Lạm phát khiến giới trẻ ở Canada ngày càng nghèo đi
Lạm phát, lãi suất tăng và thị trường bất động sản tụt dốc đang khiến khoảng cách giàu nghèo gia tăng mạnh ở Canada, trong đó những hộ gia đình trẻ hơn là đối tượng phải gánh chịu áp lực tài chính lớn hơn cả...
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do cơ quan thống kê Statistics Canada (StatCan) công bố ngày 4/7 cho biết, nhóm 20% hộ gia đình giàu nhất ở nước này kiểm soát 67,8% tổng tài sản ròng cả nước ở thời điểm quý 1 năm nay. Trong khi đó, nhóm 20% nghèo nhất chỉ chiếm 2,7% tài sản.
Khoảng chênh lệch 65,1 điểm phần trăm này đã gia tăng 1,1 điểm phần trăm so với mức của cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ gia tăng khoảng cách giàu nghèo nhanh nhất ở Canada kể từ năm 2010, dù khoảng chênh lệch vẫn thấp hơn một chút so với thời điểm năm 2020.
Sự gia tăng chênh lệch giàu nghèo là một thách thức đối với Thủ tướng Justin Trudeu, vì Chính phủ của ông cam kết giảm bất bình đẳng nhưng khoảng cách giàu nghèo ở nước này đã tăng mạnh do sự leo thang của giá nhà trong thời gian đại dịch Covid-19. Giờ đây, thị trường bất động sản sụt giảm cũng là một nguyên nhân nới rộng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ở Canada.
“Phần lớn tài sản cả nước đang nằm trong tay một số tương đối ít các hộ gia đình”, báo cáo của cơ quan thống kê nhấn mạnh.
Tình trạng này cũng phản ánh hậu quả của việc Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) tăng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát. Lãi suất tăng làm gia tăng gánh nặng nợ nần của các hộ gia đình, nhất là những hộ vay nợ nhiều.
Nhóm nghèo nhất chịu ảnh hưởng nhiều hơn dưới các áp lực kinh tế gần đây, chứng kiến giá trị tài sản ròng giảm 13,8%, gấp hơn 3 lần mức giảm tài sản của nhóm giàu nhất.
Khoảng cách về tỷ trọng của thu nhập khả dụng giữa nhóm 40% hộ giàu nhất và nhóm 40% hộ nghèo nhất lên tới 44,7 điểm phần trăm, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự sụt giảm giá trị tài sản ròng của tất cả các hộ gia đình ở Canada chủ yếu do bất động sản mất giá, với mức giảm bình quân 8,6% của giá trị tài sản bất động sản bình quân của hộ gia đình ở nước này so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm nghèo nhất chứng kiến các khoản vay thế chấp nhà tăng nhanh hơn nhiều so với giá trị tài sản bất động sản của họ. Nợ thế chấp nhà ở nhóm này đã tăng 23,8%, trong khi giá trị tài sản bất động sản của họ chỉ tăng 6,2%.
Tỷ lệ nợ so với thu nhập ở các hộ gia đình trẻ hơn và giữ vai trò cốt lõi trong lực lượng lao động cũng đang ở mức cao kỷ lục, cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Tỷ lệ này ở những hộ trẻ nhất đã lên tới 207,5%, tăng 13,4 điểm phần trăm so với cách đây 1 năm. Ở nhóm 35-44 tuổi, tỷ lệ nợ/thu nhập tăng 16,6 điểm phần trăm, lên mức 275,8%.
Gần đây các hộ gia đình trẻ ngày càng tăng tỷ trọng trong dân số của Canada, chiếm 47,3% toàn bộ tăng trưởng dân số của nước này kể từ quý 3/2021, chủ yếu do lượng nhập cư lớn.
“Lãi suất cao và lạm phát cao dai dẳng có thể tiếp tục gây áp lực lên tình hình tài chính của các hộ gia đình, buộc họ phải vay nợ nhiều hơn để trang trải cuộc sống, nhất là ở những nhóm dễ tổn thương như thu nhập thấp, thu nhập trung bình và những nhóm trẻ hơn”, StatCan nhận định.
Giá trị tài sản ròng bình quân của các hộ gia đình dưới 35 tuổi ở Canada giảm nhiều nhất, với mức giảm 8,7% trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tài sản của những hộ từ 55-64 tuổi chỉ giảm 1,8%.
“Những hộ trẻ có xu hướng dễ bị ảnh hưởng hơn bởi biến động giá bất động sản, vì tài sản của họ tập trung nhiều ở hạng mục đó hơn. Những hộ già hơn đã có nhiều thời gian hơn để đa dạng hoá danh mục tài sản của họ”, báo cáo viết. “Trong quý 1, bất động sản chiếm 88,3% tài sản của các hộ gia đình dưới 35 tuổi, so với tỷ lệ 40,1% ở nhóm 65 tuổi trở lên”.