Lực chốt ngắn hạn giảm, cổ phiếu hàng hóa lại thăng hoa
Tâm lý dò đỉnh ở nhóm cổ phiếu hàng hóa tăng tốt thời gian qua đã tạo nên những phiên rung lắc điều chỉnh liên tục. Tuy vậy một khi động lực hỗ trợ mang tính cơ bản vẫn còn, xu hướng vẫn sẽ tiếp tục. Chiều nay đồng loạt các cổ phiếu than, thép, dầu khí, phân bón tiếp tục tăng cực mạnh...
Tâm lý dò đỉnh ở nhóm cổ phiếu hàng hóa tăng tốt thời gian qua đã tạo nên những phiên rung lắc điều chỉnh liên tục. Tuy vậy một khi động lực hỗ trợ mang tính cơ bản vẫn còn, xu hướng vẫn sẽ tiếp tục. Chiều nay đồng loạt các cổ phiếu than, thép, dầu khí, phân bón tiếp tục tăng cực mạnh.
Bối cảnh thế giới hôm nay không khác nhiều hôm qua và diễn biến phục hồi của nhóm cổ phiếu hàng hóa tiếp tục xác nhận các đợt bán thuần túy chốt lời ngắn hạn là nguyên nhân khiến giá giảm. Khi lực bán ngắn hạn giảm, dòng tiền lại vào mua và đẩy giá lên tiếp.
Cổ phiếu dầu khí phiên chiều xuất hiện những đợt tăng giá rất mạnh. Dĩ nhiên không phải cổ phiếu nào cũng có thể tăng hết biên độ, nhưng nếu nhìn từ phiên lao dốc hôm qua, rõ ràng dòng tiền mới lại đang vào thay thế những nhà đầu tư đã hài lòng với lợi nhuận ngắn hạn.
Trong nhóm blue-chips, GAS có một nhịp tăng bùng nổ ngay đầu phiên chiều. Giá tăng vọt lên 125.200 đồng, trên tham chiếu 3,73% trước khi tụt nhẹ trở lại. Kết phiên GAS tăng 1,24%. PLX cũng tăng tương tự GAS thậm chí là cùng nhịp, giá cao nhất tăng 4,24% trước khi tụt xuống, còn tăng 2,77% cuối ngày. Nhóm dầu khí nhỏ hơn cũng tăng cực tốt: PTV, PEQ, PVO, PVB, PVC, PSH kịch trần, POV, PSN, PVD tăng trên 6%.
Nhóm phân bón có NFC, BFC cũng kịch trần, PSW, DCM, DPM, CSV, PSE, VAF tăng trên 4%... Nhóm than khoáng sản có BMJ, SQC, TDN, BKC, KVC kịch trần và khoảng chục mã khác tăng trên 5%...
Rõ ràng là xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản trên toàn thế giới không thể vì vài phiên chốt lời mà thay đổi được. Đặc biệt khi căng thẳng địa chính trị đi kèm với những lệnh trừng phạt lẫn nhau là điều rất khó tháo gỡ trong một thời gian dài. “Cuộc chiến thể diện” còn khó xuống thang hơn cả “cuộc chiến nóng”.
Ngoài diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản, thị trường chiều nay nhìn chung cũng có cải thiện. Tín hiệu dễ thấy nhất là độ rộng tốt hơn nhiều, với 209 mã tăng/245 mã giảm ở HoSE. Chốt phiên sáng sàn này mới có 142 mã tăng/310 mã giảm. VN-Index kết phiên tăng vừa đủ 0,03 điểm để có màu xanh.
Bất lợi lại bất ngờ xuất hiện ở rổ blue-chips VN30 với nhiều blue-chips suy yếu. Đáng kể nhất là MSN đột ngột rơi cực nhanh ngay khi bước vào phiên giao dịch. Giá từ 158.400 đồng cuối phiên sáng bổ nhào xuống 154.400 đồng, tức là giảm gần 2,6% một nhịp, trước khi nảy lên. Kết phiên MSN vẫn giảm 2,08%. Cổ phiếu này bị khối ngoại xả nhiều, riêng buổi chiều đạt khoảng -45,1 tỷ đồng. Tính chung lượng bán của khối này chiếm 65% tổng thanh khoản. Biến động mạnh của MSN là lý do khiến VN30-Index tụt giảm chiều nay, đóng cửa giảm nhẹ 0,06% so với tham chiếu.
Cổ phiếu kéo điểm tốt nhất đối với VN-Index hôm nay vẫn là VCB, nhưng thực tế mã này đã “vô lực” trong buổi chiều. Giá không tăng thêm được, thậm chí còn có một nhịp rung lắc mạnh lúc 2h15. Do đó chỉ số này được duy trì chủ yếu do đà phục hồi của các blue-chips khác, trong đó có dầu khí (GAS, PLX), thép (HPG), phân bón (DPM, DCM) cùng cả trăm cổ phiếu khác đảo chiều tăng thành công.
Lực cầu trong nước cũng là động lực chính nâng giá cổ phiếu, khi khối ngoại đã tăng bán rất mạnh. Riêng chiều này khối ngoại xả thêm lượng cổ phiếu trị giá tới 1.274 tỷ đồng, đẩy mức bán ròng cả ngày tại HoSE lên 1.068,5 tỷ đồng, trong khi hết phiên sáng mới bán ròng 267,4 tỷ đồng.
Blue-chips là nhóm bị gây áp lực nhất từ dòng vốn ngoại khi mức bán ròng tại đây tới gần 700 tỷ đồng. HPG bị bán ròng 151,5 tỷ, VNM -102 tỷ, VHM -87 tỷ, MSN -82 tỷ là những cổ phiếu đáng chú ý nhất.
Thanh khoản phiên chiều duy trì khá lớn ở sàn HoSE với gần 12 ngàn tỷ đồng. Các cổ phiếu thép (HPG, HSG, NKG), dầu khí phân bón hóa chất (PVD, DPM, DCM, DGC) là những mã nằm trong nhóm thu hút dòng tiền mạnh nhất. Cổ phiếu ngân hàng lại có một phiên thanh khoản rất tệ. Tất cả các mã nhóm này trên HoSE chỉ giao dịch được gần 3.487 tỷ đồng, giảm 22% so với hôm qua và thấp nhất 14 phiên và cũng là lần đầu tiên trong 14 phiên khớp dưới ngưỡng 4.000 tỷ đồng.