Mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa
Hằng năm, trên thế giới, có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Riêng ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, phần lớn trong số đó là có túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần…
Thực trạng này được Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra tại Diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên” do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 28/2/2024. Diễn đàn nhằm kêu gọi những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi nilon khó phân hủy.
LƯỢNG RÁC THẢI NHỰA RA MÔI TRƯỜNG LÀ RẤT LỚN VÀ TĂNG HÀNG NGÀY
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Theo đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
Trong khi đó, việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8- 12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11- 12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương.
Mỗi ngày, có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế, trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc, hóa chất..). Thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường", đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cảnh báo.
Chia sẻ về thưc trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam nêu thực tế, năm 2023 Việt Nam nhập khẩu khoảng 7,5 triệu tấn hạt nhựa, đồng thời sản xuất trong nước khoảng hơn 2 triệu tấn. Như vậy nguyên liệu để sản xuất hạt nhựa nguyên sinh ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 10 triệu tấn. Đây là một con số rất lớn, ông Vượng nói.
Trong những năm qua, tiêu thụ nhựa ở Việt Nam liên tục tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Hiện nay, tổng sản lượng ngành nhựa khoảng 25 tỷ USD, xuất khẩu năm 2023 khoảng 4,5 tỷ USD.
Theo ông Vượng, với lượng tiêu thụ tăng mạnh, lượng rác thải nhựa ra môi trường là rất lớn và tăng hàng ngày. Lượng rác thải nhựa này đang một phần (nhựa có giá trị) đang được thu gom, tái chế ở các làng nghề trên cả nước. Tuy hiên, còn lượng lớn rác thải nhựa khó tái chế, giá trị thấp như bao bì, túi nilon, nhựa sử dụng 1 lần…không được tái chế, đổ ra bãi rác chôn lấp, hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Theo ước tính mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,2 triệu tấn nhựa. Điều này cũng đồng nghĩa với lượng rác thải nhựa thải ra rất lớn cần phải xử lý.
THAY ĐỔI HÀNH VI, ỨNG XỬ CỦA CỘNG ĐỒNG VÀ DOANH NGHIỆP VỚI SẢN PHẨM NHỰA, RÁC THẢI NHỰA
Có thể thấy, tình trạng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam cũng đang gia tăng nhanh chóng, tạo ra những thách thức lớn về quản lý môi trường và yêu cầu sự hợp tác và nỗ lực từ mọi tầng lớp trong xã hội để đối mặt và giải quyết vấn đề này. Vấn đề rác thải nhựa đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. Nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.
Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, qua đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.
Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Còn theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa đòi hỏi những giải pháp toàn diện. Việc tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức là chìa khóa quan trọng. Cần phải thay đổi hành vi và ứng xử của cả cộng đồng và doanh nghiệp đối với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa.
Trong thời gian gần đây, làn sóng hoạt động bảo vệ môi trường đã nổi lên mạnh mẽ và sôi động trong cộng đồng thanh niên Việt Nam. Bằng những hành động cụ thể và mô hình thiết thực, đoàn viên, thanh niên không chỉ là những chiến binh mạnh mẽ đứng đầu, mà còn là những người năng động, làm nổi bật vai trò của mình trong hành trình chung để chống lại thách thức nặng nề của rác thải nhựa.
Điều đáng chú ý, để giảm thiểu rác thải nhựa, giải pháp cần phải được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả. Việc tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức là nền tảng quan trọng. Thay đổi hành vi và ứng xử của cả cộng đồng và doanh nghiệp đối với sản phẩm nhựa và rác thải nhựa là quan trọng nhất. Những hành động nhỏ như hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng chai và lọ thủy tinh thay vì nhựa, ưu tiên mua sản phẩm đóng hộp giấy thay vì hộp nhựa… sẽ đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống rác thải nhựa.
Theo ông Vượng, vấn đề chống rác thải nhựa ở Việt Nam mới tham gia, vẫn còn nhiều lúng túng, hạn chế nên cần bám sát thực tiễn để xây dựng chính sách phù hợp để chống rác thải nhựa hiệu quả.
Nhấn mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ông Vượng cho biết những năm qua đã kiến nghị với cơ quan quản lý nhiều giải pháp chính sách xây dựng và phát triển ngành kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa ở Việt Nam. Một số chính sách đã được áp dụng như mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất EPR.
Với EPR, nhà sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về việc thu gom, xử lý và tái chế các sản phẩm mình sản xuất hoặc nhập khẩu. Các sản phẩm bao gồm các sản phẩm tiêu dùng, bao bì giấy, bao bì nhựa, thiết bị điện tử và điện tử tiêu dùng, ô tô, pin và bình ắc quy...Đây là chìa khóa mở cánh cửa để tái chế, giúp kinh tế tuần hoàn chuyển động.
Việt Nam cần xây dựng chính sách phát triển thị trường sản phẩm tái chế, dán nhãn xanh cho các sản phẩm, quy định tỷ lệ tái chế trong mỗi sản phẩm nhựa…
Đặc biệt muốn chống rác thải nhựa, điều quan trọng đầu tiên phải kéo dài vòng đời sản phẩm nhựa, giảm thiểu thải bỏ ra môi trường. Muốn vậy phải có quy chuẩn cho các sản phẩm nhựa, ông Vượng nhấn mạnh.