Kết nối với nhà đầu tư Hàn Quốc, Quảng Bình gọi vốn cho 62 dự án đầu tư
Đến nay, Quảng Bình đã triển khai thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với một số địa phương của Hàn Quốc và đã có một số doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc đến Quảng Bình tìm hiểu, khảo sát và đầu tư vào những dự án lớn, dự án tiềm năng…
Tại Tọa đàm kết nối Quảng Bình – Hàn Quốc năm 2021 do Bộ Ngoại giao phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) và UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức ngày 15/10, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình cho biết trong những năm qua, Quảng Bình đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, ban hành chính sách ưu đãi và xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư tại Quảng Bình.
“Nhờ đó, đến nay, nhiều nhà đầu tư, nhiều thương hiệu lớn trong nước và quốc tế đã có mặt tại Quảng Bình”, ông Thắng cho hay.
MONG MUỐN HÚT VỐN ĐẦU TƯ VÀO 4 LĨNH VỰC
Đáng chú ý, đã có một số doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đến khảo sát, tìm hiểu và hợp tác đầu tư tại Quảng Bình, trong đó, Tập đoàn Dohwa đã thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng tại Khu công nghiệp Hòn La với tổng vốn đầu tư hơn 10 triệu USD và Dự án Nhà máy điện mặt trời 49,5MW thuộc Tổ hợp điện năng lượng tái tạo ven biển Nam Quảng Bình tại xã Ngư Thuỷ Bắc và xã Hưng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 44,67 triệu USD….
Ngoài ra, tỉnh đã triển khai thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với một số địa phương như quận Buk-gu của thành phố Gwang-ju, thành phố Ye-ong-ju của tỉnh Gye-ong-sang-buk… và cũng là một trong những địa phương nhận được nhiều sự hỗ trợ từ nguồn vốn ODA Hàn Quốc thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
“Với mong muốn đưa Quảng Bình bứt phá đi lên, trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực, phát huy, tận dụng được các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Quảng Bình xác định các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu trong mời gọi hợp tác đầu tư nước ngoài của tỉnh”, Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Đức Thiện, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, với lợi thế và tiềm năng của tỉnh, Quảng Bình kêu gọi, thu hút nhà đầu tư thực hiện vào 62 dự án đầu tư. Trong đó, lĩnh vực du lịch có 12 dự án; lĩnh vực Công nghiệp - Năng lượng - Thương Mại có 22 dự án; lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng có 12 dự án và lĩnh vực Nông nghiệp có 16 dự án.
Đặc biệt, với mục tiêu đưa tỉnh Quảng Bình dần trở thành trung tâm năng lượng của khu vực, tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thân thiện với môi trường, để khai thác các tiềm năng về vị trí địa lý, dải ven biển trải dài với nắng, gió tạo ra các công trình đặc sắc để gắn liền với chủ trương phát triển ngành du lịch và dịch vụ của tỉnh.
“Hiện tại, tỉnh Quảng Bình đã trình loạt dự án công nghiệp năng lượng để xin bổ sung vào Quy hoạch điện 8 với tổng công suất 8.253,7MWp’, ông Thiện chia sẻ.
NHIỀU DƯ ĐỊA HỢP TÁC
Tại Tọa đàm, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch KORCHAM cho rằng, các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá tỉnh Quảng Bình có 3 yếu tố có thể phát triển được trong thời gian tới.
Thứ nhất, Quảng Bình sở hữu Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng - Hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, Sân Golf FLC Quảng Bình - Sân Golf lớn nhất Đông Nam Á đều là những yếu tố thu hút du lịch phát triển mạnh mẽ.
KORCHAM mong muốn, tỉnh sẽ sớm xây dựng các hoạt động kích cầu du lịch trong trạng thái bình thường mới, đón đầu nhu cầu của Khách du lịch - để xây dựng mục tiêu tăng trưởng kép do thủ tướng Chính phủ đặt ra.
Thứ hai, Quảng Bình có rất nhiều ưu thế về phát triển nông sản, với các sản vật địa phương. Nếu tận dụng tiềm lực, xây dựng thương hiệu riêng của tỉnh, các doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng thương hiệu tỉnh Quảng Bình sẽ vươn ra tầm quốc tế.
Thứ ba, Quảng Bình còn nhiều dư địa trong việc phát triển ngành công nghiệp.
“KORCHAM và KOTRA cam kết sẽ đồng hành cùng tỉnh Quảng Bình để quảng bá đến các doanh nghiệp Hàn Quốc, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư hơn nữa”, ông Hong nhấn mạnh.