Lý do thị trường xe máy truyền thống ngày càng sụt giảm
Thị trường xe máy đang có xu hướng thu hẹp dần qua từng năm. Các chuyên gia nhận định, có 3 yếu tố tạo đà sụt giảm, bao gồm: chính sách của Chính phủ, giai đoạn ô tô hóa và xu hướng sử dụng phương tiện “xanh”.
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM), doanh số bán hàng quý IV/2023 là 681.963 xe, tăng 11,68% so với quý III và giảm 18,03% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế cả năm 2023, tổng doanh số bán hàng đạt 2.516.212 xe, giảm 16,21% so với năm 2022. Số liệu này chưa bao gồm doanh số xe máy điện VinFast và các hãng xe khác không công bố thông tin như Pega, Dibao, Yadea, KTM Việt Nam, Kawasaki, Royal Enfield, Harley-Davidson, Ducati, Triumph... và xe xuất khẩu.
Tính chung 6 năm gần đây, doanh số bán hàng của 5 hãng xe thành viên VAMM đang giảm dần đều, từ mức 3,3 triệu xe (năm 2018) xuống còn 2,5 triệu xe (năm 2023). Chỉ duy nhất năm 2022 ghi nhận doanh số tăng trưởng dương do nhu cầu đi lại tăng đột biến sau đại dịch Covid-19 và GDP cả nước đạt 8,02%, cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Về thị phần, Honda vẫn là nhà sản xuất xe máy lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 83% thị phần xe máy trong nước. Thị phần của các hãng xe còn lại như Piaggio Việt Nam, Việt Nam Suzuki, SYM Việt Nam và Yamaha Motor Việt Nam vẫn tương đối ổn định. Điều này cho thấy, dù doanh số giảm sâu, các hãng xe lớn nhất thị trường chỉ bị giảm lãi chứ chưa đến mức “báo động”.
Để giảm thiểu rủi ro, nhiều hãng xe đã thực hiện giảm sản lượng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 12/2023, các doanh nghiệp đã sản xuất khoảng 262.000 xe máy, giảm 13% so với tháng 11 và giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế cả năm 2023, sản lượng xe máy đạt 3.145.200 xe, giảm 12,6% so với năm 2022.
Để giải quyết lượng hàng tồn kho, các đại lý phân phối đã mạnh tay áp dụng các chương trình ưu đãi, giảm giá “sốc”, ngay cả đối với các mẫu xe ăn khách. Cụ thể, những ngày cuối tháng 12/2023, đầu tháng 1/2024, một số đại lý ủy quyền Honda ở TP.HCM giảm giá mẫu xe Vision xuống thấp hơn giá đề xuất của hãng. Trong đó, phiên bản Honda Vision tiêu chuẩn chỉ còn từ 30-31 triệu đồng. So với thời điểm sốt giá hồi tháng 6/2022, giá xe Honda Vision đã giảm từ 15-17 triệu đồng. Honda SH giảm từ 1,5-2,5 triệu đồng tùy phiên bản xuống còn 73,5-82,5 triệu đồng. Giá Honda SH Mode tại đại lý từng có thời điểm chênh hơn giá đề xuất của hãng đến 10 triệu đồng, nay chỉ còn chênh từ 500.000 đồng - 1,5 triệu đồng.
Ngược lại, các mẫu xe máy điện của VinFast lại đang ngày càng “hút khách”. Hãng xe này đã chuyển đổi phương thức công khai thông tin từ hàng tháng sang hàng quý. Cụ thể, doanh số xe máy điện VinFast quý I, quý II/2023 ổn định ở mức trên dưới 10.000 xe, nhưng đến quý III/2023 đã đạt 28.220 xe, tăng gấp 2,8 lần và tăng 213% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy, sự sụt giảm của thị trường xe máy dùng động cơ đốt trong truyền thống lại là cơ hội để các hãng xe máy điện phát triển và giành thị phần. Những lý do khiến lượng người tiêu dùng lựa chọn xe máy điện ngày càng tăng nhờ đổi mới trong thiết kế sản phẩm, khả năng chống nước, dung lượng pin và an toàn phòng cháy chữa cháy đang được cải thiện. Điểm trừ duy nhất là thời gian sạc pin khá lâu, thông thường phải cắm sạc qua đêm, khiến người dùng không thực sự yên tâm.
Hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầu của thời kỳ Motorization (ô tô hóa). Theo đó, dung lượng thị trường ô tô sẽ có vài năm tích lũy và bắt đầu nở rộ kể từ năm 2025. Cùng với sự phát triển đi lên của nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, nhiều gia đình Việt có xu hướng chuyển đổi dần phương tiện đi lại chính từ xe máy thành ô tô. Tại khu vực đô thị, xe máy dần trở thành phương tiện thứ hai để di chuyển gần nhà như đi học, đi chợ hoặc những cung đường nhỏ, hẹp. Thậm chí, một số gia đình đã quen với việc chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng ô tô.
Một số chuyên gia dự báo, thị trường xe máy truyền thống sẽ tiếp tục đà sụt giảm đến ngưỡng cân bằng. Sẽ không có thêm hãng xe mới gia nhập thị trường xe chạy xăng. 5 hãng xe lớn của VAMM, dù đã bắt đầu có kế hoạch phát triển dòng xe máy điện, nhưng vẫn tiếp tục duy trì thị phần xe chạy xăng cho đến khi hiệu suất sinh lời sụt giảm mạnh. Ngược lại, thị trường xe máy điện sẽ ngày càng nở rộ và tỷ lệ xe máy điện sẽ sớm đạt con số 10%. Đây là thị trường còn khá mới mẻ và dư địa phát triển còn nhiều tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chính sách hạn chế xe máy tại khu vực đô thị sẽ dần được hiện thực hóa, bao gồm: chính sách thu phí khí thải, chính sách thu phí xe cơ giới vào nội đô, chính sách ưu tiên dành cho ô tô điện, xe máy điện hoạt động tại đô thị... Các chính sách kể trên đã bắt đầu “manh nha” bằng những đề xuất do Hà Nội, TP.HCM và các Bộ, ngành khởi xướng trong những năm qua. Khi các chính sách chính thức được thông qua sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường xe máy trong nước. Theo đó, xe máy chạy xăng truyền thống sẽ dần rút khỏi khu vực đô thị, tập trung tại các vùng núi, nông thôn và hải đảo. Kỳ hạn cuối được đặt ra vào năm 2050 khi 100% xe sản xuất mới (bao gồm cả ô tô và xe máy) phải là xe điện hóa hoặc xe sử dụng năng lượng xanh, không phát thải, theo cam kết của Chính phủ tại COP26.