Khối ngoại mua đột biến ở HPG, vẫn xả ròng hàng loạt cổ phiếu khác
Quán tính phục hồi tiếp diễn trong phiên sáng nay với độ rộng tích cực đi cùng với thanh khoản cao cho thấy dòng tiền vẫn đang vận động mạnh. Nhóm cổ phiếu trụ chỉ duy nhất HPG xuất sắc nhờ lực cầu đột biến của nhà đầu tư nước ngoài. Cổ phiếu thép nhờ đó cũng tăng nổi bật…
Quán tính phục hồi tiếp diễn trong phiên sáng nay với độ rộng tích cực đi cùng với thanh khoản cao cho thấy dòng tiền vẫn đang vận động mạnh. Nhóm cổ phiếu trụ chỉ duy nhất HPG xuất sắc nhờ lực cầu đột biến của nhà đầu tư nước ngoài. Cổ phiếu thép nhờ đó cũng tăng nổi bật…
VN-Index có nhịp tăng tốt nhất trong khoảng nửa đầu phiên sáng, đạt đỉnh lúc 10h45 với mức tăng gần 9,5 điểm tương đương +0,77% so với tham chiếu. Thời gian còn lại sức ép bắt đầu tăng dần, chỉ số lùi dần và chốt phiên sáng chỉ còn tăng 5,33 điểm (+0,44%).
Tuy có trượt dần nhưng độ rộng vẫn không diễn biến quá tệ. Cụ thể, lúc VN-Index đạt đỉnh ghi nhận 303 mã tăng/131 mã giảm, đến cuối phiên còn 293 mã tăng/155 mã giảm. Điều này cho thấy hoạt động chốt lời vẫn đang chủ yếu diễn ra ở vùng giá xanh. Tương quan này có thể thay đổi nếu khối lượng cổ phiếu khổng lồ gần 1,5 tỷ đơn vị về tài khoản trong phiên chiều nay gia tăng sức ép.
Hiện tượng suy yếu nhẹ cuối phiên sáng nay của VN-Index đến từ biên độ trượt giá tại nhóm trụ lớn nhất. Trong top 10 mã vốn hóa hàng đầu của chỉ số này, VCB đã lùi sâu đến mức rơi qua tham chiếu, giảm 0,11% tương đương mức trượt giảm khoảng 0,67% so với đỉnh. CTG trượt rất sâu tới -1,79% và rơi trở lại tham chiếu. VIC cũng đánh mất sạch mức tăng 0,89%. 7 mã còn tăng trong top 10 vốn hóa thì tất cả cũng đều trượt giá ở mức độ khác nhau.
Mạnh nhất hiện còn HPG với mức tăng 4,69% so với tham chiếu. Riêng trụ này đã đem lại gần 2 điểm cho VN-Index, trong tổng mức tăng 5,33 điểm. HPG cũng đã bị ép xuống xấp xỉ 1% so với giá đỉnh. Cổ phiếu này có triển vọng xác lập kỷ lục thanh khoản trong 14 tháng khi riêng buổi sáng đã sang tay 62,69 triệu cổ tương đương hơn 1.807 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài mua 11,76 triệu cổ chiếm 18,8% tổng giao dịch, giá trị ròng đạt hơn 323 tỷ đồng.
Ngoài HPG, khối ngoại cũng mua rất tốt DGC với 63,9 tỷ, SSI với 60,8 tỷ đồng. Cả hai cổ phiếu này tăng giá khá tốt: DGC tăng 2,15%, SSI tăng 2,28%. Tuy vậy, tổng thể vị thế giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HoSE sáng nay vẫn bán ròng tới 178,6 tỷ đồng, nghĩa là có rất nhiều cổ phiếu khác bị xả lớn. Các mã bị bán nhiều nhất là MWG -52,9 tỷ, STB -50,3 tỷ, VPB -44,4 tỷ, VNM -36,6 tỷ, PVD -30,9 tỷ. Cả loạt cổ phiếu khác bị bán ròng trên 20 tỷ đồng đã xóa sạch vị thế ròng của HPG, DGC và SSI. Đây là phiên sáng thứ 13 khối này bán ròng liên tục.
Điểm tích cực sáng nay là khả năng nâng đỡ tăng giá của bên mua vẫn duy trì khá tốt trước sức ép lớn. Độ rộng thị trường phản ánh rõ nét điều này với số mã tăng giá vẫn áp đảo. Trong 293 cổ phiếu đang xanh, có 80 mã tăng trên 1%, nhiều mã thanh khoản rất lớn. Ngoài HPG, có thể kể tới SSI với 1.106,9 tỷ đồng, giá tăng 2,28%; HSG với 287,8 tỷ, giá tăng 2,67%; DGC với 238,7 tỷ, giá tăng 2,15%; NKG với 215,2 tỷ, giá tăng 2,32%; VRE với 179,3 tỷ, giá tăng 1,92%...
Dù vậy, ngay cả ở các cổ phiếu thu hút dòng tiền rất lớn này, sức ép từ phía bán cũng tương đối rõ. Tất cả nhóm này đều đã phải lùi giá với mức độ khác nhau, trừ HPG tụt 0,99% so với đỉnh, các mã còn lại đều bị ép trên 1%. Vì vậy trong mức thanh khoản rất lớn hẳn phải có lực bán chủ động tăng dần về cuối phiên. Mở rộng ra toàn sàn HoSE, khoảng 41% cổ phiếu có phát sinh giao dịch đã chịu sức ép tụt giá tối thiểu 1% so với mức đỉnh. Gần một nửa số này giảm đến mức rơi qua tham chiếu.
Hiện thị trường vẫn chưa chuyển trạng thái sang tiêu cực mà vẫn chỉ bị chốt lời ở vùng giá xanh là chủ đạo. Khối lượng bắt đáy trong phiên ngày 23/2 vừa qua đã có lợi nhuận T+ khá tốt ở nhiều cổ phiếu và chiều nay hàng sẽ về tài khoản. Đây là thời điểm kiểm chứng quan điểm của các nhà đầu tư khi thị trường vẫn đang loanh quanh vùng đỉnh trung hạn.