“Không kiểm định báo chí trước khi in, đăng và phát sóng”
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nói về những điểm mới trong dự thảo Luật Báo chí sửa đổi được trình Quốc hội
“Anh được quyền tự do đăng tin bài có tính chất báo chí ở trên các trang mạng xã hội, nhưng phải đảm bảo đúng pháp luật, và không vi phạm vào những điều cấm ở trong Luật Báo chí”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn đã cho biết như vậy trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí sáng 4/11 tại trụ sở của Bộ, trước thời điểm dự thảo Luật Báo chí sửa đổi sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Quốc hội, chiều cùng ngày.
Ông Tuấn nói:
- Dự thảo luật lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của luật hiện hành.
Trong đó, đáng chú ý là các quy định mới về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí, giấy phép, liên kết trong hoạt động báo chí, về cải chính, phản hồi thông tin, xử lý vi phạm…
Cũng có người nghi ngờ cho rằng, quy hoạch báo chí (đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2020 - PV) với Luật Báo chí có mâu thuẫn với nhau thì tôi khẳng định rằng, luật báo chí sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động báo chí hiện nay.
Khi Luật Báo chí sửa đổi ra đời sẽ tạo cho hành lang pháp lý cho việc thực hiện quy hoạch báo chí tốt hơn và đảm bảo thực thi chuẩn xác hơn trong việc xây dựng các cơ quan báo chí đa phương tiện, cũng như tránh được các cơ quan báo chí việc chồng chéo chức năng nhiệm vụ, đồng thời đảm bảo tính khả thi tạo nguồn lực lớn cho cơ quan báo chí hoạt động.
Nhà nước bảo hộ quyền tự do báo chí của công dân
Việc đảm bảo quyền tự do báo chí, quyền tự do phát ngôn trên báo chí của công dân hay quyền tiếp cận thông tin của báo chí và trách nhiệm của các cơ quan và tổ chức trong việc cung cấp thông tin cho báo chí trong Luật Báo chí sửa đổi được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Nhiều người cũng thường hỏi tôi như vậy trong quá trình xây dựng dự án Luật Báo chí lần này.
Chúng ta căn cứ vào điều 25 của Hiến pháp năm 2013, quy định rất rõ quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí, quyền tiếp cận thông tin. Trong Luật Báo chí lần này cũng thể hiện rất rõ việc cụ thể hóa thực thi quyền đó - quyền tự do báo chí của công dân.
Chúng ta căn cứ vào điều 25 của Hiến pháp năm 2013, quy định rất rõ quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí, quyền tiếp cận thông tin. Trong Luật Báo chí lần này cũng thể hiện rất rõ việc cụ thể hóa thực thi quyền đó - quyền tự do báo chí của công dân.
Ở đây có hai vấn đề. Một là công dân có quyền tự do báo chí của mình, cụ thể hiểu ở nghĩa mình được tiếp cận thông tin báo chí và được tự do phát ngôn ở cơ quan báo chí của mình.
Thứ hai là được tham gia vào xây dựng các cơ quan báo chí.
Công dân có quyền tự do báo chí của mình nhưng phải được pháp luật bảo hộ. Tức anh tự do nhưng phải tôn trọng quyền tự do của người khác và đảm bảo quyền tự do của người khác. Không phải vì quyền tự do của mình mà xâm hại quyền tự do của người khác, nhất là quyền tự do của các cá nhân và tổ chức. Nhà nước bảo hộ quyền tự do này của công dân.
Đồng thời, dự án luật lần này thể hiện rất rõ: không kiểm định báo chí trước khi in, đăng và phát sóng, điều đó thể hiện rất rõ quyền tự do. Đây là điểm rất mới.
Các hành vi, nội dung bị cấm thông tin trên báo chí để bảo vệ quyền và uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia, lợi ích xã hội… thì có điểm gì mới so với luật báo chí hiện hành?
Nếu Luật Báo chí hiện hành quy định khá chung thì Luật Báo chí sửa đổi lần này nêu khá cụ thể, như quy định nội dung và hành vi cấm trong hoạt động báo chí, như cấm đăng phát những thông tin, nội dung liên quan đến cá nhân và tổ chức nhằm xâm hại cá nhân và tổ chức đó.
Hoặc, trước một vụ việc tiêu cực, một vụ án khi mà cá nhân, tổ chức có liên quan chưa bị cơ quan chức năng xem xét, kết luật có vi phạm, liên đới hay không thì báo chí cũng không được quy kết và xâm hại đến họ.
Hoặc, trước một vụ việc tiêu cực, một vụ án khi mà cá nhân, tổ chức có liên quan chưa bị cơ quan chức năng xem xét, kết luật có vi phạm, liên đới hay không thì báo chí cũng không được quy kết và xâm hại đến họ.
Hay như quyền của trẻ em trong Luật Báo chí lần này cũng nêu rất rõ, đăng tin bài nhưng không được ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của trẻ em. Hiện nay rất nhiều cơ quan báo chí khi đăng bài đã vô tình hay cố ý xâm hại đến quyền và lợi ích của trẻ em. Phải bảo vệ quyền trẻ em.
Một vấn đề mới nữa là quyền của cá nhân. Anh được quyền tự do đăng tin bài có tính chất báo chí ở trên các trang mạng xã hội nhưng những tin bài đưa trên đó là phải đảm bảo đúng pháp luật và không vi phạm vào những điều cấm ở trong Luật Báo chí.
Cụ thể như mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền đăng tải nội dung thông tin có tính chất báo chí trên truyền thông xã hội. Tuy nhiên, nếu nội dung được đăng tải đó xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của đất nước thì đó là hành vi bị cấm. Đó là những điểm rất mới.
Sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn
Thời gian qua, tình trạng xâm phạm bản quyền, xâm phạm đời tư, hoạt động sai quy trình mục đích của một số cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều, mới đây như trang Trí Việt 24h mà báo chí đã đăng tải… Vậy ông đánh giá như thế nào về tình trạng này và Luật Báo chí sửa đổi sẽ quy định gì về xử lý những sai phạm như vậy?
Tôi cho đây là một vấn nạn nhức nhối.
Hiện nay, tình trạng xâm phạm, vi phạm bản quyền của các cơ quan báo chí là khá phổ biến. Những ngày gần đây cơ quan báo chí đã nêu lên những tình trạng này. Rất nhiều trang thông tin điện tử, khi các cơ quan báo chí vừa lên bài, sau 10-15 phút thì họ đã link (lấy lại) về ngay và lấy đó làm tin bài của họ. Và, thường đó là những tin bài viết về tiêu cực.
Trong dự thảo luật lần này cũng đề cập và có chế tài đến những vấn đề này. Anh vi phạm bản quyền thì bị xử lý.
Hiện nay không phải chờ đến Luật Báo chí sửa đổi ra đời chúng ta mới thực hiện, mà các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử lý, chấn chỉnh ngay, kịp thời với các hiện tượng vi phạm bản quyền của nhau trong các cơ quan báo chí, và vi phạm bản quyền của các trang thông tin điện tử đối với các cơ quan báo chí, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các tờ báo chí chân chính, bởi tin bài người ta mới lên, anh link về thì lượng độc giả giảm, mà lượng độc giả giảm thì đi cùng với đó là doanh thu của tờ báo giảm.
Chính vì thế chúng tôi sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn, ví dụ như thu hồi tên miền, rút giấy phép với những trang thông tin điện tử đã có vi phạm và đã được nhắc nhở nhưng vẫn tiếp tục vi phạm.
Luật Báo chí là một luật lớn, vậy trong quá trình xây dựng và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các cơ quan báo chí cho dự thảo Luật Báo chí sửa đổi đã được thực hiện thế nào?
Xây dựng Luật Báo chí sửa đổi lần này rất công phu. Bắt đầu từ năm 1999, trong chương trình của kỳ họp Quốc hội của khóa trước đã đặt vấn đề về xây dựng Luật Báo chí sửa đổi và sau đó do chương trình của pháp luật Quốc hội có một số thay đổi nên thời gian đó đã tạm dừng.
Đến năm 2014 thì Quốc hội lại tiếp tục đưa vào dự thảo Luật Báo chí sửa đổi như lần này và dự thảo cũng được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ở trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, được các giới, các cấp, các ngành tổ chức nhiều cuộc hội thảo, nhà báo của các cơ quan báo chí góp ý nhiều, các chuyên gia về báo chí, chuyên gia về luật cũng góp ý nhiều và thẩm định nhiều chiều để có được dự thảo hôm nay. Đây là đóng góp rất lớn của các cơ quan báo chí, các nhà báo tâm huyết và của các chuyên gia về luật.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này, với thảo luận của Quốc hội trong dịp này, Luật Báo chí sửa đổi trong thời gian tới sẽ được thông qua, và khi luật đã được thông qua rồi sẽ tạo hành lang pháp lý cho báo chí hoạt động tốt hơn.