Kết quả cuộc họp Fed khiến giới đầu tư lo sợ, chứng khoán Mỹ tụt điểm
“Dự kiến nâng lãi suất hai lần trong năm 2023 cho thấy sự cứng rắn hơn dự báon của thị trường, và đã có phản ứng mạnh”...
Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng sụt điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (16/6), khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát tín hiệu rằng ngân hàng trung ương này có thể bắt đầu nâng lãi suất trong năm 2023 - sớm hơn một năm so với dự kiến.
Dự báo lãi suất mới nhất từ Fed cho thấy 11/18 thành viên Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) – cơ quan quyết định chính sách tiền tệ của Fed – dự báo lãi suất cơ bản của đồng USD (Fed fund rates) sẽ tăng ít nhất 2 lần, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm, trong năm 2023. Ngoài ra, Fed cũng cam kết tiếp tục giữ chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian trước mắt, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hồi phục thị trường việc làm.
Tuyên bố sau cuộc họp của Fed nói rằng triển vọng nền kinh tế Mỹ đã khởi sắc, với mức tăng trưởng có thể đạt 7% trong năm nay. Dù vậy, giới đầu tư ngạc nhiên và lo sợ khi thấy các quan chức Fed tính đến chuyện nâng lãi suất trong năm 2023, thay vì năm 2024 như dự tính trong các lần họp trước.
“Dự kiến nâng lãi suất hai lần trong năm 2023 cho thấy sự cứng rắn hơn dự kiến của thị trường, và đã có phản ứng mạnh”, chuyên gia kinh tế trưởng Daniel Ahn thuộc BNP Paribas nhận định với hãng tin Reuters.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh sau tuyên bố trên. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt tăng lên mức cao nhất 6 tuần.
Với lạm phát tăng nhanh hơn dự báo và nền kinh tế khởi sắc mạnh mẽ, thị trường tài chính Mỹ thời gian qua đã tìm kiếm những dấu hiệu về thời điểm mà Fed có thể siết lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đã triể khai suốt 2 năm qua để vực dậy tăng trưởng sau cú sốc mà Covid-19 gây ra. Chính sách siêu nới lỏng của Fed, ngoài mức lãi suất gần 0, còn có chương trình mua tài sản khổng lồ.
Fed nhắc lại cam kết sẽ đợi cho tới khi “có thêm bước tiến quan trọng” về phục hồi tăng trưởng và thị trường lao động rồi mới bắt đầu chuyển sang chính sách tiền tệ phù hợp với một kinh tế hoàn toàn mở cửa. Ngoài ra, Fed cũng giữ nguyên lãi suất ở khoảng 0-0,25% và tiếp tục bơm 120 tỷ USD mỗi tháng để mua trái phiếu.
“Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu rằng FOMC đã bắt đầu nghĩ đến vấn đề giảm chương trình mua tài sản dù chưa sẵn sàng ngay cho việc này. Họ đã thôi sử dụng cụm từ ‘nghĩ tới việc xem xét cắt giảm chương trình mua tài sản’, và chúng tôi cho rằng trong vài cuộc họp tới, uỷ ban có thể sẽ chính thức bắt đầu cuộc thảo luận về cắt giảm chương trình mua tài sản”, ông Ahn nói.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 0,77%, còn 34.033,67 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 0,54%, còn 4.223,7 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 0,24%, còn 14.039,68 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P 500, chỉ có hai nhóm tiêu dùng không thiết yếu và bán lẻ chốt phiên trong trạng thái thăng. Giảm mạnh nhất là các nhóm dịch vụ tiện ích, nguyên vật liệu, và tiêu dùng thiết yếu.
Toàn thị trường có 10,9 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công phiên này, so với mức bình quân 10,38 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.