Mở ra nhiều hướng canh tác mới cho mùa nước nổi tại Đồng bằng sông Cửu Long

Chu Khôi
Chia sẻ

Nhiều mô hình thí điểm sinh kế dựa vào mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long như trồng lúa nổi, trồng sen lấy tơ, trồng sen kết hợp nuôi cá… đã chứng minh tính bền vững, hiệu quả và có tiềm năng nhân rộng, từ đó đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính quyền địa phương…

Trồng sen để sản xuất tơ ở Đồng Tháp 
Trồng sen để sản xuất tơ ở Đồng Tháp 

Từ năm 2018 đến năm 2021, với nguồn tài trợ từ Quỹ Coca Cola, Liên minh bảo tồn Thiên nhiên Quốc Tế (IUCN) Việt Nam đã triển khai dự án “Mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi hỗ trợ chiến lược trữ lũ tại Đồng bằng Sông Cửu Long”. IUCN vừa tổ chức hội thảo tổng kết dự án này vào ngày 12/11/2021.

1000 NÔNG DÂN ĐƯỢC HƯỞNG LỢI

Ông Andrew Wyatt, Phó Giám đốc IUCN tại Việt Nam, Campuchia, Myanmar, cho biết Dự án đã thực hiện các mô hình tại 15 điểm thuộc 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An. Các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi bao gồm du lịch sinh thái sen, mô hình kết hợp cá sen, lúa mùa nổi, nuôi cá mùa lũ và các loại cây rau nổi khác nhau.

Ông Andrew Wyatt phát biểu tại hội thảo
Ông Andrew Wyatt phát biểu tại hội thảo

Mục tiêu đề ra ban đầu của dự án là trình diễn các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi trên diện tích 450 ha, bảo tồn và khôi phục 6,7 triệu m3 trong tổng lượng trữ lũ. Kết quả thực tế cho thấy dự án đã được thực hiện trên diện tích 470 ha, góp phần bảo tồn và khôi phục 8,6 triệu m3 nước lũ.

Để có được kết quả này, dự án đã thực hiện các hoạt động đào tạo cho nông dân xây dựng và thực hiện các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi ít rủi ro nhưng đem lại lợi nhuận, cả bên ngoài và bên trong các đê bao.  

 
"Dự án đã tổ chức 16 khóa tập huấn và đào tạo cho hơn 1000 nông dân tại ba tỉnh của dự án. Trung bình người nông dân có thể kiếm được lợi nhuận cao hơn so với trước đây khoảng 25%-150% từ các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi."
Ông Andrew Wyatt, Phó Giám đốc IUCN tại Việt Nam

“Dự án đã góp phần hỗ trợ thực hiện Nghị Quyết 120 của chính phủ Việt Nam thông qua việc trình diễn các mô hình thực tế thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và khôi phục chức năng hệ sinh thái đồng lũ vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, nhằm đối phó với tình trạng khô hạn và lũ lụt”, ông Andrew Wyatt nhấn mạnh.

Mô hình canh tác lúa mùa nổi kết hợp nuôi cá được thực hiện tại xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An với 8 hộ tham gia trên diện tích 30 ha. Tập đoàn Lộc Trời đã thu mua lúa mùa nổi từ các mô hình trình diễn ở Long An.

Kết quả tính toán cho thấy, chi phí sản xuất bình quân cho 1 ha là 7.600.000 đồng; năng suất thu hoạch bình quân 1,2 tấn thóc/ha và 700 kg cá. Với giá bán thóc mùa nổi bình quân 1 kg là 10.000 đồng, doanh thu từ bán lúa được 12.000.000 đồng.

Với giá bán cá bình quân 90.000 đồng/kg, doanh thu từ bán cá đạt 5.600.000 đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi ha của mô hình này đạt lợi nhuận 10.000.000 đồng cho một mùa nước nổi dài khoảng 3 tháng. Nhờ kết quả của mô hình, Ủy ban nhân dân huyện Tân Hưng, tỉnh Long An đã lập kế hoạch mở rộng diện tích trồng lúa nổi.

TRIỂN VỌNG SẢN XUẤT TƠ SEN

Trình bày về kết quả Đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen Việt Nam”, ông Nguyễn Huy Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch và hợp tác quốc tế, Viện Kinh tế Sinh thái (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), cho biết sen là cây trồng phổ biến ở tỉnh Đồng Tháp.

Tại xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, người dân đã được tập huấn kéo miết tơ sen lấy sợi và kiến thức về kỹ thuật trồng sen. Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen hỗ trợ chi phí cho người dân địa phương học nghề sản xuất sợi tơ sen. Hội Nông dân huyện Tháp Mười, Đồng Tháp cấp vốn hỗ trợ cho các hộ dân thực hiện mô hình sinh kế thích ứng mùa nước nổi.

 
"Dự án cũng đã giới thiệu kiến thức mới cho phụ nữ trong vùng về sản xuất sợi tơ có giá trị cao từ cọng sen vốn trước đây không có giá trị kinh tế".
Ông Nguyễn Huy Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch và hợp tác quốc tế, Viện Kinh tế Sinh thái

“Điều này cũng cho thấy rằng phụ nữ địa phương có khả năng giữ lại giá trị cao của cuống sen ở Đồng Bằng sông Cửu Long bằng cách sản xuất vải từ cuống sen để tăng thu nhập của họ trong tương lai. Ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp đầy tiềm năng này vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và cần được hỗ trợ để phát triển hơn nữa”, ông Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh. Đồng thời cho biết thêm, hiện nghề sản xuất sợ từ tơ sen đã được lan tỏa sang các tỉnh miền Tây khác như: Bến Tre, An Giang....

Ông Trần Chế Linh, Phó Phòng Kế hoạch tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho hay, nhiều mô hình thí điểm đã chứng minh tính bền vững, hiệu quả và có tiềm năng nhân rộng. Điển hình là hiệu quả về môi trường của dự án ruộng sen tại xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Ruộng sen mang lại phù sa hằng năm trung bình từ 0,5 - 0,7 cm, ruộng sen trữ nước bình quân 0,9 m nước, qua đó, giúp cho đất có thêm phù sa, người dân tốn ít chi phí hơn trong vụ lúa Đông Xuân. Hiệu quả về xã hội, ước mỗi ha trồng sen tạo việc làm cho 4 lao động trực tiếp, 4 lao động gián tiếp.

Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, các mô hình còn góp phần hỗ trợ chiến lược bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tăng khả năng trữ nước ngọt, khôi phục và bảo tồn các loài thủy sinh cho vùng đồng bằng.

Ngoài ra, lượng phù sa tích tụ trong đồng ruộng cũng giúp tăng độ phì nhiêu của đất, làm giảm nhu cầu phân bón cho cây trồng trong mùa khô, giảm dịch bệnh hại cây trồng, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng các loài thủy sinh tự nhiên, cải thiện đa dạng sinh học và hệ sinh thái canh tác nông nghiệp.

Các chuyên gia và đại diện chính quyền các địa phương cho rằng: Dự án mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi là một bước ngoặt, góp phần cung cấp cho các đối tác và cộng đồng địa phương cơ hội và kinh nghiệm trực tiếp để thử nghiệm các mô hình khác nhau.

Các mô hình nói trên đã chứng minh có thể là giải pháp thay thế cho trồng lúa thâm canh mà vẫn đem lại lợi nhuận. Ngoài ra các mô hình còn có khả năng nhân rộng mà không cần đầu tư tốn kém vào cơ sở hạ tầng như đê bao.

Điều này hỗ trợ đa dạng hóa nông nghiệp thông qua sản xuất các sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường, thích ứng với các điều kiện khí hậu như lũ lụt và hạn hán, đem lại lợi ích đáng kể về hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Trong thời gian tới, IUCN và các đối tác sẽ tiếp tục tìm kiếm và huy động thêm các nguồn lực kỹ thuật và tài chính từ các bên liên quan như chính phủ, các nhà tài trợ và khu vực tư nhân để tiếp tục và nhân rộng các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con