Khám, cấp cứu do tai nạn giao thông giảm mạnh trong dịp Tết Nguyên đán
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, số lượt tai nạn liên quan đến giao thông phải nhập viện điều trị, hoặc theo dõi giảm, song số trường hợp phải chuyển tuyến trên điều trị lại tăng lên so với năm 2023, theo Bộ Y tế...
Báo cáo về tình hình công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán tối 14/2, Bộ Y tế cho biết, tình hình khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết giảm mạnh.
Theo Bộ Y tế, trong 7 ngày Tết Nguyên đán (từ ngày 29 Tết đến ngày mùng 5 Tết - 14/2), cả nước có hơn 133.600 bệnh nhân đang điều trị, tăng 11,1% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.
Tổng số bệnh nhân đến khám, cấp cứu là 416.932 người, tăng 33%; 151.550 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú, tăng 4,3%.
Trong kỳ nghỉ Tết, các bệnh viện đã thực hiện 16.572 ca phẫu thuật, trong đó có 3.364 ca phẫu thuật cấp cứu, giảm 8% so với năm 2023. Bên cạnh đó, có 16.624 ca đỡ đẻ, mổ đẻ tại bệnh viện, giảm 7,1%. Tổng số bệnh nhân ra viện là 119.366 bệnh nhân, tăng 5,9%.
Cũng trong 7 ngày Tết, tổng số khám, cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông là 23.244 trường hợp, giảm 12,1%.
Số lượt tai nạn nghi liên quan đến giao thông phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là 8.967 trường hợp, giảm 8,4%. Tuy nhiên, số trường hợp phải chuyển tuyến trên điều trị lại tăng 6,5%, với 2.930 trường hợp.
Tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện là 5.728 trường hợp, giảm 1,4%. Số ca tử vong nghi do tai nạn giao thông là 118 (trong đó tử vong tại viện 37; tử vong trước viện 81), giảm 22,4% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.
Đối với tình hình tai nạn do pháo nổ, chất nổ, trong dịp Tết đã có 604 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa, tăng 51,4% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023 (315 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng 15% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023).
Tổng số khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế khác là 87 trường hợp, tăng 56 ca so với cùng kỳ (39 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng 17 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023; tử vong 4 trường hợp, tăng 2 ca).
Liên quan đến tình hình ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, cả nước ghi nhận 616 ca, giảm 9,5%. Số nhập viện theo dõi điều trị là 341 ca, giảm 19,6%.
Theo Bộ Y tế, trong những ngày nghỉ Tết, các bệnh viện vẫn bảo đảm duy trì công tác khám, chữa bệnh thông thường, cấp cứu, thực hiện thủ thuật, phẫu thuật, kể cả những kỹ thuật khó, phức tạp nhất như ghép tạng.
Tiêu biểu là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công lấy, ghép đa mô, tạng từ người cho chết não do tai nạn giao thông. Ngày 9/2/2024 (30 Tết), Bệnh viện đã huy động hơn 150 bác sỹ, điều dưỡng, chuyên gia tổ chức lấy, ghép và điều phối 8 mô, tạng; 5 ca ghép tạng được thực hiện ngay sau khi lấy mô, tạng (ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tụy-thận, ghép 2 cánh tay); phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, điều phối 2 lá phổi cho Bệnh viện Phổi Trung ương.
Cũng trong ngày 30 Tết, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thành công ca ghép phổi. Người nhận phổi là nữ bệnh nhân, 21 tuổi, tỉnh Bắc Kạn.
Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động khoảng 80 nhân lực trực tiếp tham gia và các chuyên gia khác từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội và chuyên gia quốc tế.
Sau ghép tạng toàn bộ người bệnh đều được theo dõi điều trị tích cực; cho tới nay sức khỏe người bệnh ổn định và các tạng đang dần hồi phục tốt.
Về tình hình ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo ban đầu chiều ngày 14/2 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bạc Liêu, tại Bạc Liêu ghi nhận 1 vụ nghi ngờ ngộ độc rượu (tại bữa tiệc gia đình) xảy ra vào ngày 11/2 làm 4 người nhập viện điều trị, trong đó có 2 người đã tử vong.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng tại địa phương tập trung cấp cứu và điều trị bệnh nhân, tiến hành điều tra, xác định rõ nguyên nhân gây ngộ độc.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng ngành Công thương truy xuất nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc, kịp thời ngăn chặn việc đưa ra lưu thông trên thị trường, và tiêu thụ các loại rượu có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm (nếu có).
Ngoài ra, còn ghi nhận một số ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ tại một số cơ sở điều trị trên toàn quốc). Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương để theo dõi, nắm thông tin và xử lý kịp thời trong trường hợp có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Lễ hội Xuân năm 2024.