Kết quả kinh doanh quý 4/2022: Công ty chứng khoán lao đao với mảng tự doanh
Tự doanh chứng khoán từng là nghiệp vụ hái ra tiền của các công ty chứng khoán trong năm 2022 tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường rớt mạnh, nhiều công ty báo doanh thu lợi nhuận lao dốc chủ yếu cũng bởi do đầu tư cổ phiếu thua lỗ...
Cụ thể, báo cáo tài chính tại Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI ghi nhận lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) tức là nghiệp vụ tự doanh giảm mạnh từ 795 tỷ đồng quý 4 năm 2021 xuống còn 526 tỷ đồng trong quý 4/2022. Trong khi đó, lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL 196 tỷ đồng, chi phí hoạt động tự doanh là 13,7 tỷ đồng, như vậy nghiệp vụ tự doanh mang lại 317 tỷ đồng cho công ty chứng khoán SSI, giảm mạnh so với con số của năm 2021.
Do doanh thu lợi nhuận nghiệp vụ tự doanh giảm mạnh dẫn đến SSI báo lợi nhuận sau thuế quý 4 giảm từ 997 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 233 tỷ đồng trong quý 4 năm nay, tương ứng giảm 77%. Lũy kế cả năm 2022, SSI ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.699 tỷ đồng giảm 1.000 tỷ đồng so với năm 2021 khi chứng khoán đạt đỉnh cao huy hoàng.
Một số cổ phiếu mà SSI ghi nhận đầu tư thua lỗ trong quý 4 vừa qua gồm có HPG với giá gốc mua 19,2 tỷ đồng giá trị giảm còn 17,8 tỷ đồng. Đáng lưu ý, trong suốt chu kỳ giảm giá của HPG năm 2022, SSI đã không ngừng mua vào sở hữu với giá trị đầu năm chỉ vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng nhưng con số cuối kỳ lên tới 19,2 tỷ đồng. Ngoài HPG, SSI còn đang thua lỗ tại cổ phiếu SGN và VPB.
Bi đát hơn là ở công ty Chứng khoán VnDirect. Trong quý 4/2022, VnDirect báo lỗ sau thuế 38 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 837 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, VnDirect báo lãi giảm mạnh hơn 1.100 tỷ đồng chỉ còn 1.220 tỷ đồng.
Nếu như 2021, nghiệp vụ tự doanh hái ra tiền cho VnDirect thì năm nay ngược lại. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ 1.231 tỷ đồng, lỗ từ các tài sản tài chính lên tới 1.142 tỷ đồng, sau khi trừ đi chi phí nghiệp vụ tự doanh, VnDirect ghi nhận lãi vỏn vẹn 83 tỷ đồng từ nghiệp vụ này trong khi đó, năm ngoái số lãi lên tới 600 tỷ đồng. Bên cạnh tự doanh thì việc phải chịu chi phí lãi vay tăng cao cũng áp lực doanh thu lợi nhuận của VnDirect.
Công ty cổ phần Chứng khoán VIX cũng báo lỗ 102,5 tỷ đồng trong quí 4/2022. Theo đó, doanh thu hoạt động của VIX đạt đạt hơn 237 tỉ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu môi giới, lãi từ cho vay và phải thu lần lượt giảm 62% và 42%, tương ứng đạt 32 tỉ đồng và 45 tỉ đồng. Sự sụt giảm của thị trường cũng dẫn tới nghiệp vụ tự doanh của công ty chứng khoán bị lỗ 85,7 tỷ đồng.
Giá trị danh mục chứng khoán tự doanh đang nắm giữ tại thời điểm 31/12/2022 bị giảm sút. Chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản tài chính thông qua lãi lỗ là 39,4 tỷ đồng trong khi đó, chênh lệch giảm do đánh giá lại tài sản tài chính thông qua lãi lỗ là 189 tỷ đồng dẫn tới lợi nhuận chưa thực hiện tại thời điểm 31/12 bị lỗ 149 tỷ đồng.
Trong báo cáo giải trình với Ủy ban Chứng khoán về tình hình thua lỗ quý 4 vừa qua, Chứng khoán Rồng Việt cũng phải thừa nhận lỗ trước thuế 26,6 tỷ đồng do thị trường quá khắc nghiệt. Kết thúc quý 4/2022, Vn-Index đóng cửa ở mức 1.007,09 điểm, giảm 32,78% so với cuối năm 2021, giá trị thanh khoản giảm mạnh đã ảnh hưởng tới hoạt động tự doanh và môi giới của VDSC.
Theo đó, Rồng Việt ghi nhận tổng doanh thu hoạt động Quý 4 đạt 196 tỷ đồng giảm 26,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi chi phí hoạt động gia tăng mạnh ghi nhận 191 tỷ đồng tăng 56,84% so với quý 4/2021 chủ yếu do ghi nhận lỗ bán và chênh lệch đánh giá lại các tài sản tài chính khiến cho lợi nhuận trước thuế ghi nhận mức âm gần 26,7 tỷ đồng. Cụ thể, hoạt động đầu tư đạt 21,3 tỷ đồng giảm 63,23%; kinh doanh môi giới đạt 80,7 tỷ đồng giảm 21,5%; cho vay đạt 89,5 tỷ đồng giảm 8,35% và ngân hàng đầu tư đạt 1,4 tỷ đồng giảm 42,8%.
Hiện tại, danh mục của VDSC đang ghi nhận lỗ ở các cổ phiếu DBC, TCB, CTG, ACB, hầu hết đều giảm tới 30-50% so với giá trị lúc mua.
Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam quý 4/2022 cũng ghi nhận doanh thu hoạt động giảm 5% so với cùng kỳ, đạt 664 tỷ đồng. Riêng hoạt động tự doanh kém hiệu quả khi lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 67,1 tỷ đồng, trong khi lỗ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt hơn 67,2 tỷ đồng. Như vậy, hoạt động này lỗ ròng khoảng 161 triệu đồng.
Các mảng khác cũng báo giảm mạnh khiến MiRae Asset báo lãi trước thuế quý 4 giảm 44% so với cùng kỳ, đạt 168 tỷ đồng. Cả năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 2.640 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 924 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và giảm 3% so với năm 2021.