Không có hàng xả, cổ phiếu “khởi nghĩa” thành công rực rỡ
Khoảng 30 phút đầu tiên trong phiên chiều và ít phút quanh thời điểm 2h chiều nay thị trường ngập ngừng chờ đợi khối lượng cổ phiếu bắt đáy về tài khoản xuất hiện. Tuy nhiên hàng xả rất ít và đó là tín hiệu cho một đợt phản công. Cầu kéo giá lên liên tục và cuối cùng hình thành một nhịp tăng dữ dội. VN-Index kết phiên tăng tới 1,86%, tương đương +20,18 điểm...
Khoảng 30 phút đầu tiên trong phiên chiều và ít phút quanh thời điểm 2h chiều nay thị trường ngập ngừng chờ đợi khối lượng cổ phiếu bắt đáy về tài khoản xuất hiện. Tuy nhiên hàng xả rất ít và đó là tín hiệu cho một đợt phản công. Cầu kéo giá lên liên tục và cuối cùng hình thành một nhịp tăng dữ dội. VN-Index kết phiên tăng tới 1,86%, tương đương +20,18 điểm.
Nếu so sánh tương quan giữa các chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu cũng như thay đổi trong độ rộng thị trường, rổ VN30 là tín hiệu dẫn dắt sớm nhất. Loạt blue-chips được kéo về tham chiếu sau đó đảo tăng, đã “trục vớt” VN-Index lên trên tham chiếu. Chỉ số này bắt đầu xanh khoảng 1h45 nhưng ngay từ 1h20 VN30-Index đã bắt đầu vượt tham chiếu.
Cổ phiếu gây sốc nhất là VHM. Từ 1h45 trở đi, VHM đột ngột xuất hiện đợt kéo lên cực mạnh. Biên độ tăng trong 20 phút lên tới 5,6%. Trong khoảng 15 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục là MSN, HPG. Thực ra nhiều cổ phiếu cùng phục hồi trong nửa sau phiên chiều nay, chỉ sai lệch chút ít về thời gian nhưng các cổ phiếu nói trên có biến động dễ nhận nhất và đáng chú ý nhất. Sức kéo điểm số của các cổ phiếu này đủ ấn tượng để tác động đến tâm lý chung.
Độ rộng thị trường cũng phản ánh rõ nét sự lan tỏa dần dần. Kết phiên sáng VN-Index có 93 mã tăng/364 mã giảm. Đến khi chỉ số bắt đầu hồi lên chạm tới tham chiếu, độ rộng vẫn 165 mã tăng/304 mã giảm. Đến tận 2h chiều độ rộng vẫn chưa thể cân bằng được, có 221 mã tăng/253 mã giảm. Tuy nhiên chốt đợt khớp lệnh liên tục, thị trường cực tốt với 365 mã tăng/136 mã giảm. Đóng cửa VN-Index có 389 mã tăng/122 mã giảm.
Nhóm blue-chips vẫn là nòng cốt của đợt tăng này dù về biên độ cuối cùng vẫn kém xa các mã vừa và nhỏ. VN30-Index đóng cửa tăng 1,7% nhưng Midcap tăng 3,15%, Smallcap tăng 2,23%. Dù vậy 10 cổ phiếu đẩy điểm số tốt nhất vẫn là blue-chips, dẫn đầu với VHM tăng 4,71%, CTG tăng 2,8%, HPG tăng 2,74%, MSN tăng 3,92%, GAS tăng 1,59% là 5 cổ phiếu trụ mạnh nhất, đem lại gần 6 điểm cho VN-Index. Cả rổ VN30 có 12 mã đóng cửa tăng trên 2% và 9 mã khác tăng trong biên độ 1% tới 2%.
Toàn sàn HoSE kết phiên có 25 cổ phiếu tăng kịch trần, chủ yếu là các mã nhóm chứng khoán và bất động sản. Đây cũng là những cổ phiếu chịu sức ép rất lớn từ đầu tuần. ORS, FTS, CTS, BSI, VCI, HCM là đại diện nhóm chứng khoán, NLG, QCG, OGC, HDG, HDC, DIG, DXG, DLG, LCG… đại diện nhóm bất động sản. Tính chung sàn này ngoài 25 mã tăng hết biên độ, còn có 131 cổ phiếu tăng trên 2%, xác nhận hôm nay là một phiên tăng rực rỡ trên diện rất rộng.
Điều bất ngờ là thanh khoản chiều nay không quá cao. HoSE chỉ khớp được gần 6.885 tỷ đồng, tăng 25% so với buổi sáng nhưng do phiên sáng thanh khoản quá ít. Ngay cả khi có cải thiện buổi chiều thì tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX cả ngày gần như không tăng so với hôm qua, đạt 14.164 tỷ đồng.
Với mức thanh khoản rất nhỏ như vậy nhưng giá cổ phiếu đảo chiều rất mạnh đồng nghĩa với lực bán rất yếu. Chiều nay có lượng hàng bắt đáy về tài khoản nhưng lượng cổ phiếu xả ra không nhiều. Thậm chí giai đoạn thị trường ngập ngừng lúc 2h trở đi, giao dịch vẫn không đột biến thanh khoản.
Toàn sàn HoSE hôm nay có 35 cổ phiếu giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên thì 24 mã tăng giá trên 2%, 7 mã tăng từ 1% tới 2%. Duy nhất GMD là giảm 1,39%. Thanh khoản ở nhóm chứng khoán cực mạnh, nổi bật là SSI với 848,5 tỷ đồng, giá tăng 3,99%; VND với 519,4 tỷ, giá tăng 4,18%, VIX với 404,2 tỷ, giá tăng 4,17%.
Chiều nay nhà đầu tư nước ngoài giao dịch thỏa thuận ròng cực lớn với VHM, tới 806,7 tỷ đồng ròng. Ngoài ra STB cũng được mua ròng 152,4 tỷ đồng. Tính chung phiên chiều khối này mua ròng 1.019 tỷ đồng trên sàn HoSE, đảo ngược vị thế bán ròng 248,5 tỷ đồng của phiên sáng. Tính chung cả phiên, khối này mua ròng 770,5 tỷ. Như vậy thực chất nếu trừ giao dịch VHM thì khối ngoại vẫn đang bán ròng.