Nghịch lý trong xử lý rác thải nhựa: Phế liệu đầy rẫy nhưng dây chuyền tái chế "đắp chiếu"
Thu gom, phân loại rác thải nhựa hiện vẫn để cho lực lượng “đồng nát” giải quyết tự phát, chưa có một quy trình, mạng lưới quy định cụ thể...
Rác thải nhựa là một thành phần có lợi về kinh tế, có thể tái chế, tái sử dụng, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có cơ chế rõ ràng để thống nhất hoạt động thu gom, tái chế.
Những con số rác thải nhựa được các tổ chức thống kê đưa ra thực sự đáng lo ngại. Theo Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam, nước ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa.
Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG SỐNG VÀ ĐẠI DƯƠNG
Theo thống kê, lượng rác nhựa đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2014 khoảng 1,8 triệu tấn, đến 2016 khoảng 2,0 triệu tấn và đến nay khoảng 3,27 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra tại Việt Nam.
Đặc biệt, khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon trong một tháng. Chưa có số liệu mới nhất, song theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam, trong khoảng thời gian 1990 – 2015, số lượng tiêu thụ nhựa ở Việt Nam đã tăng lên chóng mặt, từ 3,8 kg/người/năm lên đến 41 kg/người/năm.
Đáng quan ngại, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Song, chỉ có khoảng 11-12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế. Số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Điều này dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt đe dọa ô nhiễm đại dương.
Riêng trong rác thải y tế có khoảng 5% là rác thải nhựa. Mỗi ngày, có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế, trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc, hóa chất...). Thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường.
Còn theo số liệu của Tổng cục Biển và Hải Đảo (Bộ Tài nguyên & Môi trường), tại Việt Nam cũng như trên thế giới, có gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ. Trong tổng lượng chất nhựa thải bỏ đó, chỉ có một phần được thu hồi và tái chế, một phần được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp. Như vậy, một lượng lớn chất thải nhựa bị cuốn vào sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển.
CƠ CHẾ THU GOM, XỬ LÝ KÉM HIỆU QUẢ
Trước tình trạng đáng báo động như vậy, tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam”, nhiều chuyên gia nhận định, các chính sách xử lý rác thải nhựa vẫn còn hời hợt. PGS.TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cho rằng hệ thống chính sách hỗ trợ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn trong đó có chất thải nhựa về cơ bản đã được xây dựng.
Cụ thể như: chính sách phân loại chất thải rắn tại nguồn tạo nguồn nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ sản xuất; chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đầy đủ, còn nhiều vướng mắc, chưa phát huy được hết tác dụng trong việc thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải rắn.
Cơ chế thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn thiếu, chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư cho thu gom, xử lý chất thải rắn. Hơn nữa, cơ chế chính sách để tạo lập thị trường tiêu thụ các loại túi nilon thân thiện với môi trường còn hạn chế. Thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon khó phân hủy còn thấp nên chưa tác động nhiều tới việc hạn chế sản xuất, sử dụng túi nilon khó phân hủy.
Mặc dù túi nilon thân thiện với môi trường được miễn thuế bảo vệ môi trường, nhưng do nhiều hộ gia đình quy mô nhỏ sản xuất túi nilon khó phân hủy và không phải nộp thuế theo thực tế sản xuất nên đã kéo giá thành túi nilon thông thường thấp hơn. Vì vậy, túi nilon thân thiện với môi trường không có khả năng cạnh tranh với túi thông thường, dẫn đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước kém hiệu quả.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho rằng hiện tại công tác thu gom rác thải nhựa đang gặp khó khăn. Như thiếu cơ sở hạ tầng dành cho công tác duy trì vệ sinh môi trường (trạm trung chuyển, điểm cẩu...). Chính quyền chưa thực hiện xử phạt các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường trên địa bàn theo Nghị định 155/2016.
Quan trọng hơn, rác thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại. Người dân, các chủ nguồn thải không quan tâm đến việc phân loại khi thải bỏ. Chưa có hướng dẫn cụ thể về công tác phân loại dẫn đến các địa phương đều triển khai khác nhau về chủng loại rác cần phân loại, cách thức phân loại, lưu trữ...
Đặc thù rác thải nhựa thường cồng kềnh, kho vận chuyển và lưu trữ hạn chế. Lực lượng thu gom hiện đang hoạt động tự phát, phân tán. Chưa có kinh phí trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng như gói hỗ trợ ưu đãi trong việc đầu tư hệ thống tái chế...
GỠ "THẾ BÍ" TRONG THU GOM, PHÂN LOẠI
"Việc phân loại, thu gom phế liệu chúng ta đang bế tắc. Cần giải quyết ngay vấn đề này trước khi nói về công nghệ tái chế", ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần XNK Nam Thái Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM thừa nhận.
Theo ông Việt Anh, hiện rất nhiều nước có biện pháp thu gom phế liệu phân loại như đổi lấy quà, hay được mua lại, vừa có thưởng vừa có phạt. Do đó, Việt Nam cũng cần có giải pháp rõ ràng xuống từng khu phố, từng trường học. Phải đưa ra chính sách sát hơn, có lợi cho người thu gom, phân loại... nhằm khuyến khích họ. Phải xây dựng được mô hình sống chuẩn như trong các khu đô thị, villa.
“Doanh nghiệp như chúng tôi rất cần nguyên liệu đầu vào. Đơn cử như nhựa Duy Tân ra sản lượng 12 ngàn tấn/tháng nhưng thu gom chai nhựa không đủ vì vứt trôi nổi khắp nơi. Trong khi chúng ta chưa tiêu thụ hết phế liệu trong nước lại đi nhập phế liệu về. Điều này hết sức vô lý”, lãnh đạo Nam Thái Sơn nói.
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp có dây chuyền tái chế rất hiện đại nhưng phải đóng máy. Ông Việt Anh dẫn chứng, ở Long An có ba đơn vị sản xuất tới 50 tấn/ngày nhưng không có phế liệu, phải chờ nhập phế liệu ở nước ngoài về, trong khi việc nhập phế liệu rất phức tạp.
GS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam cũng đồng tình cho rằng công tác thu gom, phân loại rác thải nhựa hiện vẫn để cho “đồng nát” làm, mà chưa có một mạng lưới quy định cụ thể. Mặc dù ai cũng biết rác thải nhựa là thành phần có lợi về kinh tế, có thể tái chế, tái sử dụng. Do đó, các cơ quan liên quan cần có cơ chế rõ ràng để thống nhất hoạt động thu gom, tái chế.
Bên cạnh đó, Nghị định 38/2015 về quản lý chất thải và phế liệu chưa có quy định cụ thể. Vì thế theo ông Dũng cần bổ sung, chỉnh sửa để có chính sách cụ thể hơn, hỗ trợ doanh nghiệp tái chế, xử lý rác thải nhựa, thu gom, lựa chọn phân loại. Cần có chính sách hỗ trợ ưu đãi với những công nghệ xử lý tái chế.
Để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, ông Dũng đề xuất nên có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực: giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa; sử dụng vật liệu thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; công nghệ tái chế rác thải túi nilon, rác thải nhựa. Đặc biệt, thay thế túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Ông Phạm Văn Đức kiến nghị, cần hỗ trợ kinh phí và các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đối với các dự án xây dựng nhà máy tái chế nhựa. Đồng thời, bổ sung kinh phí cho việc phân loại rác trong các gói thầu vệ sinh môi trường. Thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.