Lãi suất huy động tháng 3 vẫn duy trì ổn định ở mức thấp
Việc một số ngân hàng thương mại cơ cấu lại nguồn vốn qua điều chỉnh lãi suất là hoạt động tín dụng bình thường, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất chung vẫn duy trì ở mức thấp
Với triển vọng kinh tế phục hồi tích cực, tăng trưởng tín dụng cũng có dấu hiệu khởi sắc vào thời điểm chuẩn bị bước vào quý 2/2021. Vì vậy, việc một số ngân hàng thương mại cơ cấu lại nguồn vốn qua điều chỉnh lãi suất là hoạt động tín dụng bình thường, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất chung vẫn duy trì ở mức thấp.
CẤU TRÚC LẠI KỲ HẠN LƯU ĐỘNG
Cập nhật gần nhất, đến phiên ngày 10/3, lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm ở 0,34%, 1 tuần 0,45%, 2 tuần 0,56% và 1 tháng 0,76%/năm. Các mức lãi suất này đã giảm trở lại rất mạnh sau khi đồng loạt vượt mốc 2,5%/năm dịp cận Tết. Diễn biến trên phản ánh cân đối thanh khoản và nguồn vốn hệ thống ngân hàng thương mại đã ổn định trở lại.
Vì vậy, lãi suất huy động VNĐ trên thị trường đối với dân cư và tổ chức kinh tế cũng được một số ngân hàng cân đối, điều chỉnh tăng tại các kỳ hạn huy động do mức lãi suất trước đó được áp ở mức thấp.
Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, biểu lãi suất huy động được giữ nguyên so với tháng trước.
Ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, lãi suất huy động dành cho kỳ hạn 2 tháng, 3 tháng tại ACB được điều chỉnh tăng đồng loạt ở mức 0,1 điểm phần trăm. Tại VPBank, các mức lãi suất cao 5,7 - 6,2%/năm trở nên cá biệt khi chỉ áp cho những khoản tiền gửi lên tới trên 50 tỷ đồng với kỳ hạn dài từ 24 - 36 tháng; trong khi đó các mức cao phổ biến với trường khách hàng rộng chỉ từ 5,1 - 5,4%/năm.
Tại Techcombank, ngân hàng này cũng điều chỉnh lãi suất theo cấu trúc kỳ hạn huy động. Lãi suất tiền gửi áp dụng từ 1/3 được điều chỉnh tăng ở các kỳ hạn. Với khách hàng thường dưới 50 tuổi, tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,2%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng lên 4,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng, tăng 0,5%/năm lên mức 5,1 - 5,4%/năm đối với khách hàng thường và 5,2 - 5,5%/năm đối với khách ưu tiên. Mức lãi suất cao nhất tại Techcombank hiện nay là 5,8%/năm cho khách hàng thường và 5,9% cho khách hàng ưu tiên, áp dụng cho các kỳ hạn từ 24 đến 36 tháng.
Dù có điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn nói trên, song Techcombankvẫn nằm trong nhóm ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất thị trường. Với biểu lãi suất mới, mặt bằng chung lãi suất của Techcombank vẫn thấp hơn khoảng 0,4-0,5% so với trần huy động lãi suất của Ngân hàng nhà nước quy định dành cho kỳ hạn nhỏ hơn 6 tháng.
Cụ thể, tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất huy động VNĐ của Techcombank ngang Vietcombank với 3,2%/năm, thấp hơn VietinBank, BIDV và Agribank với 3,4%/năm. Tại các kỳ hạn 6 và 12 tháng, lãi suất Techcombank cũng thấp nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, chỉ sau nhóm "Big 4" với khoảng cách không nhiều.
Theo Ông Đặng Công Hoàn, Phó Giám đốc Phụ trách Khối Ngân hàng Bán lẻ Techcombank, "Việc điều chỉnh nhẹ lãi suất huy động thời gian vừa qua chủ yếu tập trung vào kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng dành cho một số đối tượng khách hàng, mục tiêu chủ yếu để cân đối các kỳ hạn huy động, để thu hút tiền gửi từ khách hàng kỳ hạn ngắn cho ngân hàng. Đồng thời, theo chúng tôi, việc điều chỉnh này cũng nhằm gia tăng một phần lợi ích cho khách hàng người gửi tiền khi có các khoản tiền gửi tiết kiệm gửi ngắn trong điều kiện mặt bằng lãi suất đã xuống thấp thời gian vừa qua".
Như vậy, với điều chỉnh cục bộ vừa qua, mặt bằng lãi suất huy động VNĐ vẫn bình ổn ở mức thấp. Thay đổi chủ yếu ở việc thu hẹp chênh lệch và cạnh tranh giữa một số thành viên khi áp dụng mức lãi suất rất thấp trước đó do thanh khoản dồi dào.
LÃI SUẤT TIẾT KIỆM NGÂN HÀNG NÀO CAO NHẤT?
Trong tháng 3, một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã điều chỉnh lãi suất huy động. Cụ thể, lãi suất huy động VNĐ tại ABBank, lãi suất huy động đã được điều chỉnh so với ghi nhận đầu tháng trước, chỉ còn từ 3,35%/năm đến 6,4%/năm và được áp dụng cho các khoản tiền gửi tại kỳ hạn từ 1 - 60 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Như vậy, so với mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 13 tháng trong tháng 2 (8,3%) đã được điều chỉnh giảm mạnh 2,6 điểm %, xuống còn 5,7%; Kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng sẽ được hưởng chung lãi suất không đổi là 6%/năm; kỳ hạn 36 tháng được ấn định ở mức 6,3%/năm; riêng hai kỳ hạn dài là 48 tháng và 60 tháng, mức lãi suất là 6,4%/năm.
Tương tự, lãi suất tại Eximbank cũng được điều chỉnh giảm mạnh ở kỳ hạn 13 tháng, từ mức 8,4% xuống còn 6,4%/năm. Mức lãi suất 6,4% này áp dụng cho khách hàng cá nhân tham gia "Tiết kiệm Eximbank VIP", kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tại ngân hàng OCB, biểu lãi suất tiết kiệm tại quầy của Ngân hàng này được điều chỉnh giảm tại đa số kỳ hạn từ 6 tháng trở lên so với ghi nhận vào đầu tháng trước. Tuy nhiên, khung lãi suất huy động tiếp tục nằm trong khoảng từ 3,75%/năm - 8,2%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng, trả lãi cuối kỳ. Các kỳ hạn dài như từ 15-36 tháng được giao động ở mức 6,1%-6,4%. Đặc biệt, với các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, OCB tiếp tục áp dụng mức ưu đãi lãi suất 8,2%/năm tại kỳ hạn 13 tháng.
Tại một số ngân hàng khác, huy động tiền gửi vẫn được duy trì ở mức cao. Có thể kế đến như Vietbank với 7,8%/năm; ACB với 7,4%/năm; SCB với 7,3%/năm; Ngân hàng Việt Á với 7,2%/năm; Kienlongbank 7,1%/năm… Tuy nhiên, điều kiện áp dụng cho mức lãi suất neo ở mức "khủng" nói trên thường được các ngân hàng áp dụng cho hình thức chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài, từ 13 tháng trở lên với số tiền gửi cũng "khủng" tương tứng, từ 500 tỷ đồng trở lên.
Nhìn chung mặt bằng lãi suất tiền gửi dân cư sau tết Âm lịch vẫn đang ổn định và tạo dư địa tốt cho việc đẩy mạnh hoạt động cho vay phục vụ nên kinh tế từ các Ngân hàng với mặt bằng lãi suất ngày càng hợp lý.