Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV: Gỡ các “nút thắt”, thúc đẩy phát triển kinh tế
Kỳ họp đạt được những kết quả tích cực theo kế hoạch đã đề ra, đáp ứng yêu cầu, mong đợi của cử tri và nhân dân. Đây là kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp và kể cả các vấn đề kinh tế...
Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đã có những chia sẻ, đánh giá về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV bế mạc vào chiều 24/6/2023.
PHẢN ÁNH THỰC TẾ, HIẾN KẾ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI ĐẤT NƯỚC
Đánh giá về kỳ họp thứ 5, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, những nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 đã được sắp xếp và đã hoàn thành một cách tốt đẹp. Chúng ta sẽ thông qua được 8 dự án luật và 18 nghị quyết quan trọng. Từ đó góp phần cho việc hoàn thiện thể chế và nhất là thể chế kinh tế thị trường ngày càng đồng bộ hơn.
Tại các phiên thảo luận trên nghị trường, nhất là trong các phiên chất vấn, số lượng đại biểu bấm tham gia cho ý kiến luật, tham gia chất vấn có những buổi đã lên đến con số là trên 100 đại biểu. Như vậy về mặt số lượng đã có sự thay đổi và sẽ kéo theo đó chuyển hóa về chất lượng. Ông Ngân nhấn mạnh, những nội dung liên quan đến vấn đề kinh tế xã hội luôn được đại biểu quan tâm. Không chỉ phản ánh thực tế, các đại biểu còn hiến kế, kiến nghị phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Từ cuối năm 2022, tình hình kinh tế thế giới đã có tác động rất lớn với những nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam. Kinh tế Việt Nam đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại, bước sang quý 1 tăng trưởng thấp so với kỳ vọng. Mặc dù Chính phủ đã có những quyết tâm và hành động rất quyết liệt nhưng để đạt được sự mong đợi trong Kế hoạch kinh tế xã hội năm 2023 cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Việt Nam đang tập trung cho 3 động lực lớn để thúc đẩy tăng trưởng gồm: Đầu tư (nhất là đầu tư công); hỗ trợ tiêu dùng và vấn đề xuất khẩu.
Với mảng đầu tư, các đại biểu đã quan tâm nhiều tới danh mục đầu tư bổ sung, quyết liệt để đẩy nhanh trong giải ngân đầu tư công. Số tiền dự toán cho giải ngân đầu tư công năm 2023 của Việt Nam là trên 700.000 tỉ đồng, chưa kể khoản đầu tư từ gói hỗ trợ về phục hồi phát triển kinh tế. Đồng thời, các đại biểu cũng quan tâm đến gói an sinh xã hội, đặc biệt là sự hỗ trợ cho người lao động đang bị cắt giảm giờ làm khi đơn hàng giảm do thị trường xuất khẩu thế giới bị suy giảm.
Ngoài ra, theo ông Ngân, trong các phiên thảo luận, các đại biểu đã quan tâm đến việc tiếp tục giảm thuế, phí nhiều hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tăng tổng cầu trong nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa.
Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, kể cả các vấn đề kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đầu tư công nên những quyết định của kỳ họp này liên quan đến kinh tế không chỉ giải các nút thắt cho thúc đẩy kinh tế trước mắt mà còn có tác động lâu dài.
Theo ông Cường, kỳ họp này có rất nhiều dự án luật quan trọng gồm cả dự án luật thông qua và dự án luật lấy ý kiến ở giai đoạn cuối. Vì vậy, những quyết định của kết quả kỳ họp này tác động rất lớn đến khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh tế đất nước.
Chia sẻ về ấn tượng tại kỳ họp, ông Cường cho rằng, từ việc thảo luận luật đến thảo luận về kinh tế xã hội, chất vấn các thành viên Chính phủ…,các đại biểu luôn đưa ra những vấn đề trực diện, thẳng thắn. Quá trình điều hành của Chủ tịch Quốc hội đi vào trực diện những vấn đề đại biểu đang muốn chất vấn, đưa thêm ý kiến của mình vào để các thành viên Chính phủ trả lời.
“Không khí làm việc của kỳ họp Quốc hội này hết sức thẳng thắn, xây dựng và mang tính trực diện, tạo hiệu quả cao”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận xét.
Tại kỳ họp thứ 5, công tác tư pháp của Quốc hội với khá nhiều nội dung, xem xét và cho ý kiến 20 dự án luật, nghị quyết. Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), những nội dung được xem xét, luật được thông qua tại kỳ họp này đều là những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội.
Quốc hội đã rất nỗ lực làm việc để ban hành nghị quyết cũng như thông qua các dự án luật. Những điểm nghẽn, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội sẽ được kịp thời tháo gỡ khi nghị quyết, luật có hiệu lực đi vào cuộc sống. Thông qua đó sẽ dần khắc phục được khó khăn để tiếp tục thực hiện tốt, đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2023 cũng như trong cả nhiệm kỳ", đại biểu kỳ vọng.
NHIỀU ĐIỂM NHẤN, DẤU ẤN NỔI BẬT ĐÓNG GÓP VÀO THÀNH CÔNG CỦA KỲ HỌP
Nhấn mạnh, mỗi kỳ họp Quốc hội đều có sự đổi mới về phương pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) nhận xét, từ chuẩn bị các dự luật, dự thảo Nghị quyết, các chương trình lấy ý kiến Quốc hội, công tác tham gia nghiên cứu tài liệu, tham gia phát biểu, thảo luận đến công tác tiếp thu, giải trình, kết luận trước khi thông qua... rất chặt chẽ, cặn kẽ. Kỳ họp Quốc hội nhiệm kỳ mới có sự đổi mới về mặt thời gian, mỗi kỳ họp rút ngắn hơn.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, đạt được những kết quả tích cực theo kế hoạch đã đề ra, đáp ứng yêu cầu, mong đợi của cử tri và nhân dân, trong đó kết quả công tác lập pháp tại kỳ họp là dấu ấn quan trọng, nổi bật, đóng góp ý nghĩa vào thành công chung của kỳ họp.
Đại biểu cho biết có ba dấu ấn nổi bật, đóng góp vào thành công chung kỳ họp thứ 5. Trước hết, về công tác tổ chức, đại biểu cho rằng kỳ họp đã được chia thành hai đợt thay vì một đợt như những lần trước đây. Trong một tuần nghỉ giữa hai đợt đã giúp các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra có thời gian tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu; tổng hợp báo cáo và giải trình các nội dung đại biểu quan tâm.
Cùng quan điểm, nhiều đại biểu nhận xét, với việc chia ra thành hai đợt, ở giữa có một tuần giúp các cơ quan soạn thảo chuẩn bị tốt hơn trong tiếp thu ý kiến đưa vào luật trước khi biểu quyết. Việc tổ chức này giúp nhiều đại biểu địa phương kiêm nhiệm có thời gian xử lý công việc khác. Cách tổ chức kỳ họp, nội dung kỳ họp này đã đạt được chất lượng rất tốt và hiệu quả.
Thứ hai, về công tác lập pháp, kỳ họp có khối tượng công việc khổng lồ, lên đến 20 dự án luật và các nghị quyết quan trọng. Đây là một con số kỷ lục trong việc xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ cũng như các đại biểu phải làm việc hết công suất.
Thứ ba, kỳ họp thứ 5 diễn ra trong không khí sôi nổi, các ý kiến đóng góp cho các dự án luật, nghị quyết và những vấn đề quan trọng khác có số ý kiến đóng góp rất lớn, thậm chí số đăng ký phát biểu kỷ lục. Đại biểu dẫn chứng trong các phiên chất vấn, số đại biểu đăng ký chất vấn các Bộ trưởng từ 100-120 lượt; có những phiên thảo luận như Luật Đất đai (sửa đổi) có hơn 170 đại biểu đăng ký phát biểu, tranh luận. Trong khi đó, đây là dự án luật chuyên ngành khó, đồ sộ, liên quan đến hơn 100 luật, bộ luật khác nhau. Điều này thể hiện tinh thần làm việc trách nhiệm, nghiên cứu chuyên sâu của đại biểu.
Còn đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, kết quả giám sát của Quốc hội khóa XV mang tính chất song hành với hoạt động điều hành, tác động trực tiếp. Trong giám sát, hoạt động giám sát của Quốc hội không làm thay cho thanh tra, điều tra nhưng điều quan trọng là chỉ ra được nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý về mặt chính sách, trách nhiệm.
Các đại biểu mong muốn phải làm rõ thêm phần trách nhiệm, đúng với chỉ đạo của Đảng là phải làm rõ được trách nhiệm trong quản lý, điều hành với tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Đại biểu cho rằng, việc này cần phải làm đậm nét hơn trong hoạt động giám sát.
Đặc biệt, các Bộ trưởng, Trưởng ngành qua hoạt động chất vấn, giám sát phải ý thức hơn được trách nhiệm của mình. Ngoài ra, việc đánh giá các Bộ trưởng, Trưởng ngành cũng phải hết sức công tâm, khách quan, không nên dĩ hòa vi quý.
Đối với Quốc hội, trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn các Bộ trưởng tuyệt đối không để tình trạng “hứa suông, hứa hão mà không làm”. Với nội dung các Bộ trưởng đã hứa, ghi trong Nghị quyết mà các kỳ họp sau kiểm điểm lại nếu không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn, Quốc hội phải có ý kiến. Các đại biểu sẽ tiếp tục bám sát những nội dung này, đại biểu nhấn mạnh.