Kinh nghiệm xử lý khủng hoảng ngân hàng
Hệ thống ngân hàng của Việt Nam cần chuẩn bị gì để ứng phó với những biến động? Những bài học nào về điều hành chính sách tiền tệ được rút ra sau các sự cố khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ và châu Âu? Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy lược ghi ý kiến của các chuyên gia độc lập về vấn đề này....
CẦN GIỮ ỔN ĐỊNH TỶ GIÁ TRƯỚC NHỮNG BIẾN CỐ TOÀN CẦU
"Mô hình kinh tế - tài chính của thế giới không có sự thay đổi quá lớn kể từ sau cuộc đại khủng hoảng năm 2007-2009. Vì thế, sự sụp đổ của các ngân hàng vừa qua là một điều dường như đã được dự báo trước. Chu kỳ kinh tế của chủ nghĩa tư bản là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ này, khi mà dòng tiền rẻ góp phần làm kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, sau đó là bóng ma lạm phát dẫn đến việc tăng lãi suất và chính vì lãi suất cao làm phá vỡ bong bóng thị trường tài chính, dẫn đến sự sụp đổ của các định chế tài chính lớn. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để trả lời câu hỏi sự sụp đổ của các ngân hàng Mỹ và châu Âu có là sự khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng tài chính hay không. Bởi vì tình hình vẫn chưa thực sự quá nghiêm trọng khi mà Fed vẫn tự tin nâng tiếp lãi suất lên 25 điểm cơ bản trong kỳ họp cuối tháng 3. Nhưng rõ ràng là nguy cơ sẽ có và nếu cuộc khủng hoảng nổ ra, thì tình hình sẽ tồi tệ hơn rất nhiều so với năm 2007-2009.
Vậy, Việt Nam phải đối phó như thế nào? Tình hình của kinh tế Việt Nam sẽ phức tạp hơn vì chúng ta không chỉ phải đối phó với tác động tài chính từ bên ngoài, mà còn phải đối phó với các vấn đề nội tại trong nước, khi mà thị trường trái phiếu, bất động sản vẫn đang đóng băng. Tình hình giải ngân của các ngân hàng trong 3 tháng đầu năm thấp kỷ lục, do lãi suất cao dẫn đến doanh nghiệp và người dân đều ngại đi vay, trừ khi vay để bù đắp thanh khoản. Vì thế, việc thực thi chính sách tiền tệ trong bối cảnh các yếu tố bất định quá lớn sẽ là một thử thách rất lớn cho Ngân hàng Nhà nước.
Theo quan điểm của tôi, mấu chốt của việc điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay sẽ là vấn đề tỷ giá. Khi cán cân thanh toán dương và VND có xu hướng tăng giá với USD, chúng ta cần tích cực mua USD để tăng dự trữ ngoại hối bù đắp cho lượng đã chi ra trong năm ngoái; đồng thời, bơm tiền ra nền kinh tế hỗ trợ việc giảm lãi suất để kích thích kinh tế.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất không nên quá nóng vội mà cần phải có lộ trình và tránh việc giảm quá nhanh gây áp lực lên lạm phát cũng như tỷ giá. Lãi suất ở Mỹ đang cao thì lãi suất tại Việt Nam khó mà có thể giảm mạnh được vì dòng tiền sẽ rút ra khỏi nền kinh tế ngay để hưởng mức lãi suất tốt hơn ở thị trường Mỹ (lưu ý rằng lãi suất trong nước phải tính đến phần bù rủi ro tỷ giá, ví dụ lãi suất ở Mỹ là 5%, kỳ vọng mất giá VND là 5% thì lãi suất trong nước phải là 10%)...".
BỐN BÀI HỌC CHO VIỆT NAM NHÌN TỪ KHỦNG HOẢNG NGÂN HÀNG Ở MỸ
"Vỏn vẹn hai tuần vừa qua, liên tiếp 4 ngân hàng của Mỹ gồm Silicon Valley Bank, Signature Bank, Silvergate Bank, First Republic Bank tuyên bố phá sản và Credit Suisse, ngân hàng thương mại lớn thứ hai của Thụy Sỹ (sau UBS) đứng bên bờ vực đổ vỡ. Cần thấy rõ, 4 ngân hàng của Mỹ đều có quy mô tài sản ở mức trung bình và Mỹ rất có kinh nghiệm xử lý những ngân hàng kiểu này. Theo đó, tổ chức bảo hiểm tiền gửi của Mỹ hoạt động rất tốt. Các ngân hàng thương mại tuy được ngân hàng trung ương cấp phép, nhưng phải có bảo hiểm tiền gửi mới hoạt động được. Lần này, quyền lợi của người gửi tiền được đảm bảo thông qua hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, bù đắp thanh khoản của các ngân hàng này.
Hơn nữa, ở Mỹ có tới khoảng 3.000 ngân hàng, trong đó, các ngân hàng quốc gia lớn nhất có tổng tài sản hàng ngàn tỷ USD bao gồm: JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup, Goldman Sachs… Mỗi năm có vài chục ngân hàng nhỏ (với tổng tài sản chỉ khoảng 100 tỷ USD) phá sản là chuyện rất bình thường.
Vậy, việc các ngân hàng phá sản làm dấy lên lo ngại khủng hoảng lan rộng trong giới tài chính toàn cầu hay không? Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị trường tài chính, nhưng cho đến giờ phút này vẫn chưa thấy hiện tượng rút tiền ồ ạt, lây lan sang ngân hàng khác. Hơn nữa, các ngân hàng lớn toàn cầu vẫn đứng khá vững. Có chăng, nhân tố gây ảnh hưởng nhất định đến đến hệ thống ngân hàng toàn cầu đó chính là thị trường bất động sản. Mỗi khi thị trường bất động sản có vấn đề sẽ làm trầm trọng thêm khủng hoảng ngân hàng thương mại, bởi giá trị của tài sản đảm bảo sụt giảm đáng kể.
Điều lo lắng nhất là ngân hàng của Thụy Sỹ với tổng tài sản là 574 tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2022, thậm chí cao hơn cả GDP của Thụy Sỹ (khoảng 480 tỷ USD), vì vậy ngân hàng Credit Suisse rơi vào khủng hoảng sẽ ảnh hưởng khá nặng nề đối với Thụy Sỹ. Điều may mắn là Thụy Sỹ có ngân hàng lớn nhất quốc gia này là UBS, có tổng tài sản khoảng 1.600 tỷ USD, gấp 3-4 lần GDP, đứng ra mua lại ngân hàng Credit Suisse.
Từ sự đổ vỡ của các ngân hàng trên đều cho thấy:
Thứ nhất, khi hai chức năng ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư ở trong một ngân hàng lớn, sẽ gặp nhiều rủi ro. Ngoài nghiệp vụ nhận tiền gửi để cho vay, các ngân hàng này còn một dịch vụ là đầu tư hộ, quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng rất lớn. Ngân hàng Thụy Sỹ quản lý một danh mục đầu tư lên tới 1.700 tỷ USD trong khi tổng tài sản của ngân hàng nhỏ hơn rất nhiều. Khi ngân hàng sụp đổ thì việc quản lý tiền hộ cho khách hàng cũng không mất mát nhiều, nhưng tạo ra một tâm lý rất phức tạp ở các nhà đầu tư...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13-2023 phát hành ngày 27-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam