Khởi công đường Hồ Chí Minh đoạn qua Kiên Giang và Bạc Liêu
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất (Kiên Giang) và Gò Quao – Vĩnh Thuận (Bạc Liêu), có chiều dài gần 52 km đã chính thức được khởi công vào sáng 06/3/2024...
Sau khi tuyến đường hoàn thành sẽ kết nối và rút ngắn khoảng cách đi lại giữa các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa cũng như tạo ra cú “huých” mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết đây là dự án quan trọng trong khu vực Tây Nam Bộ; đặc biệt dự án đã được chính quyền và người dân trong vùng mong chờ từ nhiều năm qua. “Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, đánh giá và căn cứ điều kiện đặc thù, lợi thế của các phương thức vận tải của từng vùng, miền trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long”, ông Lâm nói.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Kiên Giang và Bạc Liêu có chiều dài tuyến 51,94 km; trong đó, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất dài 11,2 km có điểm đầu tại huyện Châu Thành và điểm cuối tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận có chiều dài 40,74 km có điểm đầu thuộc huyện Gò Quao và điểm cuối tại huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), đi trùng với quốc lộ 61 hiện hữu từ Km 88+540 - Km77.
Dự án có tổng mức đầu tư 3.904,072 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, do Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2025.
Vê quy mô đầu tư: Ở giai đoạn phân kỳ, do các yếu tố hình học (bình đồ, trắc dọc) nên tuyến xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, quy mô 2 làn xe, chiều rộng nền đường 12 m, chiều rộng mặt đường 7 m, chiều rộng lề đường 5 m, trong đó lề gia cố 4 m. Mặt đường, đoạn tuyến nâng cấp, cải tạo thiết kế mặt đường bê tông nhựa cao cấp A1, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh theo quy mô đường cấp III đồng bằng với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Các công trình cầu trên tuyến được thiết kế bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với khổ cầu phù hợp với khổ nền đường.
Tổng diện tích đất thu hồi cho dự án hơn 111 ha; trong đó, Kiên Giang hơn 95 ha và Bạc Liêu hơn 16 ha. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ nối thông các huyện Gò Quao, Hồng Dân và Vĩnh Thuận bằng đường bộ. Đồng thời, dự án khi hoàn thành sẽ góp phần từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu; qua đó nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông nhằm phát huy vai trò của tuyến đường Hồ Chí Minh trong việc kết nối giữa các địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh khu vực.
Để dự án được triển khai xây dựng bảo đảm tiến độ và chất lượng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn, nhà thầu với trách nhiệm cao nhất, khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, phương án tổ chức thi công phù hợp để hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch. Về phía địa phương, ông đề nghị chính quyền hai tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu quan tâm chỉ đạo sớm hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và các đơn vị thi công trong suốt quá trình triển khai xây dựng công trình.
Dự án đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng, có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng) và điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau). Toàn tuyến có tổng chiều dài khoảng 3.183 km; trong đó tuyến chính dài khoảng 2.499 km và nhánh phía tây dài 684 km. Đến nay, đã hoàn thành 2.488 km (hơn 90%) tuyến chính và 258 km tuyến nhánh. Còn lại 256 km với 5 dự án thành phần đang được triển khai trong đó có đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc Nam phía đông và đường ven biển Bắc Nam là 4 tuyến giao thông huyết mạch trong hệ thống giao thông quốc gia.