Lo Brexit, ngân hàng trung ương châu Á gấp rút hành động
Hôm nay là ngày giảm điểm tồi tệ nhất của chứng khoán Nhật trong 5 năm trở lại đây
Kết quả các cuộc kiểm phiếu trưng cầu dân ý tại Anh cho thấy cử tri nước này cuối cùng đã quyết định lựa chọn phương án Brexit - thuật ngữ ghép từ hai từ Britain (nước Anh) và exit (rời khỏi), được dùng để chỉ việc Anh rời khỏi EU.
Điều này lập tức gây chấn động các thị trường tài chính châu Á.
Cổ phiếu trên các thị trường đồng loạt bị bán tháo mạnh. Trên thị trường Nhật, chỉ số Nikkei 225 giảm 1.322 điểm tương đương 8,12%, xuống 14.919,50 điểm.
Hôm nay là ngày giảm điểm tồi tệ nhất của chứng khoán Nhật trong 5 năm trở lại đây.
Cổ phiếu các công ty xuất khẩu lớn của Nhật giảm mạnh khi đồng Yên tăng giá quá cao, có lúc hơn 3%. Trong phiên giao dịch, đã có lúc đồng Yên tăng giá lên 99 Yên/USD, cao nhất từ tháng 11/2013.
Cổ phiếu của các công ty Nhật có hoạt động kinh doanh tại Anh rớt thảm. Cổ phiếu Hitachi giảm 11,18%, cổ phiếu công ty quảng cáo Dentsu giảm 8,9%, cổ phiếu hãng ôtô Nissan mất 8,40%.
Tại thị trường Hồng Kông, tâm lý hoảng sợ về những tác động kinh tế của Brexit khiến chỉ số Hang Seng giảm 4,65% xuống 19.891,90 điểm. Cổ phiếu ngân hàng HSBC mất 9% giá trị, cổ phiếu ngân hàng Standard Chartered giảm 9,56%.
Tạị trường Úc, Chỉ số S&P/ASX 200 giảm 3,34% xuống 5.104,20 điểm.
Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 22,43 điểm tương đương 1,1%.
Việc đồng Yên tăng giá quá nhanh đã khiến Bộ Tài chính Nhật lập tức phải triệu tập cuộc họp khẩn ngay hôm nay để bàn hướng ứng phó.
Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật, ông Haruhiko Kuroda, nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 đã có những thỏa thuận hoán đổi tiền tệ để hỗ trợ thanh khoản trong trường hợp cần thiết. Trong buổi họp chính sách vào giữa tháng 7 sắp tới, dự kiến Ngân hàng Trung ương Nhật sẽ tiếp tục phải nới lỏng tiền tệ để cứu nền kinh tế.
Không chỉ tại Nhật, người đứng đầu ngân hàng trung ương nhiều nước châu Á cũng đã cam kết hành động kịp thời để hỗ trợ thị trường tài chính.
Các ngân hàng trung ương Ấn Độ và Hàn Quốc được cho là đã tung ra một số biện pháp để cứu giá đồng nội tệ. Tại châu Âu, Đan Mạch được cho là cũng đã hành động tương tự.
Một số ý kiến dự báo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng sẽ sớm hành động, có thể sẽ là hỗ trợ tỷ giá đồng Nhân dân tệ hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng thương mại.