Kế hoạch kinh doanh 2023: 358 doanh nghiệp ước tính lợi nhuận không tăng trưởng
Tổng lợi nhuận sau thuế kế hoạch của 358 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết ước tính cho năm 2023 gần như đi ngang so với năm 2022...
Tính đến ngày 11/4/2023, có 358/1685 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết chiếm 52% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường đã công bố kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho năm 2023, thống kê mới nhất từ FiinTrade.
Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế kế hoạch của 358 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết này cho năm 2023 gần như đi ngang so với năm 2022.
Với nhóm Ngân hàng, đã có 17/27 ngân hàng công bố kế hoạch kinh doanh 2023, trong đó kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế có sự phân hóa lớn giữa các ngân hàng.
Đối với ba ngân hàng có vốn nhà nước, VCB là ngân hàng đầu tiên công bố kế hoạch kinh doanh 2023 với dự kiến lợi nhuận sau thuế năm 2023 tăng 12%. Đây là kế hoạch kinh doanh khá an toàn khi VCB có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong năm 2022 và chất lượng tài sản tốt hơn so với mặt bằng chung. BID và CTG chưa công bố kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Với nhóm cổ phần tư nhân, nhiều ngân hàng quy mô nhỏ đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với năm 2022, bao gồm EIB (+35,8%), OCB (+36,8%) và VBB (+48.6%) với kỳ vọng vào đẩy mạnh hoạt động cho vay.
Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay cá nhân cao dự kiến lợi nhuận sau thuế tăng thấp hơn, bao gồm VPB (+13,5%), TPB (+11,2%) và MBB (+15%). Đáng chú ý, TCB là ngân hàng duy nhất đặt kế hoạch lợi nhuận giảm trong năm 2023 (-13,9%) với tỷ lệ NPL dự kiến tăng lên mức 1,5% từ mức 0,91% năm 2022.
Trên thị trường, cổ phiếu của 3 ngân hàng có vốn nhà nước chứng kiến giá tăng mạnh và hiện đang ở vùng đỉnh 6 tháng, phần lớn nhờ định giá tăng. Tại ngày 11/4/2023, cổ phiếu VCB đang giao dịch ở mức 3,1x P/B, trong khi P/B của CTG và BID lần lượt ở mức 1.3x và 2.3x.
Ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng có P/B đang ở vùng đáy lịch sử và giá đã bị giảm khá mạnh so với đỉnh, bao gồm TCB. Những thông tin gần đây liên quan đến chủ trương giãn hoãn nợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn (bao gồm cả doanh nghiệp BĐS) đang hỗ trợ giá cổ phiếu TCB.
Khối doanh nghiệp, tính đến ngày 11/4/2023, đã có 322 doanh nghiệp đưa ra kế hoạch lợi nhuận 2023. Riêng tuần vừa qua có 67 doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp lớn thuộc ngành hàng tiêu dùng (VNM, SAB, PNJ, MWG) đưa ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn cho năm 2023. Thiếu vắng động lực tăng trưởng mới trong khi các mảng kinh doanh hiện hữu đang bị tác động tiêu cực bởi cầu tiêu dùng yếu là 2 lý do chính.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, PNJ và MWG ghi nhận giảm lần lượt là -25% và -1,3% về doanh thu so với cùng kỳ và lợi nhuận gần như không tăng trưởng. Xét về định giá, P/E của PNJ và MWG đã giảm đáng kể so với vùng đỉnh do giá điều chỉnh, nhưng mức định giá này chưa thể coi là “rẻ” nếu so với lịch sử định giá cũng như xét đến triển vọng lợi nhuận của nhóm này.
Hiện MWG và PNJ đang giao dịch với P/E lần lượt là 13,9x và 13,7x, tuy nhiên trong quá khứ, mức định giá này thường được trả cho mức tăng trưởng lợi nhuận sau thếu hàng năm 2 chữ số hay thậm chí 3 chữ số.
Với nhóm bất động sản dân cư, NLG đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2023 tăng nhẹ (+6,2%) trên nền 2022 giảm sâu (-41,4%) trong khi KDH dự kiến lợi nhuận sau thuế tiếp tục giảm. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp và pháp lý dự án chưa được khơi thông là hai điểm nghẽn lớn nhất đối với thị trường bất động sản hiện nay.
Với ngành Xây dựng và Vật liệu xây dựng, CTD đặt kế hoạch doanh thu 2023 tăng +11,8% nhờ giá trị backlog lớn (>17 nghìn tỷ đồng, chưa bao gồm dự án nhà máy sản xuất LEGO) trong khi lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng tăng +11 lần chủ yếu nhờ giảm trích lập dự phòng phải thu khó đòi.