Lao động của hơn 38.200 đơn vị được xác nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ
Tính đến hết ngày 17/9, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận danh sách cho hơn 1,2 triệu lao động của trên 38.200 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng…
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa thông tin về kết quả triển khai Nghị quyết số 68 của Chính phủ (gói 26.000 tỷ đồng) và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ tới người lao động và người sử dụng lao động liên quan đến chính sách bảo hiểm.
Tính đến hết ngày 17/9, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận danh sách cho 1.212.780 lao động của 38.242 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 62/63 tỉnh, thành phố.
Trong đó gồm: 945.559 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 35.045 đơn vị; 152.817 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 2.136 đơn vị.
Có 1.293 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 14 đơn vị; 53.745 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của 690 đơn vị, được người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc.
Ngoài ra, có 37.777 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất và 21.589 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) của 160 đơn vị.
Đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 552 đơn vị với 97.840 lao động tại 51 tỉnh, thành phố, số tiền tạm dừng đóng là 674 tỷ đồng.
Liên quan đến chính sách bảo hiểm, tại Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 ban hành hôm 9/9, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, cơ quan khẩn trương trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các đối tượng sử dụng lao động khác. Việc này hoàn thành trong tháng 9/2021.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 theo quy định, cũng hoàn thành trong tháng 9.
Cùng với đó, Chính phủ cũng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm rà soát, sửa đổi các quy định về bảo hiểm y tế theo hướng cho phép bảo hiểm y tế được thanh toán các hoạt động khám chữa bệnh từ xa có thu phí, trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 9.
Với nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 105, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, sẽ chủ động tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện đảm bảo đúng người, đúng đối tượng, đúng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng như bình đẳng giữa những đơn vị trong cùng địa bàn.