Loạt cổ phiếu blue-chips giảm sâu, VN-Index lùi sát ngưỡng 1.100 điểm
Áp lực bán hạ giá đã tăng lên đáng kể trong phiên cuối tuần, nhất là từ sau 2h khi lượng hàng ngắn hạn mới về. Cổ phiếu VN30 giảm rất sâu, trong 10 mã vốn hóa lớn nhất của VN-Index có tới 7 mã giảm trên 1%. Chỉ số đóng cửa giảm 1,1% với số mã giảm giá nhiều gấp gần 3 lần số tăng...
Áp lực bán hạ giá đã tăng lên đáng kể trong phiên cuối tuần, nhất là từ sau 2h khi lượng hàng ngắn hạn mới về. Cổ phiếu VN30 giảm rất sâu, trong 10 mã vốn hóa lớn nhất của VN-Index có tới 7 mã giảm trên 1%. Chỉ số đóng cửa giảm 1,1% với số mã giảm giá nhiều gấp gần 3 lần số tăng.
VN-Index cũng đóng cửa ở mức thấp nhất phiên, chỉ còn 1.101,68 điểm. Độ rộng nghi nhận 148 mã tăng/417 mã giảm, trong đó 141 mã giảm hơn 1%. VN30-Index giảm sâu nhất trong các chỉ số vốn hóa, mất 1,24% giá trị, độ rộng chỉ còn 3 mã tăng/27 mã giảm.
Nhóm blue-chips gây áp lực lên thị trường là không bất ngờ, vì hôm qua chỉ số VN30-Index đã yếu hơn hẳn. Phiên này dù VN-Index có lúc còn tăng, nhưng VN30 chỉ chớm chạm tới tham chiếu đã quay đầu giảm. Suốt phiên, độ rộng của rổ blue-chips luôn áp đảo ở phía giảm.
VCB đang là cổ phiếu tác động xấu nhất lên VN-Index khi giảm 2,16%. Hôm qua trụ này cũng đã giảm 1,8%. Nhóm ngân hàng nói chung rất kém, trong tất cả 27 mã ở các sàn thì chỉ 3 mã còn tăng là SGB tăng 1,47%, OCB tăng 0,73%, HDB tăng 0,53%. Trong số này SGB giao dịch không đáng tin cậy vì chỉ có 3 lệnh được khớp trị giá 65 triệu đồng và chỉ có dư mua giá đỏ.
Tới 14 cổ phiếu ngân hàng đang giảm trên 1%, bao gồm cả nhiều blue-chips như VPB giảm 2,25%, VCB giảm 2,16%, MBB giảm 1,91%, BID giảm 1,52%, TCB giảm 1,43%. 4 mã trong số này thuộc nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường. Ngoài ra các trụ VHM giảm 1,4%, GAS giảm 1,63%, VNM giảm 1,56% cũng có ảnh hưởng rất lớn.
Cả rổ VN30 có 27 mã đỏ thì 20 mã giảm trên 1% và nhóm này chiếm toàn bộ 10 vị trí hàng đầu khiến VN-Index mất điểm. Phía tăng quá ít và quá yếu, khiến chỉ số phải phụ thuộc vào các mã “ít tên tuổi” như PGV, LGC, GEX, POW…
Thị trường chiều nay xuất hiện lực bán hạ giá rất rõ, hai sàn khớp khoảng 13.394 tỷ đồng, tăng 75% so với giao dịch buổi sáng. Mức thanh khoản tăng cao này là do bên bán thoát hàng mạnh tay hơn. Sức ép đẩy giá xuống sâu hơn là khá rõ, khi VN-Index đóng cửa có 141 mã giảm trên 1% trong khi buổi sáng mới có gần 100 mã. Rổ VN30 cũng phản ánh sức ép này, với thanh khoản buổi chiều cao hơn buổi sáng tới 93% và 21/30 cổ phiếu tụt giá sâu hơn.
Sàn HoSE hôm nay có 51 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng thì 35 mã giảm giá. Dẫn đầu với thanh khoản rất cao và mức giảm lớn là PVT, VPB, MWG, EIB, VCB, MBB, NVL, DCM… Phía tăng tích cực có TCH, PC1, HAG, GEX, DXG, CTD, POW.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay duy trì vị thế bán ròng phiên thứ 3 liên tiếp ở HoSE khi tiếp tục rút đi 235,3 tỷ đồng ròng nữa. Bán lớn nhất là chứng chỉ quỹ FUESVFL -234,8 tỷ, VCB -57,8 tỷ, VNM -45,8 tỷ, VHM -41,4 tỷ, KDH -29 tỷ, VCI -25,3 tỷ. Phía mua ròng có STB +43,1 tỷ, TPB +29,8 tỷ, FUEVFVND +29 tỷ, GMD +24,9 tỷ, HDB +23,8 tỷ, DGC +23,4 tỷ, BMP +21,5 tỷ, PC1 +21,1 tỷ. Như vậy tuần này khối ngoại đã rút ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên HoSE.
Áp lực bán hạ giá tăng lên và tạo sức ép khiến thị trường sụt giảm ở cả chỉ số lẫn cổ phiếu là điều không có gì bất ngờ. Với biên độ lợi nhuận ngắn hạn gần chục phiên gần đây khá tốt, nhà đầu tư dễ đi đến hành động hiện thực hóa. Đây là một nghịch lý vì khi nhà đầu tư có lãi, tâm lý lại rất dễ dao động khi lợi nhuận bị thu hẹp. Hôm qua một bộ phận thị trường đã điều chỉnh dù VN-Index vẫn tăng nhẹ. Hôm nay nhu cầu chốt lời nhiều hơn do là phiên cuối tuần.
Phía ngược lại, thị trường cũng mới xuất hiện thanh khoản cao trong 3 phiên gần nhất, nghĩa là rất nhiều nhà đầu tư chưa kịp mua hoặc mới mua phần nhỏ. Khi giá giảm nhóm này có cơ hội hành động. Vì vậy lực đỡ sẽ tiếp tục xuất hiện ở vùng giá thấp trong những phiên tới.