Lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính đất liền và không gian biển của Hà Nội, Hải Phòng và 9 tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình...
Quyết định nêu rõ việc lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch;
Lập quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng bảo đảm khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trên cơ sở kết nối các địa phương trong vùng; Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội, môi trường với bảo đảm quốc phòng an ninh, củng cố vững chắc an ninh nội địa, bảo đảm công tác phòng thủ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển;
Bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ vùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của vùng;
Đồng thời, Quy hoạch đặt mục tiêu bảo đảm giảm thiểu các tác động tiêu cực do kinh tế - xã hội, môi trường gây ra đối với sinh kế của cộng đồng dân cư. Quá trình lập quy hoạch cần kết hợp với các chính sách khác để thúc đẩy phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn và bảo đảm sinh kế bền vững của người dân.
Về mục tiêu, quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng là công cụ quản lý của nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực của quốc gia để phát triển đất nước nhanh và bền vững; là cơ sở để lập Quy hoạch các tỉnh trong vùng;
Xác định các mục tiêu phát triển, các định hướng và giải pháp bố trí không gian phát triển kinh tế - xã hội hợp lý nhằm giải quyết các vấn đề xung đột giữa các ngành, lĩnh vực trên địa bàn vùng khi hoạch định phương án phát triển của từng ngành, từng địa phương trong mối quan hệ liên ngành, liên vùng. Xác định các ngành có lợi thế của vùng, mục tiêu, phương án và bố trí không gian phát triển các ngành, đảm bảo khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng;
Xây dựng không gian phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trên cơ sở kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng, gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, địa phương trong vùng.
Đồng thời, quy hoạch phải hướng tới phát triển vùng đồng bằng sông Hồng bền vững trên các trụ cột: phát triển kinh tế - bảo đảm an sinh xã hội - bảo vệ môi trường, di sản văn hóa; phát triển bền vững trong dài hạn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh;
Xây dựng được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thống nhất giữa các địa phương trong vùng, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của các địa phương trong vùng và của quốc gia.
Cũng tại quyết định này, lãnh đạo Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ trong việc tổ chức lập hợp phần quy hoạch tích hợp vào quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.Trong đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư được giao lập quy hoạch hợp phần lãnh thổ, bao gồm: Phương hướng và tổ chức không gian phát triển các hành lang, cực tăng trưởng và liên kết vùng; Phương hướng và tổ chức không gian phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp vùng; Phương hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành kinh tế biển vùng;
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập quy hoạch Phương hướng và tổ chức không gian phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia trên địa bàn vùng; Bộ Công Thương lập Phương hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành công nghiệp vùng;
Bộ Xây dựng được giao lập phương hướng và tổ chức không gian phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, hạ tầng xử lý chất thải vùng; Bộ Khoa học & Công nghệ lập phương hướng phát triển và tổ chức không gian hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vùng; Bộ Giao thông Vận tải lập phương hướng và tổ chức không gian phát triển hệ thống giao thông vùng…