Lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: "Thiệt đơn, thiệt kép"

Chu Khôi
Chia sẻ

Việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật quá mức tại Đồng bằng sông Cửu Long, nếu không được khắc phục, sẽ dẫn tới hệ lụy rất lớn đối với môi trường, sức khỏe con người. Vấn nạn này còn dẫn tới tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại, tăng giá thành sản xuất nông nghiệp và giảm lợi nhuận của nông dân...

Hội thảo về thực trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Hội thảo về thực trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, lượng phân bón sử dụng bình quân trên mỗi ha đất canh tác cao hơn 42% so với mặt bằng chung cả nước; lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn mức trung bình cả nước tới 71,9%. Đây là những thông tin được công bố tại Hội nghị trực tuyến: “Thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 27/8/2021.

SỬ DỤNG PHÂN BÓN TÙY TIỆN

Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có 343 cơ sở sản xuất phân bón với tổng công suất 5,8 triệu tấn/năm. Trong đó, sản xuất phân bón vô cơ có 241 cơ sở với công suất 5,06 triệu tấn/năm (chiếm 87,2%), còn lại là phân bón hữu cơ (749,6 nghìn tấn/năm).

Bình quân mỗi năm cả nước sử dụng 10,3 triệu tấn phân bón, trong đó sử dụng phân vô cơ hơn 7,6 triệu tấn, phân bón hữu cơ 2,63 triệu tấn. Theo ông Trung, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sử dụng nhiều phân bón nhất cả nước, với lượng phân bón bình quân 1.071kg/ha, cao hơn 42% so với mặt bằng chung cả nước.

Đối với phân bón vô cơ, cả nước sử dụng trung bình 560kg/ha, trong khi nông dân Đồng bằng sông Cửu Long bón bình quân đến 754 kg/ha, cao hơn 35% so với mặt bằng chung cả nước. 

Về phân bón hữu cơ, lượng sử dụng trung bình cả nước là 1,4 tấn/ha, nhưng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ đạt 392kg/ha, tức là chỉ bằng 27,3% so với mặt bằng chung cả nước.

 
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có số cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhất cả nước, với 52/85 doanh nghiệp, chiếm 61,18%.

Hiện nay, cả nước có khoảng 32.032 cơ sở kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán sản phẩm này. Trong đó, phân bố nhiều nhất vẫn là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với 10.542 cơ sở (chiếm 32,91% cả nước).

Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, lượng thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm sử dụng năm 2020 là 28.520 tấn (chiếm 54,94% cả nước). Như vậy, bình quân 1ha gieo trồng sử dụng 6,27kg thuốc bảo vệ thực vật, cao hơn trung bình cả nước khoảng 64,56%.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho hay Tiền Giang có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 178.000ha; trong đó đất trồng lúa 54.599ha; cây ăn trái trên 80.000ha.

Nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân dân toàn tỉnh ước tính bình quân gần 1,2 triệu tấn/năm và nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ước tính khoảng 400 tấn/năm.

Hiện tại vẫn còn một số nông dân sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện không theo khuyến cáo, chưa lựa chọn sản phẩm phù hợp với loại cây trồng và dịch hại nên hiệu quả sử dụng chưa cao.

"Việc sử dụng dư thừa phân bón hay phun ngừa các loại thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn xảy ra một số nơi đã làm gia tăng chi phí, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân”, ông Mẫn cảnh báo.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, phân bón trên thị trường đa dạng về thành phần nên nông dân sử dụng theo cảm tính, bón không theo nhu cầu của cây nên lượng phân sử dụng ở mức cao nên thường xuyên xảy ra sâu bệnh. Nhu cầu phân bón cao, nên phân giả, kém chất lượng đã ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng.

Ngoài ra, công tác quản lý phân bón cũng gặp khó khăn. Tình trạng doanh nghiệp sản xuất phân bón ghi không đúng nhãn mác trên bao bì, gây khó khăn cho nông dân khi sử dụng. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng kỹ thuật dẫn đến lãng phí vật tư, tăng chi phí đầu vào, giảm hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, đồng thời gây hệ lụy rất lớn đối với sức khỏe con người và môi trường.

SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP CÓ TRÁCH NHIỆM

Đại diện Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam cho rằng, cần tổ chức tập huấn cho cả nông dân và đại lý về kiến thức liên quan đến sử dụng hợp lý và hiệu quả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Để khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cần các chính sách khuyến kích sử dụng cần ưu tiên và cụ thể hơn. Cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu cắt giảm các điều kiện trong việc công nhận thuốc bảo vệ thực vật sinh học; giảm thuế nhập, thuế sản xuất trong nước. Ngoài ra, việc nghiên cứu các sản phẩm phải có trọng điểm, tránh tràn lan rồi sản phẩm không đưa được vào ứng dụng.

 
"Bên cạnh mặt tích cực, Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều vấn đề mà chúng ta cần có sự quyết tâm cao về nhận thức, hành động từ mỗi người để chuyển biến nền nông nghiệp nơi đây theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững".
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Theo kiến nghị của ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cần hướng dẫn nông dân thu gom xác bã thực vật, chất thải trong chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ. Cùng với đó, có các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ thực chất, sáng tạo để nông dân cho thể học tập, dễ áp dụng.

Ghi nhận phản ánh của các nhà quản lý và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho biết ông cũng đã nhận được nhiều nhắn gửi của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, những người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long về nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là chất lượng nông sản, thực trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ trưởng Hoan, tư duy sản xuất hàng hóa lớn thường là tư duy về số lượng. Nhưng khi chuyển sang tư duy kinh tế, còn một tham số rất lớn quyết định thu nhập của nông dân là chi phí vật tư đầu vào và giá trị chất lượng nông sản. Cả đầu vào và đầu ra cần tiếp cận mô hình mới, hướng đi mới.

"Sản xuất nông nghiệp phải minh bạch, tức là mọi điều đều phải công khai, sáng tỏ từ việc sử dụng phân, thuốc để không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng", Bộ trưởng yêu cầu.

Nhấn mạnh về trách nhiệm, Bộ trưởng cương quyết, chúng ta cần phải trách nhiệm với cả người tiêu dùng và người nông dân, trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Làm sao hoạt động nông nghiệp sử dụng phân thuốc ít, không tác động tới hệ sinh thái, đa dạng sinh học, để chúng ta còn chuyển giao cho mai sau. 

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con