Lỗ bê bết, RIC có gì mà "đu trần" liên tiếp 30 phiên?
Đang nằm trong diện bị kiểm soát, kinh doanh bết bát nhưng RIC lại lập kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" khi tăng trần 30 phiên liên tiếp và diễn biến này vẫn chưa dừng lại
Trong 30 phiên tăng trần vừa qua, dù giá kịch trần song RIC thường trắng bên bán. Mỗi phiên, lượng cổ phiếu khớp lệnh dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đơn vị, tuy nhiên cũng có những phiên chỉ có vài nghìn cổ phiếu được khớp.
Số lệnh mua cao gấp nhiều lần lệnh bán với khối lượng dư mua hàng ngày đều ở mức hàng trăm nghìn đơn vị. Chỉ trong 1 tháng, thị giá của RIC từ nhóm cổ phiếu trà đá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu đã tăng lên hơn 35.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, dù đã tăng trần liên tục hơn 30 phiên nhưng đến nay RIC chưa hề có công văn giải trình về vấn đề này.
Trong khi cổ phiếu này đu đỉnh liên tục thì trên thực tế, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp lại không hề sáng sủa.
Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia (RIC) hoạt động dựa trên việc kinh doanh trò chơi có thưởng dành riêng cho người nước ngoài ở Câu lạc bộ Quốc tế Hoàng Gia (Casino Royal Hạ Long) và cho thuê phòng, các dịch vụ liên quan cùng hoạt động kinh doanh múa rối nước ở Khu khách sạn - biệt thự Hoàng Gia tại phường Bãi Cháy, Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
RIC thường xuyên rơi vào tình trạng thua lỗ. Từ năm 2013 đến nay, cứ 2 năm báo lỗ RIC mới có một năm ghi lãi.
Nối tiếp năm 2019 thua lỗ hơn 72 tỷ, RIC lại tiếp tục lỗ ròng hơn 81 tỷ trong năm 2020. Kết quả này được giải trình do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid, công ty dù cắt giảm nhân công, tiết kiệm chi phí cũng không đủ để bù đắp cho việc sụt giảm doanh thu.
Tuy nhiên, dù trong năm đại dịch với việc hạn chế người nước ngoài, câu lạc bộ của RIC lại có lỗ gộp giảm nhẹ so với năm ngoái. Năm 2020, doanh thu thuần của câu lạc bộ đạt 70,2 tỷ đồng, giảm 28% so với năm 2019 tuy nhiên nhờ chi phí giảm nên lỗ gộp chỉ ở mức 53 tỷ đồng, giảm so với khoản lỗ 92 tỷ năm trước.
Trong khi đó, ở hạng mục cho thuê biệt thự, khách sạn, trong năm 2019 công ty vẫn lãi hơn 23 tỷ đồng thì năm nay ghi lỗ 25,9 tỷ do doanh thu sụt giảm mạnh gần 60%.
Do đó, tổng lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của RIC tính đến cuối năm 2020 đã ở mức 282,5 tỷ đồng. Cùng bởi tình hình bê bết, RIC đã không trả cổ tức từ năm 2012 đến nay.
Những thông tin không mấy tích cực về tình hình tài chính của RIC cho thấy nhu cầu mua bán ở giá cao của mã này không xuất phát từ những nhà đầu tư dài hạn theo trường phái phân tích cơ bản.
Dù số lượng cổ phiếu lưu hành là 70,3 triệu đơn vị song RIC chỉ mới đang niêm yết 28,7 triệu cổ phiếu.
Được biết, chủ sở hữu RIC (công ty mẹ) là Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Khải Tiệp, thành lập tại George Town, Đảo Grand Cayman, Quần đảo Cayman. Công ty này đang nắm giữ 52,4% cổ phần của RIC.
Ngoài cổ đông lớn này, các cổ đông lớn khác của RIC đều là các cá nhân trong bộ máy lãnh đạo công ty. Giao dịch người nội bộ của RIC trong năm vừa qua cũng rất hạn chế, duy chỉ có ông Nguyễn Khởi Phát (Juan,Chi Fa - Đài Loan) thực hiện mua tăng tỷ lệ sở hữu từ 2,68% lên 3,27%.
Hiện Hội đồng quản trị của RIC có 6 thành viên thì có tới 3 thành viên có quan hệ thân thích. Bà Nguyễn Tiểu Mai (Juan Hsiao Mei) - Chủ tịch HĐQT RIC đang nắm giữ trực tiếp 2,1 triệu cổ phiếu (3,07%) trong khi mẹ bà là bà Ngô Thu Mật (Wu Chiu Mi) nắm 2,2 triệu cổ phiếu (3,21%) và em trai là ông Nguyễn Khải Phát nắm 3,27% đều đang là thành viên HĐQT. Hai người này cũng đồng thời là thành viên HĐQT tại Công ty Cổ phần Quốc tế Lạng Sơn, nơi Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Khải Tiệp cũng nắm phần lớn cổ phần.