Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước bơm hơn 12.896 tỷ đồng qua thị trường mở
Tuần từ 15/5 - 19/5, lãi suất VND liên ngân hàng giảm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống qua hầu hết các phiên. Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 12.896,45 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng khá mạnh ở hầu hết các phiên...
Chốt ngày 19/5, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,44% (-0,47% so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 4,57% (-0,39%); 2 tuần 4,71% (-0,33 %); 1 tháng 4,91% (-0,32 %).
Lãi suất USD liên ngân hàng tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Phiên cuối tuần 19/5, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,85% (-0,01 %); 1 tuần 4,92% (+0,01 %); 2 tuần 5% (-0,01 %) và 1 tháng 5,18% (+0,04%).
Theo giới phân tích, sau phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc điều kiện, nếu được sẽ giảm tiếp lãi suất điều hành, thị trường kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong thời gian tới.
Từ đầu quý 2/2023, lãi suất huy động trên thị trường đã giảm rõ rệt, từ 0,2-0,3%/năm cho nhiều kỳ hạn. Cuộc đua lãi suất huy động cao thực tế đã chững lại từ cuối quý 1 năm nay, sau các động thái hạ lãi suất điều hành trong tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua của Ngân hàng Nhà nứớc. Đây là tiền đề để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, các chính sách như vậy bao giờ cũng có độ trễ, ít nhất là từ 3-6 tháng. Do đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có khả năng cải thiện từ nửa cuối năm 2023 hoặc từ quý 4/2023 trở đi.
Trên cơ sở thực tế là lạm phát đang giảm, thanh khoản trên thị trường dồi dào, tỷ giá tương đối ổn định, mặt bằng lãi suất được dự báo có thể giảm thêm trong nửa cuối năm nay. Giới phân tích dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc giảm thêm các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tới dưới 6 tháng thêm 50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2023 và xác suất cao là ngay đầu quý 3. Theo đó, lãi suất cho vay cầm cố trên thị trường mở - lãi suất đóng vai trò tham chiếu trên thị trường tiền tệ, cũng có khả năng giảm theo.
Cập nhật thị trường từ báo cáo của nhóm phân tích MSB, trên thị trường mở tuần từ 15/5 - 19/5, trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu ở 2 kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 50.000 tỷ đồng, đều với lãi suất 5%. Không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn; có 7.103,55 tỷ đồng đáo hạn. Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, có 20.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 12.896,45 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố hiện tại giảm xuống mức 1.687,71 tỷ VND, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước giảm xuống mức 90.699,8 tỷ VND.
Trên thị trường trái phiếu, ngày 17/5, Kho bạc Nhà nước huy động 5.750 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Khối lượng trúng thầu là 4.750 tỷ, đạt 83%. Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 10 năm đều huy động được toàn bộ lượng chào thầu, lần lượt ở mức 2.250 tỷ và 1.500 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm huy động được 1.000/2.000 tỷ đồng.
Lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn tại 5 năm 2,45% (-0,04% so với lần trúng thầu trước); 10 năm 2,95% (-0,05%); và 15 năm 3,05% (-0,05%).
Tuần vừa qua không có trái phiếu Chính phủ đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu, trong tuần này, ngày 24/5, Kho bạc Nhà nước dự định gọi thầu 5.000 tỷ VND trái phiếu. Trong đó, kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm cùng gọi 1.500 tỷ và kỳ hạn 20 năm gọi 500 tỷ VND.
Giá trị giao dịch Outright và Repos (mua lại) trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.003 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 6.108 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần qua, lợi suất trái phiếu chính phủ giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 19/5, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,46% (-0,2%); 2 năm 2,46% (-0,25%); 3 năm 2,47% (-0,28%); 5 năm 2,43% (-0,28%); 7 năm 2,7% (-0,23%); 10 năm 3,01% (-0,28%); 15 năm 3,12% (-0,3%); 30 năm 3,61% (-0,25%).
Trong tuần từ 15/5 - 19/5, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng khá mạnh ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 19/5, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.680 VND/USD, tăng 40 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD 3 phiên đầu tuần, phiên 18/5 điều chỉnh xuống 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 24.814 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá tiếp tục biến động nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 19/5, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.464 VND/USD, tiếp tục tăng nhẹ 06 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do giao dịch tăng – giảm nhẹ đan xen trong tuần qua. Chốt phiên 19/5, tỷ giá tự do giảm 05 đồng ở chiều mua vào và 15 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.410 VND/USD và 23.450 VND/USD.