Kinh doanh đa cấp biến tướng phức tạp, cơ quan quản lý thiếu nhân lực
100% các thỏa thuận về lợi nhuận đều là thỏa thuận bằng lời nên khi xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng hoàn toàn không có chứng cứ để xử lý
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong một báo cáo về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.
Liên quan đến quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ trưởng khẳng định, hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này tiếp tục được Bộ Công Thương duy trì và nâng cao hiệu quả.
Năm 2018, Bộ Công Thương điều tra, xử phạt đối với Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Quốc tế Greenlife số tiền 510 triệu đồng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp này. Bộ cũng xử phạt 140 triệu đồng đối với một số vi phạm của Công ty TNHH Herbalife Việt Nam, Công ty Cổ phần Nhượng quyền Thương mại Toàn Thắng (60 triệu đồng).
Bộ đã kết thúc thanh tra và xử phạt đối với hai doanh nghiệp bán hàng đa cấp là Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân (170 triệu đồng) và Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam (240 triệu đồng).
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy và thực hiện thanh lý hợp đồng đối với người tham gia sau khi Công ty chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo đánh giá của Bộ trưởng, công tác quản lý nhà nước hoạt động bán hàng đa cấp tại các địa phương cũng đã được kiện toàn đáng kể và tiếp tục thực hiện tốt hoạt động kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Nhiều sở công thương đã tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP như Hà Nội, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Cao Bằng, Đăk Lăk...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có nhiều biến tướng phức tạp.
Cụ thể, sau khi Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, hoạt động bán hàng đa cấp bất chính đã có dấu hiệu bị đẩy lùi, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính bị loại khỏi thị trường.
Song, các chủ thể kinh doanh đa cấp bất chính đã có xu hướng chuyển sang các mô hình hoạt động sử dụng phương thức đa cấp nhưng không mua hàng hóa thực sự để né tránh sự quản lý của cơ quan quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Đặc biệt, 100% các thỏa thuận về lợi nhuận đều là thỏa thuận bằng lời, không được ghi lại thành văn bản nên khi xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng hoàn toàn không có chứng cứ để xử lý, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Từ phía cơ quan quản lý, khó khăn được nêu tại báo cáo là sự thiếu hụt nguồn nhân lực. Bộ trưởng cho biết, hiện tại, số lượng cán bộ được giao thực hiện công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp là rất hạn chế, trong khi khối lượng công việc rất lớn, bao gồm công tác giải quyết thủ tục hành chính, công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, công tác điều tra, xử phạt và nhiều hoạt động quản lý liên quan khác.
Ở các địa phương, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thường chỉ giao cho một hoặc hai cán bộ kiêm nhiệm bên cạnh các công tác khác. Do đó, thiếu hụt nguồn nhân lực là một trong những khó khăn lớn nhất đối với cơ quan quản lý, có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công việc.
Báo cáo cũng cho biết kết quả sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, để đảm bảo tính đồng bộ về chế tài xử phạt vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương đã khẩn trương triển khai xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Ngày 8/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thống nhất triển khai.