Mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành là cấp thiết
Cao tốc đoạn TP.HCM - Long Thành sau gần 8 năm đưa vào hoạt động đã quá tải, thường xuyển xảy ra ùn tắc. Việc mở rộng là vấn đề cấp thiết, bảo đảm đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…
Tại cuộc họp nghe báo báo, cho ý kiến về phương án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành thuộc dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành là vấn đề cấp thiết, bảo đảm đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc quyết định phương án đầu tư dựa trên tiến độ và hiệu quả kinh tế, từ đó mới có thể triển khai các bước tiếp theo.
ĐỒNG BỘ VỚI QUY HOẠCH HẠ TẦNG GIAO THÔNG VÙNG
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, từ khi đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện tham gia trên đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành (Km 00 đến Km 25+920) liên tục tăng cao, dự kiến năm 2025 vượt 25% năng lực thông hành với 4 làn xe hiện hữu, thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Theo đó, việc mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành còn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển sau khi một số công trình giao thông trọng điểm được đưa vào khai thác như: Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với công suất 26 triệu hành khách/năm, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; sự phát triển của khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải…
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã nghiên cứu, đề xuất mở rộng đoạn từ nút giao đường vành đai 2 TP.HCM đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km4 đến Km25+920) với quy mô 8 làn xe, bảo đảm khả năng mở rộng lên 10 làn xe.
Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 đưa vào khai thác từ ngày 30/6/2016 với tổng chiều dài 55 km, trong đó phân đoạn TP.HCM - Long Thành là 25,92 km.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP.HCM, tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng cần tính đến phương án đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành ngay lên 10 làn xe thay vì 8 làn xe như đề xuất.
Từ các phương án đầu tư được nêu lên tại cuộc họp, các ý kiến đã phân tích làm rõ về sự phù hợp với các quy định pháp luật đầu tư; hình thức đầu tư; phạm vi, quy mô dự án đầu tư; thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư; khả năng cân đối, huy động các nguồn vốn/nghĩa vụ trả nợ; mối quan hệ giữa dự án hiện hữu (được đầu tư theo hình thức đầu tư công) và dự án đầu tư mới…
ĐỀ XUẤT MỞ RỘNG LÊN 8 LÀN XE
Theo đề xuất của VEC về đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM- Long Thành, phương án 1, VEC sẽ là chủ đầu tư (thực hiện triển khai phương án đầu tư theo Luật Đầu tư).
Theo đó, đoạn tuyến cao tốc thuộc dự án có phạm vi xây dựng từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hoà (Km4+00 đến Km25+920) với tổng chiều dài 21,92 km. Quy mô đầu tư từ 4 làn xe lên 8 làn xe, thực hiện giải phóng mặt bằng 10 làn xe (hiện đã giải phóng mặt bằng để mở rộng 8 làn xe). Hai cầu (Sông Tắc - Km10+436, cầu trong nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu Km24+646) đầu tư mở rộng hoàn chỉnh 10 làn xe.
Tổng mức đầu tư của phương án trên hơn 14.339 tỷ đồng, bao gồm trên 4.639 tỷ đồng vốn chủ sở hữu của VEC (32%), vốn vay thương mại 9.700 tỉ đồng (68%). Nếu được thông qua, dự án sẽ ngay lập tức tiến hành các bước đầu tư để đến tháng 6/2028 hoàn thành. Thời gian hoàn vốn dự án là 29 năm.
Theo VEC phương án này sẽ đảm bảo đáp ứng được nhu cầu giao thông trên tuyến đến năm 2035, với lưu lượng khoảng 114.315 xe con quy đổi/ngày đêm.
Phương án hai, Bộ Giao thông Vận tải đóng vai trò là cơ quan chủ quản, VEC là chủ đầu tư. Phạm vi thực hiện giữ nguyên như phương án 1, nhưng đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Km8 đến Km25+990) đầu tư 10 làn xe.
Với phương án này, tổng mức đầu tư của dự án trên 15.628 tỉ đồng, với hai nguồn vốn Nhà nước và của VEC lần lượt là 9.000 tỷ đồng (chiếm 58%) và 6.628 tỷ đồng (chiếm 42%).
Cho ý kiến về phương án giao cho VEC làm chủ đầu tư, Phó Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính… sớm tổng kết mô hình hoạt động của VEC, đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực tài chính (nâng vốn điều lệ, tái cơ cấu nợ…), đáp ứng đủ điều kiện thực hiện những dự án đầu tư giao thông trọng điểm.
Cùng với đó, VEC cần khẩn trương xây dựng báo cáo tiền khả thi, các phương án về huy động vốn, giải phóng mặt bằng, phương án tài chính của dự án TP.HCM - Long Thành trong mối quan hệ với các dự án cao tốc khác mà VEC đang khai thác...
Dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được khởi công xây dựng vào ngày 03/10/2009 với quy mô 4 làn xe trên tổng chiều dài 55,7 km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 997,67 triệu USD (tương đương 20.630 tỷ đồng). Dự án được sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).