Lừa tiền trực tuyến gia tăng, ngân hàng hay mạng xã hội phải chịu trách nhiệm?
Căng thẳng đang leo thang giữa các ngân hàng và công ty thanh toán với các công ty truyền thông xã hội về việc ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân của các âm mưu lừa đảo trực tuyến...
Theo hãng tin CNBC, bắt đầu từ ngày 7/10, các ngân hàng sẽ phải bồi thường cho nạn nhân của các vụ lừa đảo thanh toán được ủy quyền (APP) với số tiền tối đa là 85.000 bảng Anh nếu những người bị ảnh hưởng bị lừa hoặc bị thao túng tâm lý buộc phải chuyển tiền.
Lừa đảo APP là một hình thức lừa đảo trong đó tội phạm cố gắng thuyết phục mọi người chuyển tiền cho chúng bằng cách mạo danh cá nhân hoặc doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ.
Khoản bồi thường 85.000 bảng có thể gây tốn kém cho các ngân hàng lớn và các công ty thanh toán. Tuy nhiên, con số này thực tế thấp hơn so với mức bồi thường bắt buộc 415.000 bảng mà Cơ quan Quản lý Hệ thống Thanh toán (PSR) của Vương quốc Anh đã đề xuất trước đó.
PSR đã phải rút lại đề xuất mức bồi thường tối đa cao do phản ứng gay gắt từ ngành, đặc biệt là từ Hiệp hội Thanh toán (Payments Association), cho rằng đây là một khoản tiền quá lớn để ngành dịch vụ tài chính có thể gánh vác.
Nhưng hiện tại, khi chính sách bồi thường bắt buộc đối với lừa đảo đang được triển khai tại Vương quốc Anh, câu hỏi được đặt ra là liệu các công ty tài chính có đang phải gánh phần lớn chi phí để giúp đỡ các nạn nhân của lừa đảo hay không.
Mới đây, ngân hàng số Revolut có trụ sở tại London đã cáo buộc Meta không đáp ứng đủ yêu cầu để giải quyết nạn lừa đảo trên toàn cầu. Chủ sở hữu của Facebook đã công bố quan hệ đối tác vào đầu tuần này với các ngân hàng NatWest và Metro Bank tại Vương quốc Anh để chia sẻ thông tin tình báo về hoạt động lừa đảo diễn ra trên các nền tảng của mình.
Woody Malouf, trưởng bộ phận phòng chống tội phạm tài chính của Revolut, cho rằng Meta và các nền tảng mạng xã hội khác nên đóng góp chi phí bồi thường cho các nạn nhân bị lừa đảo và việc họ không chia sẻ trách nhiệm trong việc này đồng nghĩa với việc "họ không có động lực để làm bất cứ điều gì".
Lời kêu gọi của Revolut yêu cầu các nền tảng công nghệ lớn bồi thường cho những người bị lừa đảo trên các trang web và ứng dụng của họ “không phải là mới”.
MẠNG Xà HỘI - “MIỀN TÂY HOANG DÔ CỦA VẤN NẠN LỪA ĐẢO TRỰC TUYẾN
Căng thẳng giữa các ngân hàng và các công ty công nghệ đã tăng cao trong một thời gian dài. Lừa đảo trực tuyến đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây do sự bùng nổ trong việc sử dụng các nền tảng số để thanh toán và mua hàng trực tuyến.
Vào tháng 6, Financial Times đưa tin chính phủ Anh đã soạn thảo các đề xuất buộc các công ty công nghệ phải bồi thường cho các nạn nhân của các vụ lừa đảo bắt nguồn từ nền tảng của họ. Hiện chưa rõ liệu chính phủ có kế hoạch yêu cầu các công ty công nghệ phải trả tiền bồi thường cho các nạn nhân của lừa đảo APP hay không.
Riccardo Tordera, giám đốc chính sách và quan hệ chính phủ của tổ chức ngành Payments Association, nói rằng với số lượng lớn các vụ lừa đảo xảy ra trên mạng xã hội, việc các công ty công nghệ không chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân là "không thể chấp nhận được."
"Các nền tảng mạng xã hội vẫn là miền Tây hoang dã cho hành vi lừa đảo, và các thành viên của chúng tôi kêu gọi những người có trách nhiệm cần tăng cường tốc độ thực hiện các quy định để ngăn chặn các hành vi lừa đảo”, ông Tordera cho biết.
Matt Akroyd, một luật sư tranh tụng thương mại nói rằng sau chiến thắng trong việc giảm giới hạn bồi thường tối đa cho lừa đảo APP xuống còn 85.000 bảng, các ngân hàng "sẽ nhận thêm lợi thế nếu những nỗ lực của họ nhằm thuyết phục chính phủ đặt một phần trách nhiệm pháp lý lên các công ty công nghệ cũng thành công."
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng cách thức thực hiện điều này rất phức tạp, có nghĩa là vấn đề này không có khả năng được giải quyết sớm.
Ở góc độ rộng hơn, các ngân hàng và cơ quan quản lý từ lâu đã kêu gọi các công ty mạng xã hội hợp tác nhiều hơn với các ngân hàng để giúp chống lại mối đe dọa lừa đảo ngày càng tăng và liên tục phát triển. Một yêu cầu quan trọng là các công ty công nghệ cần chia sẻ thêm thông tin chi tiết về cách tội phạm đang lợi dụng nền tảng của họ.
Tại một sự kiện của ngành tài chính Vương quốc Anh về chủ đề gian lận kinh tế vào tháng 3/2023, các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật đã nhấn mạnh về những hành động cần thiết mà các công ty truyền thông xã hội phải làm nhiều hơn nữa.
Phần lớn các vụ lừa đảo xuất phát từ các nền tảng mạng xã hội, Kate Fitzgerald, trưởng bộ phận chính sách của PSR, cho biết. Bà nhấn mạnh rằng cần có "sự minh bạch tuyệt đối" về nơi xảy ra lừa đảo để các cơ quan quản lý biết cần tập trung nỗ lực vào chỗ nào.
Các công ty mạng xã hội đang bị chỉ trích không có đủ hành động chống lại và ngăn chặn các nỗ lực lừa đảo người dùng internet.
Theo Rob Jones, tổng giám đốc Trung tâm Tội phạm Kinh tế Quốc gia, một đơn vị thuộc Cơ quan Tội phạm Quốc gia Vương quốc Anh, các công ty mạng xã hội quy mô lớn chưa gỡ bỏ các tài khoản nghi ngờ liên quan đến gian lận. Ông Jones cũng cho biết việc “phá vỡ tình trạng trì trệ” tại các công ty công nghệ để thực sự khiến họ hành động “rất khó khăn”.
CÁC CÔNG TY CÔNG NGHỆ KÊU GỌI “HỢP TÁC LIÊN NGÀNH”
Meta đã phản đối những ý kiến cho rằng họ nên chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân lừa đảo APP.
Trong bằng chứng bằng văn bản gửi tới một ủy ban quốc hội vào năm ngoái, gã khổng lồ mạng xã hội cho biết các ngân hàng tại Vương quốc Anh "quá tập trung vào việc chuyển trách nhiệm cho các ngành khác” và điều này "tạo ra môi trường thuận lợi cho những kẻ lừa đảo."
Meta cho biết họ có thể sử dụng thông tin trực tiếp từ các ngân hàng lớn thông qua sáng kiến Trao đổi Thông tin Tình báo Gian lận (FIRE) để giúp ngăn chặn gian lận và cải thiện hệ thống học máy và AI của mình. Meta kêu gọi chính phủ "khuyến khích nhiều sự hợp tác liên ngành như vậy."
Trong một tuyên bố mới đây, gã khổng lồ công nghệ nhấn mạnh rằng các ngân hàng, bao gồm cả Revolut, nên hợp tác với Meta trên nền tảng FIRE của họ để tạo điều kiện trao đổi dữ liệu giữa công ty và các ngân hàng lớn.
FIRE "được thiết kế cho phép các ngân hàng chia sẻ thông tin để chúng ta có thể hợp tác bảo vệ người dùng khi sử dụng các dịch vụ tương ứng của mình," một phát ngôn viên của Meta cho biết. "Gian lận là một vấn đề liên ngành chỉ có thể giải quyết bằng cách hợp tác."