Luật Điện lực (sửa đổi): Tạo lợi ích tổng hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân
Việc mua bán điện được thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, về vấn đề bồi thường khi có sự cố điện thì lại không mang tính chất thị trường… Luật điện lực cần quy định bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố điện…
Luật Điện lực được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 3/12/2004, có hiệu lực từ ngày 1/7/2005. Sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều (năm 2012, 2018, 2022 và năm 2023- trong đó lần sửa đổi năm 2023 về vấn đề giá điện mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 nên chưa đủ cơ sở để đánh giá thực tiễn thi hành) nhưng đến giai đoạn hiện nay vẫn còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được.
Do đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Dự thảo Luật điện lực đã (sửa đổi). Dự thảo bao gồm 9 chương với 119 điều, bám sát vào 6 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội và không bổ sung chính sách mới.
MỞ RỘNG THÊM NHIỀU DẠNG HỢP ĐỒNG
Tại hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)” mới đây, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, cho rằng dự thảo cần bổ sung khái niệm “Hợp đồng kỳ hạn” trên thị trường điện theo hướng thống nhất với khoản 2 Điều 64 Luật Thương mại năm 2005.
Đồng thời bổ sung khái niệm, các quy định về giao dịch “Hợp đồng quyền chọn” trên thị trường điện tại Chương V với kết cấu tương đồng như các quy định về “Hợp đồng kỳ hạn” tại Dự thảo Luật.
Lý giải kiến nghị này, ông Quang cho rằng xuất phát từ thực tiễn giao dịch của thị trường điện giao ngay và nhu cầu sử dụng các công cụ phòng ngừa, hạn chế rủi ro trước biến động liên tục của giá điện trong quá trình giao dịch, ngoài việc giao dịch thông qua “Hợp đồng kỳ hạn”, các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ còn có thể lựa chọn một loại công cụ khác có chức năng bảo hiểm, phòng ngừa rủi ro tương đương, được nhiều nước trên thế giới áp dụng và cũng đã được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đó là “Hợp đồng quyền chọn”.
Tương tự như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn là một công cụ bảo hiểm giá có vai trò, chức năng phòng ngừa, hạn chế rủi ro trước biến động liên tục của giá điện giao ngay và chi phí sản xuất không ổn định.
Theo chủ trương của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 do Ban chấp hành Trung ương ban hành, thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam đã được triển khai, phát triển qua hai giai đoạn, thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) và thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Ở các giai đoạn tiếp theo, cơ chế mua bán điện thông qua các hợp đồng phòng vệ rủi ro biến động giá được đặt ra nhằm thực hiện mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
“Nếu Dự thảo Luật chỉ quy định hợp đồng kỳ hạn mà không quy định thêm hợp đồng quyền chọn thì chưa đầy đủ các công cụ bảo hiểm giá, chưa thể triển khai một cách toàn diện mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh”, ông Dương Đức Quang nhấn mạnh.
Một số chuyên gia cũng cho rằng thị trường điện Việt Nam không nên hạn chế giao dịch mua bán điện tương lai ở một dạng hợp đồng duy nhất là hợp đồng kỳ hạn, mà cần phải mở rộng thêm nhiều dạng hợp đồng khác như hợp đồng quyền chọn.
Với mục tiêu tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, Dự thảo Luật điện lực cần có tính ổn định, bền vững nhất định, đồng thời cần bắt kịp với các thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.
CẦN CÓ QUY ĐỊNH BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI KHI XẢY RA SỰ CỐ ĐIỆN
Ở góc độ doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Bộ phận Đối ngoại và Trách nhiệm Xã hội, Công ty TNHH Canon Việt Nam, cho biết giá điện lâu nay thay đổi thường xuyên theo chiều hướng luôn tăng gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh vốn cần ổn định và đảm bảo tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thực tế hiện nay, công ty điện lực thường xuyên báo lỗ do các chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng. Tuy nhiên, việc sử dụng các chi phí này có hợp lý hay không, cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm toán các chi phí này; nỗ lực cho việc giảm tổn thất điện năng có được thực hiện thường xuyên, triệt để hay không… cần phải có những quy định rõ ràng hơn cho ngành điện.
Do đó, bà Huyền đề xuất cần quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định. Quy định rõ những cơ quan nhà nước nào có trách nhiệm thường xuyên thực hiện kiểm toán và tư vấn quản trị, giám sát kiểm tra cho ngành điện lực nhằm giúp hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả và đảm bảo giá điện được ổn định, cạnh tranh.
Đồng thời cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của ngành điện và các bên liên quan trong việc phân phối điện ổn định. Bởi theo đại diện Canon, ngành công nghiệp sản xuất chế biến cũng như dịch vụ ở Việt Nam đang phát triển mạnh và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Đặc biệt khi chính phủ Việt Nam đang có chiến lược phát triển ngành bán dẫn, là những ngành tiêu dùng điện lớn, vì vậy đòi hỏi việc cung cấp điện phải ổn định, hầu như không cho phép sai số.
Hơn nữa, Luật cũng cần quy định bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố điện. Việc mua bán điện được thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, về vấn đề bồi thường khi có sự cố điện thì lại không mang tính chất thị trường. “Mọi rủi ro khi sự cố điện xảy ra doanh nghiệp đều phải tự gánh chịu hậu quả trong khi hầu hết các trường hợp mất điện không phải do doanh nghiệp gây ra cũng không phải vì sự cố hay bất khả kháng mà xuất phát từ phía điện lực, hoặc từ bên thứ 3”, bà Huyền nói.
Vì vậy, đại diện Canon cho rằng cần bổ sung quy định về một cơ quan độc lập với ngành điện có trách nhiệm xác định nguyên nhân và ngành điện có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố điện không do khách hàng hay trường hợp sự cố bất khả kháng.
Đồng thời, Luật cần có các quy định nhằm giảm tỷ lệ tổn thất điện năng. Bởi tỷ lệ tổn thất điện năng của Việt Nam (6,15% năm 2023) vẫn cao hơn 1 số quốc gia như Trung quốc 4,5% (2023), Malaysia 6,07% (2022), Hàn Quốc 3,37% (2023), Nhật Bản 4% (2022).