Khơi dậy hơn nữa đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo công nghệ
Các hoạt động của Quỹ VIFOTEC là “bà đỡ” cho các nhà khoa học ứng dụng thành công và hiệu quả hàng nghìn sáng kiến, sáng chế vào sản xuất và đời sống, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt làm cho sáng tạo khoa học công nghệ trở thành phong trào tích cực và ươm mầm những tài năng khoa học…
Tối 27/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2021; kỷ niệm 30 năm thành lập Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng tập thể và cá nhân Quỹ VIFOTEC; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các tác giả có công trình đoạt giải Nhất.
TRI THỨC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO LÀ ĐỘNG LỰC ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia, là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.
Để phấn đấu đạt mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI như Văn kiện Đại hội XIII đề ra, Đảng đã xác định, đề cao sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới; trong đó, tri thức khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực đặc biệt quan trọng.
Nhằm khơi dậy hơn nữa sự đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ VIFOTEC tập trung nâng cao chất lượng, uy tín của các Giải thưởng, Hội thi, Cuộc thi.
Theo đó, cần tiếp tục hướng trọng tâm vào các công trình, giải pháp thuộc các lĩnh vực khoa học công nghệ: có tính ứng dụng cao; các lĩnh vực cơ khí tự động hoá, công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông, sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa; công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên, tiết kiệm năng lượng... Qua đó, để khoa học công nghệ thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
Chủ tịch quốc hội nêu rõ, phát triển khoa học và công nghệ là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Do đó, rất cần sự chung tay của các địa phương trong cả nước trong phát triển khoa học công nghệ. Các địa phương cần đề ra những chính sách khuyến khích tài năng thông qua việc tổ chức Giải thưởng, Hội thi, Cuộc thi do Qũy VIFOTEC là cơ quan thường trực, từ đó, phát hiện các cá nhân có tài năng để bồi dưỡng, các đề tài, giải pháp có giá trị để triển khai ứng dụng vào thực tế, gắn kết với phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển khoa học công nghệ của địa phương.
Để Quỹ VIFOTEC tiếp tục có nhiều phần thưởng xứng đáng cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế, cần có cơ chế, nhất là cơ chế tài chính phù hợp hơn cho Quỹ. Quỹ cần phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức để hoàn thiện cơ chế tài chính, xây dựng chính sách ưu đãi đối với các tài năng sáng tạo, hỗ trợ nuôi dưỡng nhân tài để phong trào có được những thành tựu khoa học công nghệ tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
“BÀ ĐỠ” CHO CÁC NHÀ KHOA HỌC ỨNG DỤNG THÀNH CÔNG VÀ HIỆU QUẢ SÁNG KIẾN VÀO SẢN XUẤT
Suốt 30 năm qua, thông qua việc tổ chức thành công 27 lần Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam, 17 lần Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc, 17 lần Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.., VIFOTEC đã trở thành một thương hiệu đối với những người làm khoa học của cả nước.
Các hoạt động của Quỹ VIFOTEC là “bà đỡ” cho các nhà khoa học ứng dụng thành công và hiệu quả hàng nghìn sáng kiến, sáng chế vào sản xuất và đời sống, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt làm cho sáng tạo khoa học công nghệ trở thành phong trào tích cực và ươm mầm những tài năng khoa học trong các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp, trong Nhân dân... Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được tặng thưởng, vinh danh trong nước và quốc tế.
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC cho biết, hàng nghìn công trình đoạt Giải thưởng đã được nghiên cứu, ứng dụng, triển khai trên các lĩnh vực kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng đã đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, tạo được tiếng vang lớn, góp phần động viên phong trào thi đua nghiên cứu sáng tạo khoa học công nghệ trong cả nước. Giải thưởng đã từng bước khẳng định được uy tín trong lĩnh vực sáng tạo khoa học, công nghệ ở trong nước và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Năm 2021, Ban Tổ chức lựa chọn trao 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 14 giải Ba và 19 giải Khuyến khích. Đặc biệt, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao chứng nhận Huy chương vàng cho hai công trình: "Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm" của TS Hoàng Đức Thảo, Công ty CP Khoa học công nghệ Việt Nam (Bà Rịa-Vũng Tàu) và công trình: "Ứng dụng công nghệ phễu bêtông (Top-Base) trong việc gia cố nền đất yếu tại Việt Nam" của Kỹ sư Phạm Thành Công và các cộng sự Tập đoàn GFS.
Công trình "Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm" là tổ hợp của công nghệ chế tạo, thiết kế sản phẩm, giải pháp kỹ thuật và biện pháp thi công sáng tạo. Điểm nổi bật là phương pháp thi công mới cho cấu kiện kè bê tông cốt phi kim, áp dụng riêng tại hồ Hoàn Kiếm, phù hợp với tính đặc thù của công trình, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiếng ồn, bụi, không xả thải trong quá trình thực hiện. Công trình không dùng móng, cấu kiện được nén ép và liên kết trực tiếp với đất nền. Các cấu kiện liên kết với nhau dạng modul đảm bảo ổn định kết cấu tường chắn đất không bị lật, trượt, lún. Nhờ công nghệ sáng tạo này nên quá trình thi công không ảnh hưởng đến mực nước ngầm dưới đáy và cây cối, môi trường xung quanh hồ.
Với công trình "Ứng dụng công nghệ phễu bê tông (Top-Base) trong gia cố nền đất yếu tại Việt Nam", từ tiếp cận và chuyển giao công nghệ Top Base của Hàn Quốc, nhóm kỹ sư GFS tìm cách cải tiến, cập nhật tiêu chuẩn cơ sở cho giải pháp này, từ đó cho phép áp dụng đại trà vào thực tiễn ngành xây dựng Việt Nam. Công nghệ Top-base được thi công bằng cách đặt những khối bê tông hình phễu đã được lèn chặt trong một lớp đá dăm, trên nền đất yếu. Phương pháp này có thể giảm được độ lún của đất, tăng khả năng chịu tải của nền móng.