Mỗi địa phương là một đầu tàu, đón đầu xu thế tăng trưởng xanh
Đón đầu xu thế hậu Covid-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số nhưng không quên hóa giải nguy cơ từ biến đổi khí hậu, các tỉnh, thành trong cả nước đang nỗ lực phát triển theo hướng “xanh hóa” theo hướng đi riêng, khai phá thế mạnh mỗi địa phương, quyết tâm không để lỡ cơ hội phục hồi kinh tế…
Hội tụ tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam - Vietnam Connect Forum 2022 do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/Vietnam Economic Times/VnEconomy phối hợp tổ chức vừa qua, lãnh đạo các tỉnh, thành chia sẻ định hướng phát triển dựa trên lợi thế riêng của mình, cùng góp sức đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trong nền kinh tế Việt Nam, từ thay đổi của hoạt động sản xuất, kinh doanh và thương mại của doanh nghiệp đến sự biến chuyển trong cách thức sống và tiêu dùng của người dân.
Là “đầu tàu” kinh tế của cả nước, trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, những năm qua, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, thành phố tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách nhằm hiện thực hóa các mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.
BA NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Theo ông Võ Văn Hoan, TP.HCM có nhiều thuận lợi để thực hiện các mục tiêu này. Thành phố là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp 22% GDP, chiếm 25 – 27% tổng thu ngân sách cả nước. TP.HCM có vị trí thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao, quy mô thị trường lớn, tiên phong xây dựng đô thị thông minh, là “cái nôi” cho các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với hơn 2.000 startup, chiếm đến 50% startup cả nước, hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, tăng trưởng xanh có ba nhiệm vụ trọng tâm, đó là: giảm cường độ phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng sử dụng năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa đời sống và tiêu dùng.
Thứ nhất, về giảm cường độ phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, thành phố chủ trương giảm các phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường vận tải hành khách công cộng.
"Thực chất của phát triển bền vững cần dựa trên ba trụ cột chính là kinh tế - xã hội - môi trường. Phát triển bền vững nói chung là hướng đến con người và lấy con người làm trung tâm trong mọi hoạt động phát triển”.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai phát hiện các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo như khuyến khích đầu tư điện áp mái, nối lưới ở khu vực các công sở, trụ sở hành chính, các cơ quan làm việc và nhà dân.
Thứ hai, về xanh hóa sản xuất, thành phố triển khai dán nhãn sinh thái ở một số sản phẩm, xét tặng giải thưởng doanh nghiệp xanh, tôn vinh doanh nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, định hướng phát triển các ngành, nghề có sử dụng công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường. Kiểm soát chặt chẽ quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải bằng công nghệ hiện đại. Phát triển hệ thống xử lý rác thải, đốt rác thay cho công nghệ chôn lấp trước đây, đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống quan trắc môi trường hiện đại thay cho hệ thống cũ.
Thứ ba, về xanh hóa đời sống và tiêu dùng, thành phố tăng cường quản lý loại bỏ việc sử dụng túi nilon trên địa bàn.
“Tại các siêu thị lớn của thành phố triển khai cho người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi nilon và tập trung ưu tiên sử dụng túi tự hủy sinh học nhằm bảo vệ môi trường; đẩy mạnh triển khai chương trình phân loại rác; thực hiện cuộc vận động người dân thành phố không xả rác ra đường, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, ông Hoan dẫn chứng.
MỖI ĐỊA PHƯƠNG CHỌN HƯỚNG ĐI NÀO?
Để tiếp tục hướng tới mục tiêu phục hồi kinh tế, tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo đó, thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả 51 chương trình và đề án trong 3 chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm (gồm: chương trình đột phá về đổi mới quản lý thành phố; chương trình đột phá về phát triển hạ tầng thành phố; chương trình đột phá về phát triển nhân lực và văn hóa thành phố; chương trình trọng điểm về phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo).
Thành phố tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển kinh tế thành phố nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động. Triển khai thực hiện đề án phát triển thành phố thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.
Đồng thời, tập trung xây dựng thành phố thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường khoa học công nghệ, thị trường tài chính theo chuẩn mực của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học, công nghệ có giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghệ cao, kinh tế số; từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất sử dụng công nghệ lạc hậu thành khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng công công nghệ cao thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động.
Là vùng đất phì nhiêu, màu mỡ, được ví là “vựa thóc”, “mỏ tôm, cá” của quốc gia và được thiên nhiên ưu ái với hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000 km, nhưng cũng là vùng cảm nhận rõ rệt nhất ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết cực đoan, hệ lụy từ nước biển dâng, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất của người dân, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long nhận rõ lợi thế, khó khăn của mình trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái của vùng, với 70% dân số sống bằng nghề nông, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết cách đây 10 năm, tỉnh đã thấy rõ phải tái cơ cấu nông nghiệp.
Vì vậy, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách bài bản. Từ đó, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính. Người dân cũng giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong sản xuất, khi đó, sản phẩm sản xuất ra sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu và xu thế người tiêu dùng hiện nay trên thị trường.
Là một trong bảy tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp giáp biển, kinh tế biển được xác định là một trong năm động lực tăng trưởng của tỉnh Bạc Liêu.
Xác định rõ lợi thế của mình, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, tỉnh xác định hướng đi trở thành trung tâm năng lượng sản xuất sạch.
Tỉnh triển khai từng trụ điện gió ngoài khơi trước, làm những việc khó trước, sau đó mới tiến vào đất liền, bởi nỗi lo sử dụng đất đai trong đất liền sẽ ảnh hưởng đến người dân. Vừa qua, Bạc Liêu triển khai thành công tám dự án điện gió với công suất gần 500 MW.
“Nhắc đến chuyển đổi số, hay tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, điều đầu tiên cần cân nhắc, đó là 70% dân số Bạc Liêu là nông dân. Họ có đồng tình, thấu hiểu chiến lược phát triển của địa phương hay không”, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu lý giải. Bởi nguồn lực để phát triển, tăng trưởng xanh phụ thuộc phần lớn, đến 70% vào khu vực tư nhân nhưng đối tượng tác động đến 70% là nông dân.
Do đó, “phải thay đổi tư duy một cách hệ thống, không chỉ lãnh đạo mà người dân hiểu được chủ trương này, từ đó, tạo sức lan tỏa để người dân ủng hộ”, bà Vân tiết lộ.
Cũng có nhiều lợi thế trong phát triển nền nông nghiệp toàn diện, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng trăn trở: làm muối, nuôi tôm, sản xuất điện có mâu thuẫn hay không?
“Để giải được bài toán này, chỉ có cách phải thay đổi công nghệ”, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh. Theo đó, việc nuôi tôm truyền thống trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao, sử dụng ít nước, ít gây ô nhiễm môi trường, để các ngành nghề khác cùng hưởng lợi. Lúc này, người dân sản xuất lúa, tôm không dùng kháng sinh. Còn doanh nghiệp đầu tư lớn, dành nhiều nguồn lực hơn để đầu tư nuôi tôm công nghệ cao.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa nông dân và nhà đầu tư phải được hóa giải, để cùng nhau phát triển hướng đến lợi ích chung, bởi nếu chỉ doanh nghiệp phát triển được mà người dân thiệt hại sẽ dẫn đến mâu thuẫn lợi ích, gây khó trong quản lý.
GỠ CƠ CHẾ, PHÁ "ĐIỂM NGHẼN" KÌM HÃM TP.HCM
"Chúng tôi sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, giải quyết những điểm nghẽn kìm hãm phát triển thành phố.
Trong đó, nút thắt lớn nhất đó chính là hạ tầng đô thị, sớm hoàn thành việc lập quy hoạch thành phố; giải quyết hiệu quả các vấn đề trong đô thị đặt ra như: giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, giảm kẹt xe, đẩy mạnh phát triển các hệ thống giao thông liên vùng, kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các đường vành đai và các trung tâm, đảm bảo các điều kiện để phát triển thành phố.
TP.HCM cũng cam kết sẽ cùng với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương bạn tiếp tục đề xuất để triển khai các chính sách phù hợp nhằm góp phần tích cực và thực hiện quá trình tăng trưởng kinh tế của thành phố trong thời gian tới. Đây cũng chính là việc chuẩn bị hệ sinh thái để đón một làn sóng FDI xanh, đón các nhà đầu tư xanh đến với thành phố phát triển bền vững của chúng tôi".
BA MŨI ĐỘT PHÁ CÙNG CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀM ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
"Tỉnh Đồng Tháp lấy giáo dục - y tế - nông nghiệp làm 3 mũi đột phá cùng chuyển đổi số.
Đặc biệt, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp bài bản hơn tới năm 2025, định hướng tới năm 2030, trong đó, nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Đồng Tháp xác định cải tiến công nghệ để đưa vào sản xuất, vì vậy, tỉnh ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số làm mục tiêu phát triển dài hạn. Trong quy hoạch chung, tỉnh cũng sẽ tích hợp tăng trưởng xanh để phát triển tốt hơn".