Ký kết 3 nghị định thư quan trọng, nông sản Việt Nam “rộng đường” sang Trung Quốc
Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, chiều 19/8/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, trái dừa tươi và cá sấu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc…
Lễ ký kết diễn ra dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.
Các nghị định thư được ký kết lần này gồm: Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
THÚC ĐẨY MẠNH MẼ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN SANG TRUNG QUỐC
Ngay sau lễ ký, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết việc ký kết 3 nghị định thư là kết quả của quá trình trao đổi, đàm phán tích cực của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
“Sự kiện sẽ mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường Trung Quốc. Đây là bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các sản phẩm vừa được ký kết sang thị trường Trung Quốc, góp phần vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam", Bộ trưởng chia sẻ.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cam kết tiếp tục làm việc chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để triển khai các bước tiếp theo sau khi các nghị định thư được ký kết, đảm bảo doanh nghiệp của Việt Nam có thể xuất khẩu các sản phẩm nói trên vào thị trường Trung Quốc một cách thuận lợi.
"Dự kiến, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400 - 500 triệu USD ngay trong năm 2024 - năm đầu tiên sau khi ký kết Nghị định thư, đưa tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng lên 3,2-3,5 tỷ USD".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong 3 nhóm mặt hàng vừa ký nghị định thư, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%.
Đánh giá triển vọng xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đông lạnh, TS Lương Ngọc Trung Lập - Chuyên gia phân tích thị trường nông sản, cho biết sầu riêng đông lạnh, bao gồm: sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ) đều là những sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Việc mở cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.
Theo ông Lập, khi cấp đông sản phẩm, các doanh nghiệp sẽ tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, tránh được tình trạng tiêu thụ không kịp. Sầu riêng đông lạnh chú trọng chất lượng cơm (ruột trái sầu riêng), không đòi hỏi về mẫu mã vỏ trái bên ngoài như hàng tươi. Như vậy, với những trái không đạt yêu cầu về mẫu mã hoặc kích thước, các doanh nghiệp có thể tách lấy múi cấp đông, dễ dàng tiêu thụ được hết sản lượng sầu riêng sản xuất ra.
Hiện nay ở Việt Nam đã có hạ tầng dịch vụ cho bảo quản sầu riêng, có một số nhà máy chế biến và cấp động sầu riêng được đầu tư hiện đại. Điển hình, tại TP Cần Thơ có một số đơn vị chuyên làm dịch vụ kho đông lạnh, với đội ngũ công nhân chuyên nghiệp.
Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 1 triệu tấn sầu riêng. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2023, sản lượng xuất khẩu chỉ dao động từ 450.000 - 500.000 tấn. Do đó, nếu có thêm phân khúc cấp đông để xuất khẩu sẽ tạo giá trị cao hơn. Sầu riêng đông lạnh cũng là giải pháp hiệu quả nếu gặp bối cảnh thị trường khủng hoảng dư thừa, cung vượt cầu.
CƠ HỘI LỚN CHO TRÁI DỪA TƯƠI
Bên cạnh sầu riêng, dừa tươi cũng là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu lớn. Việc ký nghị định thư đánh dấu sự kết thúc quá trình đàm phán kỹ thuật giữa hai bên, mở ra cơ hội cho dừa tươi Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Trong các năm 2022, 2023, kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm từ dừa và liên quan tới dừa đã tiệm cận 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu trái dừa tươi đạt gần 800 triệu USD.
"Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới, với diện tích trồng khoảng 175.000 ha, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Với việc mở cửa thị trường Trung Quốc, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200-300 triệu USD ngay trong năm 2024, sẽ đem về kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đồng thời dự báo xuất khẩu dừa tươi sẽ càng tăng trưởng mạnh vào các năm tiếp theo.
Là đơn vị tham mưu kỹ thuật cho nghị định thư, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, xuất khẩu dừa tươi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo động lực cho ngành dừa Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Hiệp hội Dừa Việt Nam thống kê, cả nước có khoảng 100 doanh nghiệp liên quan đến dừa, trong đó hơn 40 doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu. Bên cạnh sản xuất, các doanh nghiệp còn khai thác một số nguyên liệu, phế phụ phẩm từ dừa, phục vụ các ngành thực phẩm, y tế, mỹ phẩm.
Bến Tre được xem là thủ phủ dừa của cả nước. Ngoài ra, tại Tây Ninh, Hậu Giang, Long An, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ, vùng trồng nguyên liệu hữu cơ hướng đến xuất khẩu. Tính đến hết năm 2023, có khoảng 15 trang trại trồng dừa chuyên canh, với diện tích trên 100ha.
Cá sấu là sản phẩm cuối cùng trong danh sách ký kết chiều 19/8, thể hiện sự đa dạng hóa các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia khác trên thế giới. Ngành nuôi cá sấu ở Việt Nam đã phát triển trong hơn 30 năm qua. Các sản phẩm từ cá sấu như thịt, da và các bộ phận khác hầu hết đều có giá trị kinh tế cao.
Việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho cá sấu sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành này. Đây không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là động lực để ngành nuôi cá sấu Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và phúc lợi động vật.