Khai mạc hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV

Anh Nhi
Chia sẻ

Trong hơn 30 năm qua, kiều bào đã chuyển 200 tỷ USD về nước và đầu tư vào 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn 1,72 tỷ USD…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV. Ảnh: BNG.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV. Ảnh: BNG.

Sáng ngày 22/8, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.

Đây là hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới được tổ chức lần thứ 4 sau thành công của 3 hội nghị vào các năm: 2009, 2012 và 2016. Với chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”, hội nghị còn có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc; lãnh đạo các địa phương và 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

KIỀU BÀO TRỞ THÀNH NGUỒN LỰC QUAN TRỌNG ĐÓNG GÓP VÀO PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết từ sau hội nghị lần thứ 3 (năm 2016), tình hình thế giới, khu vực và tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Những yếu tố bất ổn, bất an, bất định của tình hình thế giới và khu vực đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc, thậm chí làm xáo trộn đời sống của bà con. Bên cạnh đó, sự phát triển của nền kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra yêu cầu mới trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ sự tự hào khi thấy cộng đồng có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Từ khoảng 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, đến nay đã có hơn 6 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong đó, số người có trình độ Đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600.000 người. Ở hầu hết các địa bàn có người Việt sinh sống đều đã thành lập tổ chức hội đoàn. Các hội doanh nhân, hội chuyên gia, trí thức người Việt thường xuyên có các hoạt động kết nối với  trong nước, tạo thành một mạng lưới rộng khắp, liên kết người Việt cả ở trong và ngoài nước.

Thủ tướng Chính phủ tham quan Triễn làm ảnh bên lề Hội nghị. Ảnh: Quang Phúc.
Thủ tướng Chính phủ tham quan Triễn làm ảnh bên lề Hội nghị. Ảnh: Quang Phúc.

Kiều bào ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội sở tại. Một số người gốc Việt đã tham gia sâu vào hệ thống chính trị sở tại ở các cấp; nhiều doanh nhân người Việt nằm trong danh sách các tỷ phú của thế giới; nhiều chuyên gia, trí thức, văn nghệ sỹ kiều bào được vinh danh tại các giải thưởng quốc tế, góp phần làm rạng danh cơ đồ và vị thế Việt Nam.

Đồng thời, kiều bào cũng là một trong những cầu nối, đóng góp ngày càng chủ động, tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa sở tại và quê hương đất nước.

Đặc biệt, kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ.

Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Bộ trưởng khẳng định với sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và mọi người dân, trong đó có đồng bào ta ở nước ngoài, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Năm 2024 đánh dấu chặng đường 20 năm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là dịp để “chúng ta cùng rút ra những kinh nghiệm, bài học quý báu để đưa công tác người Việt Nam ở nước ngoài lên một tầm cao mới, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của bà con”, Bộ trưởng nói.

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 diễn ra trong bối cảnh cả dân tộc ta đang nỗ lực và tăng tốc nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, không thể thiếu sự đóng góp quan  trọng của cộng đồng hơn 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Quang Phúc.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Quang Phúc.

Chính vì vậy, lần đầu tiên, trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.

“Đây là chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand tháng 3 năm nay, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

CẦN QUYẾT SÁCH ĐỘT PHÁ TẠO THUẬN LỢI CHO KIỀU BÀO

Bày tỏ sự trân trọng đối với tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ban ngành và địa phương, nhân dân trong nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian qua, ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, cho rằng Nhà nước cần tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; cần có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai.

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc không ngừng hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ… ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào tại Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, cho biết môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt, tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn là sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Phúc.
Ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Phúc.

Nhấn mạnh việc thu hút nhân tài, nhất là thế hệ trẻ từ cộng đồng kiều bào, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên kiều bào về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.

Để có thể phát huy khả năng của các kiều bào trẻ, tranh thủ những công nghệ mới, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị Chính phủ nên áp dụng cơ chế sandbox (cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép). Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các kiều bào trẻ có quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước…

Các đại biểu tham gia hội nghị.
Các đại biểu tham gia hội nghị.

Về hoàn thiện môi trường đầu tư, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, nhưng cần tăng cường tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục; cần xem xét cơ chế một cửa dành cho kiều bào, nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.

Đối với chiến lược phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển AI, bán dẫn, thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các vườn ươm công nghệ; có chính sách khuyến khích kiều bào tham gia phát triển du lịch và đầu tư bán lẻ du lịch...

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con