iPhone cần thay đổi và doanh số tụt dốc tại Trung Quốc là minh chứng rõ ràng
Apple vừa bước vào thị trường hoàn toàn mới trong năm nay với sự ra mắt của Vision Pro. Nhưng doanh số sụt giảm ở Trung Quốc cho thấy iPhone vẫn là “mỏ neo” của hãng. Sau nhiều năm liên tục cải tiến, mẫu điện thoại thông minh phổ biến nhất thế giới đang cần được nâng cấp…
Có lẽ CEO Tim Cook đang rất đau đầu khi chứng kiến doanh số ảm đạm hiện tại của iPhone.
Giám đốc Điều hành Apple đã có rất nhiều việc cần làm khi cố gắng đạt được thành công sau khi ra mắt Vision Pro vào tháng trước.
Chiếc tai nghe trị giá 3.500 USD thể hiện màn đặt cược lớn của Apple vào thị trường thực tế hỗn hợp. Nhưng mức giá đắt đỏ cùng với thị hiếu không chắc chắn xung quanh sự hấp dẫn của thiết bị kính thông minh đồng nghĩa là CEO Cook sẽ còn rất nhiều việc phải làm để biến Vision Pro thành sản phẩm thu hút người tiêu dùng.
Thật không may cho Apple, khó khăn chồng chất khó khăn khi xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy thiết bị ngôi sao của hãng, iPhone, đang rất cần được cải tiến.
DOANH THU ĐÁNG BÁO ĐỘNG TẠI THỊ TRƯỜNG TRỌNG ĐIỂM
Kể từ năm 2007, khi cố CEO Steve Jobs trình làng chiếc iPhone đầu tiên trên sân khấu Macworld Expo, thiết bị đã trở thành cỗ máy kiếm tiền lớn nhất của Apple.
Trong quý gần đây nhất, Apple đã tạo ra gần 70 tỷ USD trong tổng doanh thu 119,6 tỷ USD từ hoạt động kinh doanh iPhone. Con số tăng so với mức 65,8 tỷ USD một năm trước đó, cho thấy sự tăng trưởng vẫn đang diễn ra ở phân khúc sản phẩm quan trọng nhất của hãng.
Nhưng mức tăng trưởng không thực sự đồng đều.
Trung Quốc, thị trường quốc tế quan trọng nhất của Apple, đã bắt đầu xa lánh iPhone, đi ngược lại xu hướng tăng trưởng ở nhiều khu vực khác.
Apple chia sẻ xu hướng doanh số giảm dần bắt đầu hình thành trong ba tháng cuối năm 2023 khi doanh thu ròng của hãng tại khu vực Trung Quốc đại lục giảm gần 13% từ 23,9 tỷ USD năm 2022 xuống còn 20,8 tỷ USD. Dường như cục diện không hề thay đổi vào năm 2024.
Doanh số bán iPhone tại Trung Quốc giảm 24% trong sáu tuần đầu năm nay, theo dữ liệu từ Counterpoint Research. Điều này đã khiến Apple tụt xuống vị trí thứ 4 về thị phần điện thoại thông minh tại quốc gia tỷ dân, sau các đối thủ nội địa là Vivo, Huawei và Honor.
TẠI SAO APPLE TRƯỢT DÀI TẠI TRUNG QUỐC?
Có một số lý do chính dẫn đến cú ngã của Apple tại thị trường Trung Quốc. Thứ nhất, chính quyền Bắc Kinh đã tác động khiến iPhone trở nên kém hấp dẫn hơn. Wall Street Journal đưa tin vào tháng 9 năm ngoái rằng Chính phủ Trung Quốc đã cấm toàn bộ quan chức sử dụng iPhone.
Ông Will Wong, Giám đốc Nghiên cứu cấp cao của Tập đoàn Thiết bị/Khách hàng Châu Á - Thái Bình Dương thuộc IDC, cho biết nền kinh tế phục hồi chậm của Trung Quốc đã khiến người tiêu dùng nói chung chi tiêu thận trọng hơn. Ông cũng chỉ ra sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng nước này là một phần nguyên nhân khiến Apple mất đi vị trí dẫn đầu.
“Một lý do quan trọng là tâm lý người tiêu dùng địa phương đã thay đổi”, Giám đốc Wong chia sẻ với Business Insider. "Tâm lý FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ: hội chứng sợ bản thân bỏ lỡ mất những điều thú vị, hay ho trong cuộc sống mà người khác đang được trải nghiệm) không còn mạnh mẽ như trước và giới trẻ cũng đang đón nhận cái gọi là 'nền kinh tế B1B2'". B1B2 đề cập đến xu hướng thanh niên Trung Quốc thích mua sắm ở tầng hầm của trung tâm thương mại vì các cửa hàng ở tầng thấp hơn có xu hướng kinh doanh hàng hóa với chi phí thấp hơn.
Bối cảnh cạnh tranh trong nước cũng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Huawei phát hành điện thoại thông minh 5G có tên Mate 60 Pro vào năm ngoái, sản phẩm đã trở thành “nhà vô địch” tại quê nhà nhờ sử dụng chip nội địa. Doanh số bán điện thoại của Huawei đã tăng 64% trong sáu tuần đầu năm, theo Counterpoint Research. Đại gia công nghệ xứ Trung phải tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu về điện thoại sau khi ra mắt.
Ông Wong nói với Business Insider: “Hầu hết nhà sản xuất Android đều đang nỗ lực quảng bá màn hình gập và AI, trong khi Apple không mang lại nhiều hứng thú cho người tiêu dùng”.
Ông Gene Munster, đối tác quản lý và đồng sáng lập tại Deepwater Asset Management, nhận định rằng nhu cầu về iPhone ở Trung Quốc đang theo chu kỳ bùng nổ - suy thoái (Boom - Bust pattern).
Ông Munster cho biết: “Khi Apple có chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trong một năm thì nhu cầu sẽ giảm dần trong năm thứ hai”. Ông nói thêm rằng "phong trào mua hàng sản xuất nội địa của người tiêu dùng Trung Quốc" cũng góp phần khiến doanh số bán hàng của Apple giảm sút trong năm 2024 cho đến nay.
Mặc dù Apple còn nhiều thị trường trọng điểm khác để khai thác, nhưng nguy cơ người tiêu dùng Trung Quốc từ bỏ điện thoại của hãng để chuyển sang sử dụng điện thoại nội địa vẫn là vấn đề nan giải. Đặc biệt khi quốc gia này từng đại diện cho gần 1/5 cơ sở doanh thu của Apple.
Ông Dan Ives, Giám đốc Điều hành Wedbush, cho biết doanh số bán iPhone 15 sụt giảm cùng với chính sách giảm giá bổ sung đã khiến nhiều nhà nhà đầu tư “kích động”.
Ông nói: “Đây là giọt nước tràn ly, đặc biệt khi các báo cáo tuần trước đưa tin Apple từ bỏ dự án EV”.
NƯỚC ĐI TIẾP THEO CỦA APPLE?
May mắn thay cho Apple, năm nay công ty đang nghiên cứu một công nghệ có thể mang lại cho iPhone sự nâng cấp cần thiết: trí tuệ nhân tạo.
Tháng trước, CEO Cook tuyên bố rằng Apple sẽ sẵn sàng chia sẻ thông tin chi tiết về hoạt động phát triển AI vào cuối năm nay. Công nghệ đã định hình sâu sắc sự đổi mới ở Thung lũng Silicon kể từ khi ChatGPT ra mắt và khiến nhiều chuyên gia suy đoán về cách Apple có thể áp dụng vào thiết bị.
Dự án AI của Apple, do cựu nhân viên Google kiêm Phó Chủ tịch cấp cao John Giannandrea dẫn đầu, có thể giới thiệu một số tính năng tích hợp trí tuệ nhân tạo trên iPhone mang lại lợi thế hơn so với các đối thủ Trung Quốc. Đó có thể là một trợ lý Siri thông minh hơn hoặc khả năng chỉnh sửa ảnh được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, thời gian để thay đổi có hạn. Khi Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn đang nỗ lực trong cuộc chiến giành ưu thế về công nghệ, dường như các công ty Trung Quốc cũng đang làm việc không ngừng nghỉ để tích hợp AI vào những mẫu điện thoại tiếp theo.
Khi Steve Jobs giới thiệu iPhone với thế giới vào năm 2007, sứ mệnh của ông là “tái tạo lại điện thoại di động”. Có thể nói, sứ mệnh mới của Tim Cook là tái tạo lại iPhone.