Không xanh hoá nhanh, doanh nghiệp logistics sẽ bị loại khỏi sân chơi toàn cầu
Nếu không thực hiện nhanh và ngay các giải pháp để xanh hóa ngành logistics, thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn và bị loại khỏi sân chơi toàn cầu…
Các doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam đã bước đầu thực hiện chuyển đổi xanh trong hoạt động của mình. Bên cạnh chuyển đổi phương thức vận chuyển nhằm tiết giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp cũng đang dần thay thế phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, hệ thống kho năng lượng mặt trời... để hạn chế tối đa lượng phát thải.
NHIỀU RÀO CẢN KHI XANH HOÁ
Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhìn nhận, số doanh nghiệp logistics thực hiện chuyển đổi xanh này còn quá ít trong số hàng chục nghìn doanh nghiệp logistics trên cả nước. Nguyên nhân do việc triển khai rộng rãi logistics xanh còn gặp nhiều thách thức, như: các rào cản kỹ thuật và công nghệ, vấn đề về chi phí đầu tư, hạn chế trong nhận thức của chính doanh nghiệp, hạ tầng logistics chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, nhận thức và hiểu biết của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa về yêu cầu xanh hóa ngành logistics đang rất hạn chế. Kế đến là sự hạn chế về công nghệ, trong khi đó, việc áp dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa chuỗi cung ứng lại đòi hỏi kỹ năng cao và công nghệ tiên tiến, điều mà không phải mọi doanh nghiệp đều có khả năng đầu tư.
Tại tọa đàm “Thích ứng logistics xanh - Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp” ngày 9/9, TS Trần Thị Thu Hương, Trưởng bộ môn logistics và chuỗi cung ứng, Trường Đại học Thương mại, cho rằng chúng ta có hơn 34.000 các doanh nghiệp logistics, song phần lớn các doanh nghiệp logistics của Việt Nam mới chỉ đóng vai trò là vệ tinh, chỉ tham gia được một phần trong chuỗi logistics toàn cầu.
Theo bà Hương, khó khăn với các doanh nghiệp logistics khi chuyển đổi sang xanh hoá, đầu tiên đó là áp lực từ phía thị trường. Xanh hóa chắc chắn ở giai đoạn đầu sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư tốn kém về mặt chi phí. Trong khi đa phần doanh nghiệp logistics là nhỏ và vừa, đây là một áp lực đối với doanh nghiệp khi phải đưa ra các quyết định liên quan đến đầu tư để trở nên xanh hơn.
Hơn nữa, cơ sở hạ tầng của chúng ta dù đã có sự phát triển nhưng để đáp ứng được yêu cầu xanh hóa thì còn nhiều hạn chế. Ví dụ, chuyển đổi từ vận tải bằng đường bộ sang vận chuyển bằng các hình thức có mức phát thải thấp hơn như đường thủy nội địa chẳng hạn hay đường sắt… thì khả năng chuyển đổi cũng rất hạn chế.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Mai Trần Thuật, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á, cũng đồng tình với nhận định khó khăn đầu tiên khi thực hiện logistics xanh là vấn đề đầu tư cho công nghệ, xanh hoá bao bì đóng gói, kho bãi sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm khí nhà kính, giảm rác thải ra môi trường… Những yêu cầu này đòi hỏi cần nguồn tài chính rất lớn trong khi doanh nghiệp hạn chế về vốn.
“Như hiện tại chúng tôi vận hành một kho khoảng 10 nghìn pallet, đang mất khoảng 200 triệu đồng tiền điện/tháng. Ngoài câu chuyện chi phí, lượng điện sử dụng này thải ra môi trường rất nhiều khí độc. Nên chuyển đổi xanh, đưa dòng điện mặt trời áp mái vào sẽ giảm chi phí rất nhiều, giảm phát thải khí nhà kính, song câu chuyện đầu tư ban đầu sẽ khá tốn kém”, ông Thuật chia sẻ.
Hơn nữa, sản lượng điện mặt trời thừa doanh nghiệp chưa được phép mua-bán…, dẫn đến doanh nghiệp không thể đầu tư được. Hay vấn đề vận tải, hiện nay doanh nghiệp vận chuyển bằng xe tải lạnh, nhiên liệu chiếm đến 35 – 45%, thải ra lượng khí carbon rất lớn. Doanh nghiệp muốn đưa xe tải điện vào sử dụng nhưng hiện tại ở Việt Nam chưa có bên nào cung cấp xe tải điện.
SẼ CÓ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN XANH CHO RIÊNG DỊCH VỤ LOGISTICS
Để logistics chuyển đổi theo hướng xanh hoá, đáp ứng những yêu cầu xanh của khách hàng và thực hiện theo những định hướng của Nhà nước về xanh hóa logistics, theo ông Thuật cần giải quyết bài toán về đầu tư và câu chuyện chính sách vĩ mô của Nhà nước, như chính sách về ưu đãi thuế, tài chính.
Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp thực sự có nhu cầu đầu tư vào logistics xanh. Có chính sách kêu gọi đầu tư ngay từ đầu, như: đầu tư khu công nghiệp xanh ngay, sử dụng điện áp mái, đầu tư vào xe tải điện…
Đặc biệt, logistics xanh cần phải được đào tạo ngay trong nội bộ doanh nghiệp. Tức là bản thân doanh nghiệp phải nhận thức được câu chuyện xanh này để có những định hướng chiến lược kinh doanh phù hợp.
Bà Hương bổ sung, xanh hoá logistics cần bắt đầu từ lãnh đạo doanh nghiệp. Người đứng đầu doanh nghiệp có nhận thức tốt về chuyển đổi xanh, có tầm nhìn chiến lược trong phát triển doanh nghiệp của mình để đáp ứng yêu cầu ngày càng xanh hơn của thị trường thì họ sẽ thay đổi hàng loạt các chính sách cũng như có mức độ đầu tư thích đáng trong hoạt động này.
Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Đặng Hồng Nhung, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương thông tin, hiện nay các chính sách ưu đãi của Chính phủ đang tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp logistics trong chuyển đổi phương tiện. Tức là chúng ta đang khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang các phương tiện có lượng phát thải thấp và sử dụng chủ yếu là phương tiện vận tải bằng điện.
Cụ thể, Chính phủ đã có chính sách rất nổi bật như: miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm đầu tiên cho xe tải điện vận hành bằng pin và giảm 50% lệ phí trước bạ trong hai năm tiếp theo.
Ngoài ra đối với vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm tiết kiệm điện năng, Bộ Công Thương cũng có những dự án hỗ trợ doanh nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi tiết kiệm điện năng.
Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035 và tầm nhìn đến 2045. Trong dự thảo chiến lược, vấn đề phát triển logistics xanh cũng là một trong những quan điểm hàng đầu.
Bà Nhung cho biết sau khi dự thảo được ban hành, dự kiến Bộ cũng sẽ xây dựng chiến lược phát triển xanh cho riêng dịch vụ logistics. Trong đó sẽ tích hợp tất cả những vấn đề về điện năng, kết hợp các vấn đề về chuyển đổi phương thức vận tải sao cho xanh hóa, tận dụng những phương thức vận tải tối ưu hơn…