Làn sóng tiếp theo của kinh tế số Việt Nam
Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều giảm mạnh thì ngành kinh tế số lại có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Năm 2023, ngành kinh tế số đã đóng góp khoảng 16,5% GDP của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm...
Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng sẽ là quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực ASEAN từ nay đến năm 2025. Vấn đề đặt ra là Việt Nam tiếp cận làn sóng tiếp theo này như thế nào để mang lại giá
Trong báo cáo về định hướng phát triển kinh tế số Việt Nam tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 (Vietnam - ASIA DX Summit 2024) mới đây, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, lưu ý rằng suy thoái kinh tế trên diện rộng khiến kinh tế của nhiều quốc gia trong giai đoạn vừa qua chỉ đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Dù vậy, thống kê giai đoạn 2018-2022 ở nhiều nước lớn cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số lại vượt trội đáng kể so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế thực. Các quốc gia có GDP đầu người cao nhất thế giới cũng coi kinh tế số là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng gấp 2-3 lần so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thực.
Chẳng hạn như tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trong giai đoạn 5 năm vừa qua của quốc gia này là 1,9% trong khi kinh tế số tăng trưởng 6,3%. Quy mô ngành lĩnh vực đóng góp khá lớn vào kinh tế số chủ yếu đến từ các ngành dịch vụ trực tuyến như thương mại điện tử, nội dung số, điện toán đám mây chiếm từ 40-50% kinh tế số.
Còn tại Trung Quốc, từ góc độ sản xuất, số liệu cho thấy công nghệ số ngày càng đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy năng suất lao động trong các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Hiện nay, kinh tế số ở Trung Quốc trong công nghiệp đóng góp 24% và nông nghiệp là 10,5%.
Ngoài ba quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Singapore, hơn 50% các quốc gia trên thế giới đã ban hành chiến lược chuyển đổi số, chiến lược số hóa các ngành khu vực công, hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, ban hành chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số.
BỨC TRANH KINH TẾ SỐ BƯỚC ĐẦU ĐƯỢC HÌNH THÀNH
Với Chiến lược quốc gia kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 - định hướng đến năm 2030 được ban hành năm 2022, theo ông Tuấn, bức tranh kinh tế số Việt Nam đã hiện hữu được hơn hai năm. Một số nét phác thảo có thể kể ra như: quy mô kinh tế số Việt Nam được đóng góp chủ yếu từ sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin, chiếm tới 60% quy mô kinh tế số; doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin năm 2023 đạt 138,5 tỷ USD với số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt hơn 45.500 doanh nghiệp, doanh thu ngành công nghệ thông tin ở nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD với hơn 1.400 doanh nghiệp…
Giá trị đóng góp kinh tế số vào các ngành lĩnh vực mới chỉ đạt 40% quy mô kinh tế số, trong đó đóng góp chủ yếu cho kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực là những ngành, dịch vụ như thương mại điện tử, nội dung số, tài chính ngân hàng. Ở các nước phát triển, bình quân quy mô kinh tế số công nghệ thông tin tăng trưởng chỉ 7-8%/năm; ở Việt Nam cũng chỉ đạt được 10%/năm. Vụ trưởng Trần Minh Tuấn cho rằng để đạt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số Việt Nam đến năm 2030 đạt 30% GDP thì tốc độ tăng trưởng quy mô kinh tế số buộc phải đạt cỡ 20%/năm. Không gian phát triển kinh tế số lúc này chính là kinh tế số ngành, lĩnh vực.
Theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020 kinh tế số của Việt Nam đóng góp 12% GDP. Nhưng đến năm 2023, kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20% một năm.
Bà Đào Phương Lan, Giám đốc Đầu tư thị trường Đông Nam Á, Trưởng Văn phòng Đại diện Temasek Hà Nội, Công ty Temasek International Pte, cho biết những năm gần đây, nền kinh tế số của Đông Nam Á đã phát triển mạnh mẽ, trong đó đặc biệt là Việt Nam khi hai năm liên tiếp 2022 và 2023 duy trì vị trí là nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.
Theo nghiên cứu của Temasek International Pte, 5 ngành hàng chính có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực kinh tế số gồm: thương mại điện tử; vận tải và thực phẩm; du lịch trực tuyến; truyền thông trực tuyến; và các dịch vụ tài chính kỹ thuật số.
Theo bà Lan, xu hướng chuyển đổi dịch vụ tài chính từ offline sang online vốn được xem là không thể đảo ngược sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tỷ lệ thanh toán số ở Việt Nam cũng thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng khoảng 19% từ năm 2022 đến năm 2023 và dự kiến tiếp tục tăng trưởng ổn định khoảng 13% trong giai đoạn 2023 - 2025.
Ông Trần Minh Tuấn cho biết để ngành kinh tế số giữ vai trò chủ lực, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo năm 2024 phải tập trung phát triển toàn diện vào 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông; số hóa các ngành kinh tế; quản trị số và dữ liệu số. Dữ liệu phải được coi là yếu tố sản xuất, đầu vào cho mọi hoạt động kinh tế, công nghiệp công nghệ thông tin cần thúc đẩy phát triển để làm lực lượng sản xuất mới thúc đẩy số hóa các ngành kinh tế. Quản trị số là quản trị quốc gia, sử dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, từ giám sát, quyết định dựa trên dữ liệu, hay như việc thực thi trợ lý ảo cho cán bộ công chức để quản trị số.
NHỮNG BẤT CẬP VÀ CÁCH TIẾP CẬN MỚI
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, kinh tế số Việt Nam vẫn còn những bất cập và thách thức.
Thứ nhất, chuyển đổi số toàn dân toàn diện nhưng cũng cần phải đột phá, do vậy rất cần những dự án, đề án đột phá dẫn dắt và khơi thông tạo động lực cho phát triển kinh tế số. Nhưng trong thực tế vẫn đang còn thiếu những dự án, đề án kiểu này.
Thứ hai, việc kết nối chia sẻ mở dữ liệu còn hạn chế, chưa thực tiễn chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Không có dữ liệu thì sẽ không có chuyển đổi số, không có quản trị số...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 23-2024 phát hành ngày 03/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam