 92 gửi Bộ Y tế đề nghị khẩn trương có hướng dẫn công tác sơ tán dân để ứng phó mưa lũ, bão trong tình hình dịch Covid-19.

Mặc dù Bộ Y tế đã có dự thảo hướng dẫn, nhưng với quy định ở các "vùng đỏ" là “ai ở đâu ở yên đó” theo Chỉ thị 16 mà không có những hướng dẫn chi tiết, linh hoạt thì sẽ rất khó thực hiện công tác sơ tán, hỗ trợ người dân đến nơi an toàn, nhất là sơ tán đến nơi tập trung sẽ khó tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội. 

Thông tin tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế, cho biết đã ban hành công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, TP nằm trong khu vực có thể bị ảnh hưởng.

Trong đó, Bộ lưu ý các địa phương xây dựng phương án sơ tán người dân thuộc “vùng đỏ” phải bảo đảm an toàn khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời rà soát, test nhanh, sàng lọc cộng đồng trong quá trình sơ tán.

Với các đối tượng có nguy cơ cao thì cần bố trí phòng riêng để tránh lây lan chéo. Cùng với đó là bảo đảm các điều kiện về sơ tán an toàn phòng dịch Covid-19 theo khuyến cáo 5K. Trang bị đầy đủ thiết bị, vật tư y tế để chăm sóc sức khoẻ cho người dân nói chung trong thời gian bão số 5 ảnh hưởng.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con