Kiểm toán nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính khoảng 740.000 tỷ đồng
Từ khi thành lập đến nay, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện khoảng 3.600 cuộc kiểm toán, phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính khoảng 740.000 tỷ đồng; cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu cho cơ quan có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát...
Ngày 03/7, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức hội thảo “Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm, hướng tới 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước (11/7/1994 - 11/7/2024).
GÓP PHẦN KHẮC PHỤC “LỖ HỔNG” VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH
Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh rằng sự ra đời của Kiểm toán nhà nước là một tất yếu khách quan, yêu cầu không thể thiếu trong việc hoàn thiện công tác quản lý nguồn lực tài chính quốc gia, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thất thoát ngân sách nhà nước. Xuyên suốt 30 năm qua, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển, Kiểm toán nhà nước luôn chủ động bám sát chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để thực hiện hiệu quả công việc được giao. Hoạt động kiểm toán từng bước đổi mới về nội dung, phương pháp; chất lượng không ngừng nâng lên.
“Kiểm toán nhà nước ngày càng khẳng định là công cụ quan trọng, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; cung cấp nhiều thông tin xác thực, có chất lượng, giúp Quốc hội có thêm căn cứ quan trọng để xem xét, quyết định dự toán Ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ Ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán Ngân sách nhà nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Nói về những kết quả đạt được trong quá trình hoạt động, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chia sẻ: Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý gần 740.000 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi Ngân sách nhà nước, chiếm tỷ trọng trên 40%. Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn. Qua đó, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Thông qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Bảo hiểm xã hội... Đồng thời, Kiểm toán nhà nước cũng đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối các tổ chức, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.
SẼ THỰC HIỆN 3 TRỤ CỘT QUAN TRỌNG
Trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước xác định mục tiêu: “Phát triển Kiểm toán nhà nước là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Kiểm toán nhà nước sẽ triển khai ba trụ cột quan trọng: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phát triển nguồn nhân lực và công nghệ.
Theo đó, khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở rà soát, tổng kết, đánh giá Luật Kiểm toán nhà nước để đề xuất các chính sách pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của Kiểm toán nhà nước. Trong đó, có nhiều nội dung mới, như: bổ sung thẩm quyền của Kiểm toán viên nhà nước phù hợp với nhiệm vụ quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật khác liên quan; kiểm toán trên nền tảng dữ liệu số; bổ sung quy định về thời hạn, thời hiệu trong hoạt động kiểm toán...
Về nguồn nhân lực, Kiểm toán nhà nước sẽ tập trung đào tạo công chức, kiểm toán viên nhà nước “vừa hồng, vừa chuyên”, “nghệ tinh, tâm sáng”; bên cạnh nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức pháp luật, trong đó có pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì đặc biệt quan tâm đào tạo về đạo đức công vụ, giúp cho đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh vững vàng...
Về công nghệ, Kiểm toán nhà nước sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động của Ngành, trọng tâm là hoạt động kiểm toán, phù hợp với lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự phát triển của kinh tế số. Đồng thời, nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ dựa trên dữ liệu số, AI, điện toán đám mây vào hoạt động kiểm toán; hình thành hệ thống nền tảng quản trị thông minh cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số...
“Tập thể Lãnh đạo, cán bộ công chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống quý báu 30 năm xây dựng và phát triển; xây dựng văn hoá Kiểm toán nhà nước ‘Kỷ cương - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Hiện đại’; kiên định với phương châm hành động “Chất lượng và đạo đức công vụ”, hướng tới nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững”, Tổng Kiểm toán nhà nước bày tỏ.
Hội thảo “Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển” được tổ thành 02 phiên với 04 tọa đàm.
Phiên thứ nhất có chủ đề “Hành trình 30 năm hình thành và phát triển của Kiểm toán nhà nước” với các tọa đàm “Những dấu ấn trong hình thành hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán nhà nước”, “Những mốc son tự hào trong xây dựng, phát triển tổ chức bộ máy, quy định chuyên môn”;
Phiên thứ hai có chủ đề “Kiểm toán nhà nước – Vững bước hiện tại, tiến bước tương lai” với các tọa đàm “Kiểm toán nhà nước: Những dấu ấn hôm nay”, “Kỳ vọng và định hướng tương lai đáp ứng yêu cầu đổi mới” và một số tham luận liên quan.