Mắc Omicron sau khi đã tiêm vaccine có thể tạo kháng thể cao chống lại biến chủng khác
Một nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy người mắc biến thể Covid-19 Omicron sau khi tiêm vaccine có lượng kháng thể cao chống lại Delta và các biến thể khác…
Nghiên cứu tại Nam Phi do Tiến sĩ Penny Moore của Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm, thuộc Dịch vụ Phòng thí nghiệm Y tế Quốc gia ở Johannesburg dẫn đầu đã xem xét hiệu quả miễn dịch của việc lây nhiễm Omicron và tiêm một số loại vaccine cụ thể - còn gọi là “ca nhiễm đột phá”.
Nghiên cứu này phát hiện ra rằng việc lây nhiễm Omicron đã tạo ra kháng thể chống lại chính biến thể này ở những người chưa tiêm vaccine, tuy nhiên, hiệu quả này “giảm đáng kể” trước biến thể Delta và Beta.
Ngược lại, ở những người mắc Omicron nhưng đã tiêm vaccine của Johnson & Johnson hoặc Pfizer trước đó, phản ứng miễn dịch chéo được cải thiện đáng kể, với lượng kháng thể cao chống lại Beta, Delta, Omicron cũng như những biến thể từ đầu đại dịch.
“Với những người không tiêm vaccine, phản ứng miễn dịch có được từ việc mắc Omicron hoạt động kém hơn đáng kể trước những biến thể khác như Delta, Beta”, các tác giả nghiên cứu viết trong một bài báo đăng tải trên MedRxiv.org. Nghiên cứu này hiện vẫn chưa được bình duyệt khoa học.
Nghiên cứu này được thực hiện với số mẫu bệnh phẩm giới hạn, chỉ 20 người chưa tiêm vaccine và 7 người đã tiêm vaccine mắc Covid-19 trong làn sóng Omicron. Nhóm nghiên cứu cho biết kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa với việc phát triển các loại vaccine thế hệ thứ hai dựa trên biến thể Omicron.
Cũng liên quan tới "ca nhiễm đột phá", một nghiên cứu khác tại Mỹ gần đây phát hiện ra rằng khả năng miễn dịch của các “ca nhiễm đột phá” Delta, Beta hoặc biến thể khác - sau khi tiêm 2 mũi vaccine công nghệ mRNA của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna - không đủ để ngăn chặn lây nhiễm Omicron.
Tại Mỹ, một nhóm nghiên cứu của Đại học bang Ohio, dẫn đầu là Tiến sĩ Shan-Lu Liu, đã xem xét phản ứng kháng thể trung hòa chống lại các biến thể Alpha, Beta, Delta và Omicron ở 48 nhân viên y tế đã được tiêm vaccine mRNA của Pfizer hoặc Moderna.
Các mẫu máu được thu thập trước khi tiêm vaccine, sau mũi đầu tiên và 2 lần sau mũi thứ hai, theo kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa Science Translational Medicine hôm 15/2. Các nhà nghiên cứu quan sát được sự sụt giảm lượng kháng thể trung hòa – yếu tố cho thấy khả năng miễn dịch – trong khoảng thời gian từ 1-6 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai.
Ở tháng thứ 6, khoảng 56,3% các nhân viên y tế tham gia nghiên cứu có lượng kháng thể ở dưới ngưỡng giới hạn có thể chống lại Delta, và 89,6% dưới ngưỡng giới hạn chống lại Omicron.
12 người trong số các nhân viên y tế được phát hiện nhiễm Covid ở các giai đoạn khác sau khi tiêm chủng và mức kháng thể trung hòa của họ cao hơn khoảng 6 lần sau 6 tháng so với những người không nhiễm. Tuy nhiên, 30% những người mắc Covid vẫn không có hoạt động trung hòa ở mức có thể phát hiện được, so với 60% người không mắc.
Các nhà nghiên cứu cho biết khả năng “lách” miễn dịch của Omicron cho thấy cần phải tiêm nhắc lại vaccine.
“Chúng tôi đã quan sát thấy biến thể Omicron vượt được hệ thống miễn dịch có được nhờ vaccine mRNA, thậm chí ở thời điểm ba đến bốn tuần sau mũi thứ hai… Hơn nữa, kể cả những ca mắc đột phá cũng không tránh được”, bài báo trên tờ Science Translational Medicine cho biết. “Dù lây nhiễm đột phá có thể làm tăng phản ứng kháng thể trung hòa, việc này hầu như không mang lại hiệu quả trong việc bảo vệ chống lại Omicron, ít nhất với những người nhiễm bệnh trước làn sóng Omicron”.