Khai hội Chùa Hương 2024
Lễ khai hội Chùa Hương năm nay diễn ra trong màn mưa Xuân, nhưng tiết trời ấm áp, đường đi lối lại thông thoáng. Tiếng trống của Nhà sư trụ trì chùa dóng lên đã đánh thức cỏ cây, núi mây tưởng như thiếp ngủ suốt mùa Đông, thì nay bỗng nhiên bừng tỉnh vẫy gió tỏa hương theo bước chân người hành hương du Xuân…
Sáng 15/2/2024 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Hương Sơn - chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đã tổ chức Lễ khai hội Xuân Giáp Thìn. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cùng đại diện các sở, ngành thành phố Hà Nội.
ĐẤT TRỜI MỘT THOÁNG BỪNG GIAO CẢM
Phát biểu tại lễ khai hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh - Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2024, cho biết Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (chùa Hương) là địa danh có tiềm năng lớn về môi trường sinh thái, có giá trị lịch sử văn hóa tâm linh và du lịch đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, gồm 21 ngôi chùa, động thờ Phật, ngôi đền thờ Thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa và gắn liền với Phật giáo Đạo tràng. Trải qua gần 6 thế kỷ, danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn vẫn giữ nguyên được giá trị về lịch sử và danh thắng.
Lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng, giàu tính nhân văn, ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Lễ hội còn là nơi hội tụ các nét đẹp văn hóa cổ truyền như: Bơi thuyền, leo núi, hát văn, hát chèo, đêm thơ, rước kiệu… cùng với tiếng trống khai hội linh thiêng.
“Thông qua các hoạt động lễ hội góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ về ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị văn hoá gắn với phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời quảng bá giá trị văn hoá Lễ hội chùa Hương và giá trị quần thể khu Di tích Quốc gia đặc biệt gắn với tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của huyện Mỹ Đức tới đông đảo bà con trong nước và du khách quốc tế”, ông Đặng Văn Cảnh nhấn mạnh.
Thượng tọa Thích Minh Hiền, Trụ trì Quần thể Tùng Lâm Hương Tích, nhận định Hương Sơn nơi có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, đâu đó thấp thoáng những mái ngói đỏ, những kiến trúc cổ kính, xen kẽ ẩn hiện trong núi rừng bao la. Không chỉ có cảnh sắc, nơi đây còn nổi tiếng với những hang động cổ xưa được thiên nhiên tạo hóa gắn liền với những huyền tích được lưu truyền trong dân gian từ bao đời, như động Hương Tích, động Người Xưa…
Theo Thượng tọa, kể từ khi vua Lê Thánh Tông (1460-1497) tuần du lần thứ hai tới đây, và Chư tiền Tổ chống Tích trượng khai sơn đến nay, trải qua các đời Tổ sư chống Tích trượng, dựng thảo am ở Hương Sơn là tô bồi nơi danh lam của đất nước cho thế nhân thưởng ngoạn.
“Chầm chậm Xuân về lòng đất chuyển/Nhạc trời thanh thoát rộn muôn phương/Tâm linh một thoáng bừng giao cảm/Lặng hết bao nhiêu lớp sóng cồn” - Thượng tọa Thích Minh Hiền cảm khái đọc mấy câu thơ và cho biết thêm chuẩn bị mùa lễ hội mới, Ban trị sự Phật giáo huyện Mỹ Đức đã chủ trì phối hợp với Chư Tăng Ni, Ban quản lý các đền, chùa, động trong khu di tích Thăng cảnh Hương Sơn, xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng của Ban tổ chức xã Hương Sơn làm tốt công tác phục vụ. hướng dẫn du khách về dự Lễ hội, tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng theo đúng quy định của Pháp luật.
“Trong mọi địa điểm của quần thể Chùa Hương từ trước đến nay không tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, không cúng oan gia trái chủ, cũng không cúng sao giải hạn. Nhà chùa chỉ tổ chức các khóa lễ cầu quốc thái dân an. Đối với nhu cầu công đức của các Phật tử, du khách, Nhà chùa bố trí các hòm công đức, các bàn ghi công đức theo đúng quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch”, Thượng tọa Thích Minh Hiền khẳng định.
LƯỢNG NGƯỜI ĐẾN NGÀY KHAI HỘI ÍT HƠN MỌI NĂM
Ghi nhận của chúng tôi trong ngày khai hội tại các tuyến đường dẫn vào khu di tích thông thoáng, sạch sẽ, tình trạng ách tắc giao thông cơ bản không xảy ra. Trong không gian diễn ra lễ hội, mặc dù trời mưa nhỏ, lượng khách đông, song các hoạt động vẫn diễn ra an toàn, trật tự.
Tại trạm soát vé và khu vực trung tâm Thiên trù, Ban Tổ chức bố trí các điểm quét mã QR code giúp du khách dễ dàng truy cập, tìm hiểu thông tin về di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn. Bên cạnh đó, hệ thống wifi miễn phí được vận hành, phủ sóng trên toàn bộ khu vực chùa Hương và khu trung tâm xã Hương Sơn.
Nét thay đổi lớn nhất tại lễ hội chùa Hương năm nay, là dịch vụ thuyền đò. Dọc hai bên bờ bến Yến, hệ thống các máy kiểm tra vé đò đã được lắp đặt, khách phải có vé đò rồi mới được xuống bến. Xuống dưới bến, tất cả các nhà đò, chủ thuyền không còn được từ ý mời khách như trước đây nữa, mà du khách được lực lượng của Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Chùa Hương sắp xếp, đò nào đủ 20 khách thì rời bến, và đến lượt đò tiếp theo được nhận khách.
"Trong sáng ngày khai hội (mồng Sáu tháng Giêng âm lịch), hệ thống soát vé vé thắng cảnh tại đây chỉ ghi nhận hơn 1 vạn khách. Dự tính trong ngày khai hội, chùa Hương chỉ có 30.000 lượt khách".
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn.
Một chị lái đò cho biết những năm trước do các chủ đò được tự do đón khách, dẫn đến mỗi khi có toán khách nào xuống bến, các đò tranh nhau kéo khách về thuyền của mình. “Có những toán khách đi chỉ 2-3 người, kéo được họ xuống thuyền của mình rồi thì phải chèo đi ngay, bởi nếu chờ để mời thêm cho đông, thì khách sẽ sốt ruột bỏ sang thuyền khác. Do mỗi lần chỉ “vợt được” 3-4 khách, tiền công (nếu lấy đúng như giá vé quy định) thì chỉ được khoảng 150.000 đồng cho việc chèo đò 3-4 giờ hai lượt đi và về. Đấy chính là nguyên nhân phải “vòi” du khách bỗi dưỡng thêm tiền. Năm nay, hợp tác xã ra đời và xếp mỗi đò đều đủ 20 khách, tính ra mỗi chuyến được tiền công 1-1,2 triệu đồng, nên chúng tôi sẽ không bao giờ xin thêm tiền từ du khách nữa”, chị này phấn khởi cho biết thêm.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết trong những ngày Tết, lượng khách du xuân Chùa Hương khá đông. Từ 30 tháng Chạp đến mồng Hai Tết, do không thu tiền vé thắng cảnh, nên không tính được số lượng du khách. Ngày Mùng Ba Tết Giáp Thìn (12/2) - ngày đầu tiên bán vé mùa lễ hội năm 2024 - có hơn 21.000 người đến vãn cảnh, chiêm bái tại chùa Hương. Riêng ngày Mùng 4 Tết có khoảng 56.000 lượt du khách tới chùa Hương du xuân, trẩy hội. Ngày mồng Năm 5 tháng Giêng đón khoảng 40.000 người. Ước tính trong 5 ngày đầu Xuân, hơn 140.000 lượt khách đổ về chùa Hương.
Tuy nhiên, dự tính trong ngày khai hội, chùa Hương chỉ có 30.000 lượt khách, chỉ bằng một nửa so với mức trung bình ngày khai hội các năm 2020 trở về trước.
"Sở dĩ khách đến vào ngày khai hội thấp hơn những ngày trước là do du khách tranh thủ ngày nghỉ Tết để đi chiêm bái, lễ Phật, trước ngày đi làm. Đến Mồng 6 là ngày các cơ quan, công sở khai Xuân khiến lượng khách trẩy hội thấp hơn. Nhưng dự đoán thứ Bảy, Chủ Nhật tới, lượng khách sẽ tăng đột biến và có thể tình trạng ách tắc tại một số khu vực trong du tích sẽ xuất hiện trở lại”, ông Hiến chia sẻ.