Lợi nhuận doanh nghiệp trên HoSE dự báo “nhảy vọt” trong năm 2021
VinaCapital dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE sẽ giảm bình quân 12% trong năm 2020 nhưng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2021 với hơn 28%
Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital nhấn mạnh, trong trung và dài hạn, dòng tiền lớn của các tổ chức nước ngoài sẽ tìm về Việt Nam, quan trọng khi đó Việt Nam có "hàng" để các nhà đầu tư mua hay còn "room" cho họ tham gia hay không.
KHẢ NĂNG HỒI PHỤC CỦA VIỆT NAM VƯỢT TRỘI KHU VỰC
Chia sẻ bên lề Hội nghị thường niên các Nhà đầu tư năm 2020 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, các nhà lãnh đạo của Tập đoàn VinaCapital thể hiện sự lạc quan về tương lai của Việt Nam. Chủ đề chính của kỳ họp thường niên năm nay "Sự hồi phục của Việt Nam - Việt Nam đã mở cửa trở lại", VinaCapital đánh giá khả năng hồi phục trưởng GDP của Việt Nam vượt trội so với khu vực (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan).
"Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng. Thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát tốt các đợt bùng phát đại dịch Covid – 19 đã giúp Việt Nam nhanh chống hồi phục và trên thực tế, được dự đoán là một trong số ít các quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020" – ông Don Lam, Đồng sáng lập, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho biết.
Cùng quan điểm trên, ông Andy Ho cho rằng, sự ổn định về chính trị và xã hội đã giúp Chính phủ Việt Nam phòng chống dịch Covid – 19 thành công và hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn trong ngắn hạn. Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn bất chấp những diễn biến của thế giới.
Năm 2020, Việt Nam được dự báo sẽ đạt được mức tăng trưởng GDP khoảng 3%, trong bối cảnh các nước tương đồng trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan dự báo tăng trưởng âm.
Hơn nữa, năm nay, vĩ mô của Việt Nam ổn định hơn những năm trước với: (i) tỷ giá hối đoái ít biến động, tiền VNĐ so với USD khá ổn định, được hỗ trợ bởi dự trữ ngoại hối cao kỷ lục 92 tỷ USD ở thời điểm cuối tháng 8/2020 và thặng dư thương mại lớn gần 17 tỷ USD; (ii) Lãi suất đang đi xuống ở cả chiều cho vay lẫn chiều huy động; (iii) lạm phát ở mức thấp và không còn nhiều quan ngại.
Trong khi đó, về dài hạn, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tăng trưởng cao nhờ tăng trưởng tiêu dùng trong nước, sự phục hồi của ngành sản xuất, làn sóng FDI tiếp theo.
Tổng hợp báo cáo của nhiều tổ chức uy tín như UBS, Standard Chartered, Amcham China, Bloomberg, JETRO, McKinsey cho thấy, hiện hơn 20% các cơ sở sản xuất của các công ty nước ngoài đặt tại Trung Quốc sẽ dịch chuyển trong 5 -10 năm tiếp theo. 80% người tiêu dùng Hoa Kỳ không muốn mua sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Ở thái cực khác, Covid -19 đã thúc đẩy việc dịch chuyển các cở sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
"Việt Nam là địa điểm đến được lựa chọn hàng đầu" – các nhà phân tích của VinaCapital nhận định. Bởi Việt Nam hiện có lực lượng lao động chất lượng cao chi phí hợp lý, vị trí địa lý gần chuỗi cung ứng của châu Á, khả năng kiểm soát dịch bệnh nói chung và Covid – 19 nói riêng của Việt Nam.
CÁC DÒNG TIỀN LỚN SẼ TÌM VỀ VIỆT NAM
Trong nhiều tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, theo VinaCapital so với các nước khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, mức độ rút vốn ở Việt Nam là rất nhỏ bé. Hơn nữa, việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua một phần đến từ các nhà đầu tư cá nhân vì nhu cầu rút vốn để giải quyết những khó khăn do dịch Covid – 19 gây ra; phần còn lại là chốt lời.
"Các nhà đầu tư tổ chức ngoại vẫn còn rất nhiều tiền, bằng chứng là ở Việt Nam, các nhà đầu tư tổ chức đã đổ vào Vinhomes số tiền lớn trong thời điểm thị trường gặp khó vì dịch Covid -19" – ông Andy Ho chia sẻ quan điểm.
Nhìn ra thế giới, việc các nhà đầu tư đang sẵn sàng để tham gia vào IPO Ant Group – kỳ vọng sẽ huy động ít nhất 34,5 tỷ USD cho thấy, các nhà đầu tư tổ chức không bị áp lực dòng tiền và họ vẫn đang tìm kiếm kênh đầu tư.
Trong trung và dài hạn, dòng tiền lớn của các tổ chức nước ngoài sẽ tìm về Việt Nam, quan trọng khi đó Việt Nam có "hàng" để các nhà đầu tư mua hay còn "room" cho họ tham gia hay không
Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital
Năm 2020, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE được dự báo sẽ tăng trưởng âm, giảm khoảng 12% so với năm 2019. Tuy nhiên, VinaCapital dự báo các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng hồi phục sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới và sẽ đạt được mức tăng trưởng bình quân hơn 28% trong năm 2021, trong đó sẽ có nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng nhảy vọt.
Các ngành nghề được dự báo tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới là ngành vật liệu xây dựng (do hưởng lợi từ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, cầu sản phẩm bất động sản vẫn ở mức cao….); ngành tài chính ngân hàng (do được hỗ trợ bởi nhiều chính sách có lợi từ Chính phủ); ngành chăm sóc sức khoẻ; năng lượng và hàng tiêu dùng.