Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có thay đổi lớn?
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhằm lấy ý kiến rộng rãi người dân với nhiều điểm mới.
Về môn thi, hình thức thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử đối với giáo dục phổ thông; Ngữ văn, Toán, Lịch sử đối với giáo dục thường xuyên và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
LỊCH SỬ LÀ MÔN THI BẮT BUỘC
Theo đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Thí sinh học chương trình chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Về nội dung thi, dự thảo quy định, các câu hỏi sẽ vẫn nằm trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình giáo dục cấp THPT.
Theo dự thảo, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được xây dựng trên các nguyên tắc kế thừa, phát huy kết quả tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn 2015- 2019 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, 2021, 2022; chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm tốt của quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT.
Mục tiêu tổ chức kỳ thi nhằm đánh giá đúng kết quả học tập, rèn luyện theo mục tiêu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông. Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Về phương thức tổ chức thi, giai đoạn 2025- 2030, giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Giai đoạn sau năm 2030, sẽ phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian tổ chức thi (lịch thi chung), phù hợp với kế hoạch thời gian năm học để bảo đảm thống nhất trong cả nước; đồng thời có sự linh hoạt, ứng phó với các tình huống chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh trong phạm vi toàn quốc và từng địa phương.
Theo dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các địa phương sẽ vẫn chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung của Bộ.
Về phương án thi, đề thi phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, ngân hàng câu hỏi thi cho tất cả các môn phải được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực.
TĂNG TÍNH CHỦ ĐỘNG TRONG DẠY VÀ THI
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, kỳ thi từ năm 2025 cũng sẽ đảm bảo phân cấp, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tăng tính chủ động trong dạy học và thi, kiểm tra, đánh giá phù hợp với lộ trình triển khai chương trình sách giáo khoa mới. Kết quả kỳ thi đảm bảo độ tin cậy để khai thác, sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Việc tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo đánh giá được năng lực của học sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình.
Phương thức tổ chức thi chung đề, chung đợt đối với các môn học bắt buộc, môn học lựa chọn trong số các môn thí sinh đã chọn học ở bậc THPT đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với cách thức chọn môn học lựa chọn, bảo đảm đánh giá được các năng lực cốt lõi cơ bản, thiết yếu và năng lực sở trường phù hợp với định hướng nghề nghiệp ở bậc học THPT.