Kinh tế xanh: Câu chuyện thành công của Anh quốc
Kinh tế xanh không chỉ là sự lựa chọn tất yếu mà còn là chiến lược lâu dài giúp Anh quốc duy trì vị thế cạnh tranh toàn cầu, đồng thời bảo vệ môi trường bền vững...
Sự chuyển mình của nền kinh tế toàn cầu đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Trong đó, Vương quốc Anh - quốc gia từng được xem là nơi khai sinh ra cuộc cách mạng công nghiệp - giờ đây lại là đầu tàu trong cuộc cách mạng xanh.
Kinh tế xanh là một mô hình kinh tế mới, tập trung vào việc phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Trong nền kinh tế này, các nguồn lực tự nhiên được sử dụng một cách thông minh, mang lại sự phát triển mà không đánh đổi tương lai. Trong năm 2022, nền kinh tế xanh của Vương quốc Anh đạt doanh thu 69,4 tỷ bảng Anh, tăng 28% so với năm 2021.
TƯƠNG LAI ĐANG DẦN HIỆN DIỆN
Việc làm xanh được xem là yếu tố cốt lõi của sự chuyển đổi bền vững. Việc làm xanh không chỉ đơn thuần là các công việc bảo vệ môi trường hay tái chế, mà còn là những nghề nghiệp giúp tái định hình cả nền kinh tế. Từ lĩnh vực năng lượng tái tạo đến kỹ thuật xây dựng công trình thân thiện với môi trường, mọi ngành nghề đều đang thay đổi để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.
Năm 2022, có 247.400 việc làm xanh tại Anh quốc đã được ghi nhận - tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định, đóng góp lớn vào việc xây dựng một lực lượng lao động không chỉ có tay nghề mà còn có ý thức sâu sắc về trách nhiệm với hành tinh.
Vương quốc Anh cam kết mạnh mẽ trong việc giảm lượng phát thải khí nhà kính, với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Con số 302,8 triệu tấn CO2 phát thải vào năm 2023, giảm 6,6% so với năm 2022, là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của quốc gia này.
Những kết quả này không chỉ đến từ các chính sách của Chính phủ Anh mà còn từ sự thay đổi trong nhận thức của cả xã hội. Đối với mỗi cá nhân, việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch hay chuyển sang năng lượng tái tạo không còn là lựa chọn mà là trách nhiệm.
Sự chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo đã tạo ra những kết quả ấn tượng. Năm 2022, năng lượng tái tạo chiếm 13,9% tổng năng lượng sử dụng tại Anh. Đây không chỉ là thành tựu về công nghệ mà còn là chiến thắng về mặt tư duy. Các doanh nghiệp xanh đã chứng minh rằng lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường có thể cùng tồn tại và hỗ trợ lẫn nhau.
Với nền tảng vững chắc, Anh quốc đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội trong lĩnh vực xuất khẩu xanh. Năm 2022, giá trị xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ xanh tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, giúp quốc gia này khẳng định vị thế toàn cầu.
SÁU BÀI HỌC CHO VIỆT NAM
Từ thành công của Vương quốc Anh, có 6 bài học Việt Nam có thể học hỏi để phát triển nền kinh tế xanh.
Một, xác định mục tiêu rõ ràng và dài hạn. Cũng như Vương quốc Anh đã đặt ra những mục tiêu tham vọng về giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam cần có chiến lược và lộ trình cụ thể với các mục tiêu theo từng kế hoạch 5 năm. Cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cần được cụ thể hóa bằng các chính sách mạnh mẽ và cụ thể.
Hai, khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh. Cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh tại Anh quốc đã tạo ra làn sóng đầu tư hàng tỷ Bảng vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ xanh. Việt Nam cần phát triển các chính sách ưu đãi thuế, trợ cấp và khuyến khích đầu tư để thu hút nguồn vốn cho các dự án xanh.
Ba, phát triển các ngành công nghiệp xanh. Việt Nam cần tận dụng tiềm năng trong các lĩnh vực như nông nghiệp hữu cơ, tái chế và năng lượng tái tạo để phát triển các ngành công nghiệp xanh.
Bốn, đẩy mạnh xuất khẩu xanh. Cơ hội trong xuất khẩu xanh là vô tận. Việt Nam có thể trở thành nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ xanh cho thị trường quốc tế bằng cách phát triển các sản phẩm bền vững và xây dựng chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường.
Năm, thúc đẩy hợp tác quốc tế. Hợp tác quốc tế trong việc phát triển công nghệ xanh là chìa khóa để Việt Nam nhanh chóng bắt kịp các quốc gia tiên tiến. Hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển kinh tế bền vững.
Sáu, chú trọng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Cần có một kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực xanh, như năng lượng tái tạo và tái chế, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động bền vững..
(*) Nguyễn Cảnh Cường, Nguyên Tham tán thương mại tại Vương quốc Anh.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 41-2024 phát hành ngày 07/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam